Dấn thân vì đại cuộc...
Với những người làm báo và các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng, mỗi khi nhắc đến Cồn Dầu, rộng hơn là Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) sẽ rất khó quên. Công cuộc phát triển đô thị, đặc biệt là quá trình vận động, thuyết phục người dân, nhất là các giáo dân Cồn Dầu đồng thuận với chủ trương di dời giải tỏa đã tiêu tốn không ít thời gian, công sức của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong đó có báo giới.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo Q. Cẩm Lệ đối thoại với người dân và đi thực tế công tác giải tỏa, đền bù tại Hòa Xuân. |
Tháng 12-2019 có lẽ là mốc thời gian mà các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn từ thành phố đến cơ sở tại Đà Nẵng sẽ nhớ đến, bởi đây chính là thời điểm kết thúc việc giải tỏa, di dời toàn bộ dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân sau hơn 11 năm triển khai. 11 năm với vô vàn khó khăn, thử thách. Sự kiên trì, tính thuyết phục của dự án và sự cầu thị gặp nhau, mang lại kết quả tốt đẹp, là tiền đề xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn của quê hương và chính những hộ dân nơi đây.
Phải thừa nhận rằng, công cuộc giải tỏa, đền bù, tái định cư tại Hòa Xuân nói chung, khu vực Cồn Dầu nói riêng cơ bản gặp nhiều thuận lợi; tuy nhiên, có một số mốc thời gian, địa điểm đã nổi lên thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Và chính trong những thời điểm ấy, những người làm báo, trong đó có Báo Công an TP Đà Nẵng đồng hành cùng các ngành, các cấp liên quan “lao vào điểm nóng”, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng thuận với xu thế phát triển tất yếu của Đà Nẵng.
Có thể phân chia quá trình triển khai thực hiện dự án từ khi công bố cho đến khi kết thúc thành 3 giai đoạn. Và mỗi giai đoạn như thế đều có “dấu ấn” của các cơ quan báo chí. Giai đoạn 1 là từ khi bắt đầu triển khai dự án (năm 2008 đến ngày 4-5-2010) - đây là giai đoạn chống đối quyết liệt về chủ trương giải tỏa ngay từ đầu của một bộ phận chủ chốt giáo dân Cồn Dầu: không hợp tác với chính quyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền không tốt về dự án, hăm dọa những người có nhận thức đúng đắn về dự án; xúi giục các hộ cản trở, không cung cấp giấy tờ pháp lý về nhà đất, thực hiện “vườn không nhà trống”, trì hoãn các hoạt động phối hợp về tác nghiệp đo đạc, kiểm đếm, quay phim khảo sát hiện trạng ngăn cản, cô lập, hăm dọa những giáo dân có nhận thức đúng đắn; kích động xô xát, gây mất ANTT...
Đỉnh điểm của việc chống đối này là vụ “gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ” trong đám tang cụ bà Đặng Thị Tân vào ngày 4-5-2010 với hơn 1.000 người tham gia. Trước vụ việc này, cùng với sự kiên quyết, kiên trì trong vận động, thuyết phục của hệ thống chính trị thành phố và quận, các cơ quan báo chí cũng đồng loạt có các bài viết liên quan thể hiện quan điểm của mình. Bên cạnh việc phê phán hành vi chống đối, coi thường pháp luật của các đối tượng cầm đầu; thì mặt khác cũng vận động, thuyết phục nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của thành phố.
Một góc Hòa Xuân ngày hôm nay. |
Giai đoạn 2 (từ tháng 5-2010 đến tháng 6-2015) – đây là giai đoạn mà các cơ quan báo chí tập trung phản bác các thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật của các đối tượng chống đối việc di dời nghĩa địa Cồn Dầu. Cụ thể, ngay sau vụ việc ngày 4-5-2010, lập tức nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có các cơ quan ngoại giao nước ngoài đã có sự can thiệp khi tìm hiểu thông tin, bày tỏ quan điểm phản đối “đàn áp giáo dân Cồn Dầu”. Cùng với các giải pháp mà chính quyền thành phố đưa ra là mời một số tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài đến làm việc và đi thực tế tại khu vực nhà thờ Cồn Dầu, thì các cơ quan báo chí đã có các bài viết vạch trần luận điệu xuyên tạc, vu cáo nêu trên; đồng thời đưa ra các dẫn chứng sắc bén, thuyết phục về cách giải quyết hợp tình, hợp lý của chính quyền thành phố.
Giai đoạn 3 (từ tháng 6-2015 đến tháng 12-2019), các cơ quan báo chí tập trung đưa tin, phản ánh việc một số ít hộ dân còn lại thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người, vượt cấp lên các cơ quan ở thành phố và các cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến các cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cách thức giải quyết của lãnh đạo thành phố, quận Cẩm Lệ với các hộ dân, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ...
Có thể nói, sau 11 năm đồng hành với chính quyền thành phố trong công tác tuyên truyền, phục vụ giải tỏa, đền bù tại Hòa Xuân, với những người làm Báo Công an TP Đà Nẵng nói riêng, các cơ quan báo chí thành phố nói chung, những cái tên như Đoàn Cảng, Đoàn Kim, Trần Quang Anh, Nguyễn Văn Phước...; song hành với các địa danh như Cồn Dầu, Lỗ Giáng, Trung Lương... đến nay đã ăn sâu vào tiềm thức. Và chỉ cần ai đó nhắc đến, họ sẽ nhanh chóng hình dung ra hai cảnh tượng đối lập, đó là một Hòa Xuân xưa cũ với nhiều lam lũ, chật vật, thấp trũng, nghèo nàn, khác xa một Hòa Xuân với những phố mới khang trang, hiện đại, đang thay da đổi thịt từng ngày.
Có thể khẳng định, diện mạo đô thị Đà Nẵng nói chung, P. Hòa Xuân nói riêng hiện đại như hôm nay là thành quả gắn liền với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, chú trọng an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân toàn thành phố. Bài học từ lòng dân, lấy dân làm gốc mà Đảng bộ thành phố đúc kết sau nhiều năm xây dựng và phát triển; vận dụng và thực hiện nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa hệ thống chính trị với nhân dân thành phố: “Đảng nói - Dân tin; Mặt trận và các đoàn thể vận động - Dân theo; Chính quyền làm - Dân ủng hộ”. Và cũng xuất phát chính từ bài học ấy, các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện sứ mệnh của mình một cách trung thực, khách quan, công tâm, trên tinh thần vì sự phát triển của thành phố và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
DOÃN NGUYÊN HