Báo Công An Đà Nẵng

Dân lại gánh hệ lụy từ thủy điện

Thứ năm, 02/06/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Là huyện vùng xa của tỉnh Kon Tum, H. Đăk Glei có đến 9 dự án thủy điện được quy hoạch, khởi công, thế nhưng đến nay hơn ½ trong số đó đều chậm trễ hoặc bị thu hồi. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, đặc biệt là những người dân đồng bào dân tộc Giẻ Triêng sống trong vùng dự án.

Nghèo hơn từ khi có thủy điện

Trong căn bếp tuềnh toàng với vài cái nồi móp méo, vài chiếc chén úp chỏng chơ trên gác bếp, lâu lắm rồi cậu bé A Thơ (19 tuổi, trú tại thôn Bê Rê) mới đỏ lửa nấu cơm. Khi bố mẹ lần lượt qua đời, đứa em gái của Thơ là Y Huế (11 tuổi) được chính quyền địa phương hỗ trợ đưa về nuôi dưỡng ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, trong nhà chỉ còn mình A Thơ sống thui thủi. "Giờ em Huế cũng ít khi về nhà, về cũng không biết ở đâu, giường chiếu cũng không có! Em thì đi ăn nhờ người nhà bà con, hoặc xin gạo về rồi nấu ăn". Không được đi học, không có đất sản xuất, Thơ phải đi làm phụ giúp cho người ở trong thôn, được trả công ít gạo, tiền mua thêm mắm, muối. Trưởng thôn A Thuốc xót xa: "Gia đình nó khổ lắm! Bố, mẹ chết hết rồi, thanh niên khác thì có đất, có ruộng để làm kiếm ăn còn trường hợp Y Hiên (mẹ A Thơ) thì thủy điện lấy đất nhưng chưa bố trí lại đất cho nhà nó, chỉ còn mỗi cái nhà mục nát này chui ra chui vô thôi! Lâu nay nó cứ lủi thủi một mình vậy".

A Thơ (con của Y Hiên) - gia đình nghèo nhất thôn Bê Rê vẫn chưa có đất sản xuất.

Cũng theo trưởng thôn A Thuốc, không chỉ trường hợp A Thơ - hộ nghèo nhất thôn mà còn 7 hộ nghèo khác cũng rơi tình trạng phải đi làm thuê, vay mượn để kiếm cái ăn từ khi dự án thủy điện Đăk Mi 1 được triển khai ở đây... Năm 2009, dự án thủy điện Đăk Mi 1 do Cty CP Quang Đức Kon Tum (trụ sở tại 168 Bà Triệu, TP Kon Tum, Kon Tum) làm chủ đầu tư được khởi công và đến năm 2013 bắt đầu chi trả đền bù cho người dân. Theo thiết kế dự án thì có 15 hộ dân nằm trong vùng ngập do tích nước thủy điện phải di dời, 187ha đất sản xuất và sau đo đạc, 269 ha đất sản xuất và hơn 100 hộ của 5 thôn của xã Đăk Choong sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án thủy điện này. "Tại thôn Bê Rê, ngoài những hộ bị ảnh hưởng được đền bù, có 8 hộ nghèo chỉ được đền bù cây cối, hoa màu, còn đất sản xuất sẽ được bố trí tái định canh chứ không đền bù bằng tiền vì có tiền cũng chưa biết mua đất ở đâu mà sản xuất. Dù phương án là vậy nhưng gần 3 năm qua, đất thì thủy điện đã lấy, san ủi, còn đất mới thì 8 hộ này vẫn chưa được cấp. Giờ nghèo còn nghèo hơn", A Thuốc cho biết.

A Thuốc dẫn chúng tôi qua nhà A Thim, thấy anh ta ngồi ở bậu cửa người đầy mùi rượu, cười buồn: "Không có gì làm nên sáng giờ uống rượu thôi! Đất thì chưa có, phá rừng thì bị phạt. Không biết làm gì, buồn thì uống rượu". Khi dự án thủy điện Đăk Mi 1 triển khai, gia đình A Thim với hơn 6.100m2 đất nông nghiệp được tái định canh với diện tích đất mới. Trong thời gian chờ đợi đó, mỗi tháng Cty CP Quang Đức Kon Tum cam kết hỗ trợ 3kg gạo/khẩu/tháng. "Gần 3 năm qua đất sản xuất thì vẫn chưa được nhận, còn gạo thì chờ mãi vẫn không thấy hạt nào. Đói thì đi phải đi làm thuê thôi!", A Thim kể. Trong khi đó, gia đình Y Hiên chưa được bố trí tái định canh với hơn 690m2 đất trồng lúa nước 1 vụ, gần 3.200m2 đất trồng cây lâu năm và còn những hộ gia đình khác vẫn chưa có đất. Còn thủy điện thì từ lúc khởi công đến nay cũng cứ ì ạch chưa triển khai.

