Báo Công An Đà Nẵng

Dân Gò Bá làm theo Bác

Thứ năm, 15/08/2019 12:21

"Cán bộ là gốc của phong trào, cán bộ nào, phong trào nấy", câu nói này rất xác thực với người dân thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) qua 8 năm triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Người dân Gò Bá (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) chung tay chăm sóc các phần mộ vô chủ.

Về thôn Phú Sơn Nam, hỏi thăm Trưởng xóm Gò Bá Lê Văn Định thì ai cũng biết bởi anh không chỉ nhiệt tình, năng nổ mà còn là người "dám nghĩ, dám làm", tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào của xóm. Điển hình là việc anh "đứng mũi chịu sào" vận động cư dân trong xóm đóng góp, hình thành một nghĩa trang "nhân dân" rộng 1.200m2 tại đồng đất Gò Bá vào cuối năm Mậu Tuất 2018 để hương khói cho 350 ngôi mộ vô chủ. Sau khi có thư kêu gọi của Ban cán sự xóm, 166 hộ của 4 tổ dân cư và con em xa quê đều đồng tình với việc xây dựng nghĩa trang và các phần mộ nên đã cùng nhau góp công, góp sức, hộ ít nhất 50 ngàn đồng, nhiều nhất 5 triệu đồng. Anh Đặng Thanh Hùng (trú thôn Phú Sơn Nam) tâm sự, việc làm này là hoàn toàn xác đáng, phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc nên anh tự nguyện đóng góp 5 triệu đồng. Hằng ngày, xong việc buôn bán phế liệu, anh còn tranh thủ phụ với bà con trộn hồ, xạ nền, trồng cây xanh xung quanh khu vực nghĩa trang...

"Từ năm 2016, dân làng cảm thấy xót xa trước thực trạng những ngôi mộ vô chủ được đắp bằng đất cát có nguy cơ bị xóa dấu vết, nên tự nguyện đóng góp và vận động để có kinh phí đầu tư, xây dựng kiên cố nghĩa trang với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Đến hôm nay, mặc dù chẳng rõ chủ nhân của những ngôi mộ này là ai, quê quán nơi đâu nhưng dân làng Gò Bá vẫn chăm chút hương khói chu đáo, nhất là trong những dịp lễ, Tết. Dẫu mỗi lễ cúng không phải là mâm cao, cỗ đầy nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng thành kính cho những người đã khuất, những linh hồn vô danh bất hạnh", cụ Trần Văn Toán (trú thôn Phú Sơn Nam) cho biết thêm.

Ở Gò Bá xứ, hằng năm, cứ đến ngày 25 tháng Chạp âm lịch, Ban cán sự xóm lại vận động cư dân đóng góp, tổ chức cúng kính, hương khói, tưởng nhớ những vong hồn vô tự tại khu vực âm linh này. Sau phần lễ, Ban cán sự xóm còn tổ chức giải bóng chuyền giao hữu giữa người dân 4 tổ và phần thưởng cho đội "vô địch" đơn giản chỉ là 1 quả bóng chuyền, thế nhưng người dân rất phấn khởi, vui mừng. Chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ chân tình, bà con quý mến anh Định bởi những việc làm của anh đều vì tập thể, vì xóm làng chứ không hề tư lợi cá nhân. Kinh tế gia đình anh cũng không có gì khá giả, anh làm nghề mộc, vợ làm công nhân nên nuôi thêm vài chục con gà để có kinh phí trang trải cho 2 con đang theo học đại học. Thế mà, có lần, nhìn thấy bãi đất trống trước nhà mình bị bỏ hoang, trong khi trai trẻ trong xóm thì không có nơi vui chơi giải trí, anh Định bỏ việc nhà, đích thân ra đó dọn vệ sinh, nhổ cỏ, san lấp mặt bằng. Thấy vậy, người dân cũng xúm ra làm với anh rồi kêu gọi mọi người ủng hộ thêm vài xe đất để san lấp, hình thành sân bãi thể thao rộng thoáng. Chiều chiều, trong lúc trai trẻ ra sân đá, đánh bóng chuyền thì người già, trẻ nhỏ tụ tập xem hò hét, cổ vũ, rất khí thế... Nói dân nghe, làm dân tin là những gì chị Thủy đúc kết khi nói về trưởng xóm của mình.

Khi nhắc đến vai trò xóm trưởng, anh Định khiêm tốn cho rằng, xóm trưởng là do Ban cán sự xóm gồm các bô lão trong làng có uy tín đứng ra giới thiệu để người dân bầu chọn, gồm 1 xóm trưởng, 2 xóm phó và 2 thư ký. Dưới Ban cán sự xóm có Ban nghi lễ với các thành viên chủ yếu là người cao tuổi và tất cả nhiệm vụ của các thành viên này do xóm trưởng điều tiết nhằm phục vụ lợi ích chung, như cúng kính, thăm hỏi, tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất và ủng hộ các hoạt động văn hóa, thể thao của các hội, đoàn thể trong thôn... Còn với chúng tôi, có thể nói, học và làm theo Bác không phải là những gì to lớn, cao xa mà ngay chính trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của mỗi con người. Cùng với người dân Gò Bá xứ, sự gần gũi, thân thiện với xóm làng, vì lợi ích cộng đồng của Trưởng xóm Lê Văn Định đã khơi dậy về tính nhân bản, tình yêu thương giữa con người với con người.

VY HẬU