Báo Công An Đà Nẵng

Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén hàng loạt chính trị gia Châu Âu

Thứ ba, 01/06/2021 10:06

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nhận trợ giúp của Cục Tình báo Quân sự Đan Mạch (FE) trong chiến dịch do thám các chính trị gia Châu Âu. Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank Walter-Steinmeier nằm trong số các nhân vật lãnh đạo bị NSA nghe lén.

Trong giai đoạn 2012-2014, tình báo Mỹ đã tiến hành do thám các chính trị gia hàng đầu Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo dõi các chính trị gia

Thông tin trên rộ lên đồng loạt khi truyền thông nhiều nước tập trung đưa tin về hoạt động mờ ám này, trong đó có Đài phát thanh quốc gia Đan Mạch (DR), Đài phát thanh NDR (Đức), SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy) và báo Le Monde của Pháp. Thông tin này được báo, đài Châu Âu đăng tải là kết quả cuộc điều tra nội bộ từ năm 2015 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch về vai trò của NSA trong quan hệ hợp tác với FE.

Theo cuộc điều tra giai đoạn 2012-2014, NSA sử dụng cáp thông tin tại Đan Mạch để do thám các chính trị gia cấp cao tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp, và Đức, bao gồm cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và cựu lãnh đạo đối lập Đức Peer Steinbruck. Ngay cả giới lãnh đạo tài chính Đan Mạch là đối tượng theo dõi của NSA với sự hỗ trợ của FE.

Hoạt động do thám, nghe lén của NSA chủ yếu được thực hiện qua nghiệp vụ thâm nhập mạng cáp quang truyền thông, do Đan Mạch là điểm tập trung nhiều trạm cáp quang internet trên biển kết nối nhiều nước như Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, và Anh… Nắm được số điện thoại của các lãnh đạo, chính trị gia Châu Âu, NSA hoàn toàn có thể truy cập nội dung tin nhắn văn bản, những cuộc điện đàm và truy cập Internet mà người bị nghe lén không hề hay biết. Chưa rõ Đan Mạch có cho phép Mỹ sử dụng hệ thống giám sát của mình để theo dõi các nước láng giềng hay không. Tuy nhiên, NSA có thể truy cập tin nhắn điện thoại, cuộc gọi, lưu lượng truy cập Internet bao gồm các trang tìm kiếm, hội thoại và nhắn tin.

Theo điều tra, chính phủ Đan Mạch được cho là đã nắm được thông tin về hợp tác giữa NSA với FE trong nhiều năm và năm 2020 từng ra lệnh buộc FE phải giảm can dự sau khi phát hiện quy mô hợp tác của chiến dịch nghe lén thông qua một cuộc điều tra nội bộ. Tuy nhiên, Đan Mạch đã không thông báo cho các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU) về vấn đề này.

Cho đến thời điểm này, cả NSA và FE đều chưa bình luận về thông tin mà truyền thông Châu Âu đăng tải. 

Từng do thám nhiều lần

Cuộc điều tra nội bộ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch được khởi xướng vào năm 2014, một năm sau khi vụ rò rỉ của Edward Snowden bộc lộ cách hoạt động của NSA. Edward Snowden, "kẻ đào tẩu" từng tiết lộ thông tin chấn động về NSA thời điểm ông Joe Biden là Phó Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Biden cần phải sẵn sàng trả lời những câu hỏi liên quan đến hoạt động này trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Âu sắp tới. Snowden cũng kêu gọi Mỹ và Đan Mạch công bố chi tiết về chiến dịch do thám, nghe lén trên.

"Thật là kinh khủng khi cơ quan tình báo của nước bạn chặn thông tin và nghe lén đại diện cấp cao của các nước khác", ông Steinbruck, một trong các nạn nhân bị nghe lén, nói với đài truyền hình Đức ARD. "Về mặt chính trị, tôi coi đây là một bê bối". Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist trả lời đài SVT (Thụy Điển) cho biết ông "yêu cầu công bố đầy đủ thông tin về những sự việc này". Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho hay ông "coi những cáo buộc này rất nghiêm túc" và đang theo dõi sát sao tình hình.

Năm 2013, truyền thông Đức tiết lộ rằng, Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đã theo dõi điện thoại di động của bà Merkel. Theo điều tra của Đài phát thanh Đan Mạch (DR), Đan Mạch, nước láng giềng của Đức, dường như đã hỗ trợ Mỹ thực hiện hoạt động do thám. Hồi tháng 11-2020, DR tiết lộ Mỹ đã sử dụng những đường cáp Internet của Đan Mạch để do thám các công ty quốc phòng của nước chủ nhà và Châu Âu trong giai đoạn 2012-2015. 

AN BÌNH