Báo Công An Đà Nẵng

Dân khốn khổ vì những dự án... “rùa bò” (Kỳ 2: Chờ đến bao giờ?)

Thứ ba, 11/04/2023 08:10
Năm 2003, vệt cây xanh được công bố quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc đền bù, giải tỏa.

Nhiều hộ dân sống bất an trong những ngôi nhà xuống cấp

Một trong những hệ lụy thấy rõ nhất đó chính là, nhiều hộ gia đình tại đây đang sống trong cảnh phập phồng, bất an vì nhà ở xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa do nằm trong khu vực dự án…

Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Thanh Đảnh, trú khối phố (KP)Hà Quảng Đông, P. Điện Dương, TX. Điện Bàn nằm trong quy hoạch của Dự án Tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch CYAN. Chủ dự án ban đầu là CTCP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 sau đó chuyển cho Công ty Cổ phần CYAN, song nhiều năm qua, dự án này chưa được triển khai. Trong khi đó, theo thời gian, nhà của gia đình ông Đảnh xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó, nhà ông lại nằm bên cạnh bờ biển nên thường xuyên đối diện với bão tố. Trước tình trạng nhà ở xuống cấp trầm trọng, gia đình ông làm đơn xin cấp phép xây dựng lại nhà ở, nhưng cơ quan chức năng không cấp phép với lý do “nằm trong vùng dự án”.

Không riêng gì gia đình ông Đảnh, nhiều hộ gia đình khác nằm trong vệt dự án này cũng chung số phận. Không chịu nổi khi phải sống trong cảnh phập phồng, bất an,một số hộ dân dù không được cấp phép nhưng vẫn “đánh liều” xây lại nhà để ở. Qua thống kê, tại dự án Tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch CYAN thuộc KP Hà Quảng Đông, P. Điện Dương hiện có 10 gia đình xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng. Một trong những trường hợp đó là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Cư, trú KP Hà Quảng Đông. “Chờ mãi không thấy dự án “rục rịch”, xin phép thì không cho; trong khi nhà ở xuống cấp trầm trọng, lại gần biển, mỗi mùa mưa bão đến chúng tôi luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Vì thế, gia đình tôi phải xây lại nhà để ở, chứ chờ đến bao giờ?…”- anh Cư bức xúc giải thích.Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, hiện tại chủ các lô đất đã được Nhà nước cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Trung tâm Phát triển Quỹ đất TX Điện Bàn chưa xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Tương tự, dự án Khu dân cư dịch vụ-du lịch Làng chài Điện Dương do Công ty cổ phần Xây dựng Beton 6 miền Trung làm chủ đầu tư (đã chuyển giao cho Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon) có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4-2016, tổng mức đầu tư 199 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2018.Dự án này được kỳ vọng sẽ kiến tạo một khu dân cư dịch vụ-du lịch làng chài đậm chất văn hóa duyên hải miền Trung, tạo quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ là những đoạn đường nham nhở do công tác GPMB gặp… khó khăn. Việc thực hiện theo kiểu… “rùa bò” của dự án này đã khiến nhiều hộ lâm vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”.

Ngoài ra, để phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế biển, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại TX Điện Bàn, năm 2003 tỉnh Quảng Nam công bố quy hoạch vệt cây xanh trên tuyến đường ĐT603B (rộng 20m chạy dọc tuyến đường) nhằm tạo không gian thoáng mở, phục vụ công tác phát triển du lịch. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Thế nhưng, từ khi công bố quy hoạch đến nay, mọi công tác liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa, bố trí đất tái định cư cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng vẫn dậm chân tại chỗ. Nhiều ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng vẫn không thể sửa chữa, xây dựng mới vì vướng… quy hoạch. Ông Nguyễn Th. trú KP Hà My Đông A, P. Điện Dương, bức xúc cho biết: “Nhà cửa bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sập đổ trong mùa mưa bão sắp đến. Vì sự an toàn tính mạng của cả gia đình, và cũng bởi vì chẳng biết lúc mô Nhà nước mới thu hồi đất, nên dù không được cấp phép xây dựng, gia đình tôi vẫn “nhắm mắt”… làm liều”.

Cần gấp rút triển khai các giải pháp hữu hiệu

Qua trao đổi ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, được biết, khu vực dọc hai bên đường ĐT.603B hiện có 21 dự án đang triển khai (không tính 4 dự án hoàn thành và 2 dự án bị UBND tỉnh có quyết định thu hồi- PV). Trong đó, có 9 dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài qua nhiều năm. Được biết, nguyên nhân khiến công tác GPMB tại các dự án này gặp nhiều khó khăn là do thiếu sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.

Căn nhà của ông Nguyễn Th. được xây mới trong vệt cây xanh đã được quy hoạch.

Cũng qua tìm hiểu, được biết, hầu hết những hộ gia đình sống trong khu vực dự án đang triển khai có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng đều có nhu cầu xây lại nhà ở kiên cố để tránh trú mưa bão, cải thiện đời sống. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Có lẽ, cũng vì thấu hiểu được điều này nên đối với những trường hợp xây dựng lại nhà ở khi chưa được cấp phép, các cơ quan chức năng chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền, vận động người dân dừng việc thi công mà thôi.

Trước thực trạng dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây, ông Lê Trí Thanh-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu TX Điện Bàn rà soát tất cả các dự án 2 bên đường ĐT603B, khẩn trương đánh giá khả năng GPMB đối với các dự án đã triển khai lâu, có vướng mắc kéo dài. Trên cơ sở rà soát, đề xuất điều chỉnh các dự án, loại trừ phần không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án để xây dựng kế hoạch, đầu tư chỉnh trang bằng nguồn vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho người dân sớm xây dựng nhà ở và đầu tư kinh doanh ổn định. Trường hợp các dự án không đảm bảo về thủ tục pháp lý hoặc kéo dài, không triển khai do năng lực hạn chế, thì đề xuất thu hồi theo quy định.

Hy vọng, với những biện pháp này, “căn bệnh” triển khai thực hiện dự án của một số chủ đầu tư kiểu “rùa bò” sẽ được “điều trị” dứt điểm.

M.T