Báo Công An Đà Nẵng

Dân điêu đứng vì “siêu”dự án

Thứ tư, 22/12/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - “Siêu” dự án nuôi tôm trên cát lớn nhất nước Việt Nam được xây dựng trên khu đất 2.000 ha đất ở vùng bãi ngang tỉnh Hà Tĩnh sẽ là đòn bẩy giúp Hà Tĩnh phát triển công nghiệp trong những năm tới. Thế nhưng sau 2 năm triển khai dự án, niềm hy vọng thoát nghèo với người dân nơi đây cũng chỉ là một bãi sa mạc cát ngổn ngang... 

Khai tử “siêu”  dự án nuôi tôm lớn nhất nước

Đó là Dự án nuôi tôm Việt - Mỹ (Cty Công nghệ Việt Mỹ thành viên của Tập đoàn ATI – Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD (tương đương 750 tỷ đồng Việt Nam). Dự án được triển khai trên diện tích 2.000 ha thuộc 5 xã vùng biển của 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp trên cát này, Cty đã dựng lên một mô hình rất hoành tráng từ A đến Z, gồm các khu: nuôi tôm giống, cá giống có công suất 200 triệu con/ năm; khu chế biến thức ăn tôm, cá; khu nuôi trồng công nghiệp; khu chế biến thủy sản xuất khẩu và đặc biệt sẽ biến khu nuôi tôm này thành một quần thể du lịch sinh thái biển và trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin - thương mại điện tử quốc tế tạo ra 20.000 việc làm cho con em địa phương với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Dự án cũng sẽ là đòn bẩy giúp Hà Tĩnh xóa tỉnh nghèo...

 Ngày 15-2-2003, dự án chính thức thi công. Hai năm đầu triển khai dự án, Cty gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trước hết, do không có kinh nghiệm, do thả toàn bộ tôm sú xuống ao mà thiếu nguồn nước ngọt nên tôm không thể phát triển. Càng nuôi càng teo tóp lại, năng suất thấp, sản lượng kém..., dẫn đến thua lỗ đậm.  Năm 2003, Cty đặt kế hoạch mức doanh thu khoảng 30-35 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 50% (16 tỷ đồng). Năm 2004 còn tệ hại hơn, chỉ đạt doanh thu 14 tỷ đồng/kế hoạch 30 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm thất bại, năm 2005 Cty chuyển từ công nghệ nuôi tôm sú sang công nghệ nuôi tôm he chân trắng. Rất đáng tiếc, mọi sự cố gắng của Cty vẫn không cứu vãn được tình thế. Năm 2005 dự kiến doanh thu 45 tỷ đồng và năm 2006 dự kiến 60 tỷ đồng, nhưng không có năm nào vươn tới con số dự kiến.


 Sau một thời gian hoạt động, các ao tôm thuộc “siêu dự án” biến thành một “sa mạc hóa” nham nhở, hư hỏng và gây ô nhiễm trầm trọng.

Và từ giữa năm 2007 thì “siêu dự án” này hoàn toàn “khai tử”, trở thành một “sa mạc cát” hoang tàn, nham nhở. Hàng trăm ao tôm cạn nước, hệ thống ni lông chống thấm rách nát tan tành đồng thời gây ô nhiễm cho hàng ngàn người dân vùng hạ lưu dự án.

Ruộng đồng thành sa mạc, dân mất đất sản xuất

Không còn nuôi tôm, năm 2008, chủ đầu tư dự án quay sang dùng bài “cải tạo ao đầm” để ngang nhiên mang nhiều giàn tuyển quặng ti-tan vào khai thác ti-tan, tận thu một cách trắng trợn.  Và nguồn khoáng quặng bị lấy hết, đầu năm 2010, Cty này lại cho một cá nhân thuê lại một số hồ nuôi tôm để mục đích giữ đất chờ đền bù quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê... Vì vậy hệ thống kênh thoát nước ô nhiễm, ruộng đồng sa mạc hóa không được ai quan tâm.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị, H. Thạch Hà cho biết: “Sau 7 năm triển khai, đến nay Cty này hầu như không hoạt động, để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường cho người dân địa phương. Trước đây con kênh chảy qua xóm Đại Tiến là dòng nước sạch tưới cho đồng ruộng và là nguồn nước sinh hoạt ăn uống, tắm giặt nay đã ô nhiễm nặng. Hơn thế nữa, 23ha đồng ruộng của dân biến thành sa mạc không thể canh tác nổi”. Ông Trung cho biết thêm, theo thiết kế, kênh sẽ được bê-tông hóa để chống thẩm thấu. Thế nhưng dự án chỉ rải một lớp vải bạt. Một thời gian sau, vải bạt rách nát nên nước thải cứ thế ngấm xuống đất. Mặt khác, do không được tu bổ nên bờ kênh bị xói mòn và nạo sâu cách mặt bằng đồng ruộng khoảng 2m, khiến ruộng của dân không thể sản xuất được.

Ông Phạm Văn Chững - Chủ tịch UBND xã Thạch Trị tính toán: “Xã đã bàn giao cho dự án 450ha đất nhưng dự án còn nợ tiền đền bù tài sản, cây cối trên đất của địa phương 1,2 tỷ đồng. Đến nay dự án không phát triển được thì trả lại đất cho địa phương để tổ chức lại sản xuất chứ dân thì thiếu đất còn dự án bỏ hoang như thế này. Trong khi đó, hơn 200 hộ dân với 1.000 nhân khẩu thôn Đại Tiến phải sống trong cảnh lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường, đất sản xuất xói mòn và sa mạc hóa, giếng nước bị nhiễm mặn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo và chưa có giải pháp cụ thể để xử lý bế tắc này”.

Thành bại trong kinh doanh là chuyện thường tình. Và, việc Cty Công nghệ Việt Mỹ thất bại trong việc triển khai “siêu” dự án nuôi tôm trên cát như đã nói là điều không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên, không chỉ vì thất bại trên mà Cty có vớt vát bằng cách níu giữ dự án hoặc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng  và khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ, chính quyền Hà Tĩnh cần vào cuộc, xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, tính hiệu quả của dự án... để có hướng giải quyết thích hợp, tránh để đời sống kinh tế của người dân bị ảnh hưởng kéo dài...

V.Tuân