Báo Công An Đà Nẵng

Dân bức xúc vì chậm xây cầu

Thứ hai, 14/08/2017 15:06

Người dân thôn 2, xã Sông Trà, H. Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện phản ánh việc thi công cầu bắc qua sông Trường đình trệ kéo dài. Đây là lần thứ 2 người dân thôn này gửi đơn tập thể và đề nghị đóng cửa nhà máy thủy điện Đak Mi 4 nếu không được giải quyết.

Cầu chìm qua sông Trường chỉ mới thi công 2 trụ và 1 mố cầu rồi để dang dở. 

Thôn 2 (xã Sông Trà) là địa bàn miền núi, đi lại khó khăn, đời sống nhân dân đại đa số dựa vào lâm nghiệp là chính. Trước đây, khi chưa có các nhà máy thủy điện bậc thang, dòng sông thường cạn vào mùa khô, người dân hoặc xe tải chở cây có thể qua lại bên kia sông Trường dễ dàng.Tuy nhiên, từ khi có Thủy điện Đak Mi 4 (đập thủy điện Đak Mi 4C) chảy về cắt dọc qua thôn, chia địa bàn thôn làm 2, đi lại khá khó khăn.  "Nhiều người đã bỏ mạng trên dòng sông này vì cuộc sống mưu sinh khi nước lũ tràn về hay thủy điện Đak Mi 4 xả nước bất ngờ", đơn kiến nghị của người dân thôn 2 nêu rõ. Người dân đã kiến nghị xây cầu từ năm 2012, nhưng mãi đến năm 2014 mới được lập dự án, thiết kế xây dựng cầu chìm bắc qua sông Trường với 6 nhịp cầu. Đến tháng 2-2016, đơn vị thi công mới bắt tay xây dựng, hoàn thành 3 trụ cầu chìm 4 tháng sau đó rồi bỏ đi. Tháng 4-2017, người dân gửi đơn kiến nghị, các cơ quan chức năng đến thôn họp và hứa sẽ triển khai thi công tiếp và hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhưng đơn vị thi công chỉ cho xe múc đất đến đổ đất đá chặn dòng xong lại biệt vô âm tín.

Đến nay, rừng trồng của người dân (từ 7-8 năm tuổi) đã đến kỳ thu hoạch, trong đó có hộ có rừng trồng 10 năm nhưng không thể thu hoạch vì xe tải không thể chạy qua sông chảy xiết do thủy điện Đak Mi 4 xả nước. Trong khi đó, người dân phải thế chấp, cầm cố, vay vốn ngân hàng để trồng rừng. Vốn vay càng lâu, tiền lãi ngân hàng càng cao và chuẩn bị đến mùa mưa bão, khiến người dân như ngồi trên đống lửa. "Đề nghị xử lý ngay trách nhiệm của đơn vị thi công vì không có năng lực về tài chính, kéo dài thời gian, không bảo đảm tiến độ thi công. Cần phải thực hiện ngay việc xây dựng cầu chìm qua sông Trường  để chúng tôi có điều kiện đi lại sản xuất, vận chuyển khai thác cây lâm nghiệp. Nếu không giải quyết được thì chúng tôi đề nghị đóng cửa nhà máy thủy điện Đak Mi 4, trả lại dòng chảy ban đầu để nhân dân chúng tôi đi lại thuận lợi", người dân kiến nghị.

 Người dân thôn 2, xã Sông Trà đề nghị đóng cửa nhà máy thủy điện Đak Mi 4, trả lại dòng chảy ban đầu để người dân đi lại thuận lợi.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Cp Thủy điện Đak Mi (chủ đầu tư công trình) cho biết, công trình do Chi nhánh Công ty CP Đầu tư xây dựng Đường Việt tại Quảng Nam thiết kế, Công ty CP Xây dựng thủy điện Miền Nam thi công với tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đồng. Đã thực hiện đổ bê-tông 2/5 trụ cầu và 1/2 mố cầu (2 trụ và 1 mố cầu). Lý do chậm tiến độ là diễn biến mưa lũ bất thường trong thời gian thi công cũng như việc tính toán mực nước sông Trường phục vụ đắp đê quai của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quai phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ (từ tháng 4 đến tháng 9-2016, đê quai bị cuốn trôi 4 lần, tháng 4-2017 bị cuốn trôi 1 lần). Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, lý do công trình chậm tiến độ do đê quai phục vụ thi công công trình là không đúng vì các tháng mùa khô, dòng sông Trường chỉ có nước từ thủy điện Đak Mi 4 xả về (phát điện). Do sông đã bị 2 đập thủy điện chặn hoàn toàn nên dù có mưa to và lũ nhỏ trong mùa khô, cũng đều nằm gọn trong lòng hồ, mực nước sông có dâng lên cũng không đáng kể. Vào những ngày cuối tuần, khi nhà máy thủy điện Đak Mi 4 dừng máy, lòng sông cạn khô trơ đáy.

"Công ty đã có văn bản yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát và hiệu chỉnh phương án đắp đê quai phục vụ thi công nhằm đối phó với mực nước thực tế tại thời điểm xây dựng do mưa lũ bất thường và chạy máy phát điện. Hiện chủ đầu tư đang đôn đốc khẩn trương hoàn thiện phương án. Sau khi có phương án đắp đê quai tối ưu, công trình sẽ được tiếp tục triển khai thi công nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng", ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

HẠNH NHÂN