Ruộng, rẫy của người dân thôn Bê Rê đã giao cho thủy điện nhưng đất mới thì chưa được bố trí.

Không thể "an cư,   lạc nghiệp" vì... thủy điện

Không chỉ 8 hộ dân ở thôn Bê Rê, 32 hộ dân với hơn 110 nhân khẩu ở thôn Kon Năng (xã Đăk Choong) vẫn không dám đầu tư sản xuất, không dám làm nhà cửa vì chờ tái định canh, định cư gần 3 năm nay. Theo quy hoạch, việc tích nước của thủy điện Đăk Mi 1 khiến 15 hộ trong thôn bị ngập nước, thế nên chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư chủ trương di dời cả thôn lên vùng đất mới. Năm 2009, sau khi khởi công, Cty CP Quang Đức thông báo bằng văn bản cho các hộ dân là "không được trồng cây dài ngày và xây dựng các công trình kiên cố trên diện tích đã được đo đạc". Thế nhưng, 7 năm qua đất ở và đất canh tác của người dân vẫn đang nằm trong "quy hoạch treo". Trưởng thôn Kon Năng, ông A Chép cho biết: "Cây cối hoa màu thì Cty họ đền bù rồi nhưng đất tái định canh thì không đền bù mà cũng không để người dân canh tác tiếp. Còn đất tái định cư đến giờ vẫn chưa san ủi mặt bằng. Sự việc kéo dài 7 năm nay rồi!".

32 nóc nhà dưới chân núi Ngọc Linh nay đã xuống cấp trầm trọng nhưng chẳng ai dám sửa chữa bởi chưa biết khi nào phải di dời. Hơn 110 nhân khẩu vẫn bám trụ bằng cách trở lại rẫy cũ đã được quy hoạch, đo đạc trồng các loại cây ngắn ngày để có cái ăn. 7 năm như dài đằng đẵng đối với họ. A Sải trong căn nhà cũ nát chả có gì quí giá ngoài vợ và 3 đứa con nheo nhóc. "Bà con chờ thủy điện sao lâu quá! Làm thì làm sớm để bà con còn biết đường còn làm ăn, sinh sống. Giờ chỉ biết đi làm thuê nuôi vợ con thôi! Không biết 7 năm chờ đợi của bà con cực khổ như thế nào Cty họ biết không, chính quyền biết không, ai đền bù thiệt hại cho bà con trong 7 năm này đây", A Sải buồn bã.

Những căn nhà chực đổ ở thôn Kon Năng vì chờ đất tái định cư, định canh.

Không chỉ dự án thủy điện Đăk Mi 1 thi công kiểu rùa bò, ngay trên địa bàn xã Đăk Choong, thủy điện Đăk Mek 3 sau sự cố vỡ đập năm 2012 đã được tiếp tục cho đầu tư xây dựng nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ. Còn trên địa bàn H. Đăk Glei, thủy điện Đăk Brot đã bị UBND tỉnh Kon Tum thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì khởi công xong lại cho... "vàng tặc" thuê đất. Đến giờ này, 9 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn H. Đăk Glei vẫn chưa có cái nào phát điện, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân ở địa bàn. Trong khi đó những hệ lụy của nó người dân đã phải gánh chịu từ nhiều năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND H. Đăk Glei cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện tiến độ một số dự án thủy điện còn chậm, nguyên nhân là do chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thúc đẩy các chủ đầu tư tiếp tục xúc tiến nhanh tiến độ dự án vào hoạt động để ổn định đời sống người dân. Quan điểm của huyện là ủng hộ nhà đầu tư với những dự án có hiệu quả mà gây tác động môi trường ít nhưng nếu lâu quá huyện sẽ có công văn đề xuất với Sở Công thương đề nghị thu hồi giao nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

M.T