Báo Công An Đà Nẵng

Dân lấn chiếm đất rừng, ban quản lý bó tay?

Thứ bảy, 30/07/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo của UBND TX An Khê (Gia Lai), tình hình lấn chiếm đất trồng rừng, chặt phá rừng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn một số xã. Không chỉ thế, nhiều đối tượng đã ngang nhiên đập phá các công trình quản lý bảo vệ rừng, sử dụng thuốc diệt cỏ, chặt phá rừng trồng, thậm chí lăng mạ, chống đối các lực lượng thực thi công vụ. Dù xảy ra trong thời gian dài, các cơ quan thẩm quyền có xử lý nhưng hiệu quả chẳng thấm vào đâu.

Trên địa bàn TX An Khê có 2 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) là BQL RPH Bắc An Khê và BQL RPH Ya Hội. Theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, 2 BQL trên được giao quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 14.400ha. Trong đó, diện tích trên địa bàn TX An Khê mà 2 BQL này quản lý, sử dụng là hơn 2.500ha. Thế nhưng, trong những năm qua, hơn 1.700ha đất rừng dần bị “chuyển đổi” thành đất sản xuất của người dân trước sự thờ ơ đến kỳ lạ của các cơ quan chức năng.

Từ năm 2008 đến nay, hàng trăm người dân ở địa bàn các xã như Song An, Cửu An, Xuân An và P. Ngô Mây (TX An Khê) đã tìm mọi cách lấn chiếm đất rừng, canh tác trái phép trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Diện tích rừng mà UBND tỉnh Gia Lai giao cho các BQL cứ mất dần theo từng năm. Sự bất lực trong công tác quản lý, bảo vệ thể hiện rõ khi họ không hề có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và để xảy ra trong suốt một thời gian dài. Đến thời điểm hiện nay, BQL RPH Bắc An Khê chỉ còn quản lý hơn 270ha rừng và đất rừng vì bị người dân lấn chiếm trái phép hơn 1.100ha. Qua rà soát, có hơn 370 hộ dân đã chiếm số diện tích đất trên. Còn tại BQL RPH Ya Hội, số diện tích đất rừng của ban này đang thực sự quản lý và bị người dân lấn chiếm xấp xỉ nhau. Cụ thể, ban này hiện còn quản lý diện tích đất lâm nghiệp tại TX An Khê là hơn 610ha, diện tích đất bị chiếm là hơn 680ha. Điều đáng nói, tại BQL RPH Bắc An Khê, hơn 590ha đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm từ năm 2003 đến 2010 nhưng các cơ quan chức năng đều không xác định được đối tượng(?).

Những diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng trọt.

UBND TX An Khê thì cho rằng, từ năm 2013, các cơ quan chức năng của UBND TX đã có những biện pháp để giải quyết. Cụ thể, năm 2013, UBND TX đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc lấn chiếm đất rừng trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, Đoàn đã tham mưu cho UBND TX ban hành 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, từ thời gian lập biên bản của Đoàn đến thời gian tham mưu ra quyết định và thời gian xem xét trình ký quyết định “có sơ suất” để kéo dài dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính... hết hạn. Thế nên, việc xử phạt không thực hiện được.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiếp tục tham mưu cho UBND TX thu hồi các quyết định trên và tham mưu cho UBND TX quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Các quyết định trên đã được giao về UBND các xã Song An và Cửu An để giao đến các hộ dân lấn chiếm trái phép. Thế nhưng, cuối năm 2013, UBND xã Cửu An lại giao ngược lại cho UBND TX 20 quyết định vì các hộ dân không nhận, 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành đã quá thời gian thực hiện. Còn tại xã Song An, có 5 hộ dân lấn chiếm đất rừng trái phép đã nhận quyết định nhưng không tự giác chấp hành. Đến ngày 18-6-2014, UBND TX đã giao Phòng TN-MT chủ trì phối hợp với UBND xã thông báo đến 5 hộ trên chấp hành quyết định, nếu không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định. Tuy nhiên, qua làm việc, 5 hộ trên đã đồng ý trả lại đất sau khi được BQL RPH Ya Hội chi trả tiền hỗ trợ nhân công, cây giống trồng rừng trên đất lấn chiếm. Như vậy, đến nay UBND TX An Khê và các cơ quan chức năng chỉ xử lý như “muối bỏ bể”, bởi đây chỉ là con số nhỏ nhoi so với con số thực tế diện tích, số hộ lấn chiếm đất rừng trái phép.

Lý giải về vấn đề này, trong Báo cáo số 108/BC-UBND do ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Chủ tịch UBND TX An Khê ký, cho rằng: Do địa bàn rộng, phức tạp, nằm xen kẽ giữa nương rẫy của người dân đan xen gần rừng, có nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẽ của các hộ dân với diện tích đất lâm nghiệp thuộc lâm phần của 2 BQL RPH quản lý. Do đó, tình trạng chặt phá ken cây và lấn, chiếm đất trồng rừng vẫn tiếp diễn, rừng trồng được khai thác đến đâu thì các hộ dân lấn, chiếm ở đó. Đặc biệt, những năm gần đây tính chất mức độ xảy ra ở diện rộng trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền cấp xã nơi có rừng chưa cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Sự phối hợp giải quyết của các ban, ngành, các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ, chưa nghiêm, dẫn đến việc giải quyết chưa được dứt điểm”.

Liên quan đến việc lấn chiếm đất rừng trái phép này, đại diện Hạt Kiểm lâm TX An Khê cho biết: Hạt đã tham mưu cho UBND TX xử lý hành chính 8 vụ và xử lý hình sự 5 vụ. Đồng thời, báo cáo, tham mưu cho UBND TX cụ thể vụ việc lấn chiếm đất rừng trái phép tại 2 BQL RPH Bắc An Khê và Ya Hội để có hướng kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Đồng thời, vừa qua UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo xác  minh, làm rõ vụ lấn chiếm hơn 1.700ha đất rừng tại TX An Khê thuộc quản lý của BQL RPH Bắc An Khê và BQL RPH Ya Hội. Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai và các ngành chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm làm rõ vụ việc. Dự kiến, trong tuần tới đoàn kiểm tra sẽ có kết quả để báo cáo cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, dư luận đang quan tâm sự việc sai phạm như thế nào, tính chất ra sao và trách nhiệm thuộc về ai? Đặc biệt, việc đất rừng bị lấn chiếm trải qua nhiều năm có nhiều dấu hiệu bất thường và có hay không việc làm ngơ để “chia” nhau đất rừng?

M.T