Báo Công An Đà Nẵng

Dân nghèo "chê" khu định cư bạc tỷ

Thứ tư, 14/05/2014 10:49

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-5-2014, sau khi gặp dân để lấy ý kiến, có thêm 1 hộ đồng ý về khu định cư Ka Lu-Chân Rò thuộc xã Đakrông (H. Đakrông, Quảng Trị). Như vậy, sau hơn 4 năm chần chừ, số hộ tái định cư (TĐC) đến Ka Lu- Chân Rò được nâng lên con số 20 trong tất cả 30 hộ thuộc dự án. Đằng đẵng bao năm đợi chủ, nhiều ngôi nhà thiếu hơi thở cuộc sống đã xuống cấp, hư hại nặng nề. Vậy do đâu dân không mặn mà với dự án tiền tỷ này?

Một góc khu TĐC.

H .Đakrông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Đối với xã Đakrông (H.Đakrông), chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Cô sinh sống, địa hình đồi núi, dân cư phân bố không đồng đều. Nhằm tạo điều kiện định canh, định cư, ổn định cho đồng bào phát triển kinh tế, xóa nghèo, dự án TĐC Ka Lu - Chân Rò được triển khai tại xã Đakrông do Ban Dân tộc miền núi tỉnh làm chủ đầu tư, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Địa điểm dự án bao gồm trên cả hai bản Chân Rò - Ka Lu, phía bên kia sông Đakrông với nhiều công trình như nhà dân, trường học, nhà cộng đồng, điện, đường...  Hàng chục hộ dân đăng ký vào dự án này thuộc nhiều bản của xã Đakrông, không chỉ riêng Ka Lu và Chân Rò. Năm 2009, dự án đưa vào sử dụng, một số hộ nhanh chóng chuyển đến nhận nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dự án gặp trở ngại khi nhiều hộ khác lại đổi ý vì một số nguyên nhân khách quan, do đường sá đi lại còn khó khăn, một bộ phận khác cũng cho rằng thiếu đất sản xuất.

Giao thông hơi khó khăn thì có thể hiểu nhưng trước bao nhiêu đồi núi, nương rẫy, lý do thiếu đất sản xuất nghe rất nghịch lý. Song nắm rõ quan niệm, phong tục, tập quán của đồng bào miền núi thì lại có lý. Theo đồng bào vùng cao, lên đồi, lên núi, ai khai hoang, phát rẫy trước được tấm nào thì ngẫu nhiên người đó được sử dụng lâu dài, cho dù du canh, du cư nhiều nơi thì vài năm sau trở lại vẫn thuộc quyền người đã khai hoang. Và thực tế là nhiều diện tích nương rẫy quanh dự án đã rơi vào "hoàn cảnh có chủ" trên. Đồng bào miền núi sống rất thật thà, nếu họ đã có nếp nghĩ như vậy thì họ không làm ngược lại. Chính vì không muốn ảnh hưởng đến đất sản xuất của người khác, lại không thể đi xa hơn để khai hoang trong khi nơi ở cũ đã có nương rẫy, nhiều hộ đã chần chừ thụ hưởng các ưu tiên của dự án.

Hiện trạng nhà ở tại khu TĐC.

Sự do dự kéo dài lại kéo theo hệ lụy khác. Hộ dân dự án quá ít nên không đủ số lượng trẻ để có thể bố trí nhân sự, giáo viên đưa trường học vào hoạt động. Tình hình này lại khiến cho con em những hộ dân đã TĐC phải vượt sông trở lại trường cũ. Chứng kiến cảnh ấy, người dân càng thêm phần nghi ngại, không muốn vào khu TĐC.

Một dự án vô cùng ý nghĩa nhưng vẫn bị dân "chê" đã để lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Điều đó cũng cho thấy quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết, nhưng hiểu đời sống, phong tục, tập quán đồng bào cũng quan trọng không kém. Đối với dự án trên, thiết nghĩ khi những vướng mắc, tồn tại được tháo gỡ, hộ dân đông đủ, đó sẽ là khu định cư mở ra rất nhiều cơ hội cho bà con, yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hơn nữa như mục tiêu dự án đề ra.

Bài, ảnh: Bảo Hà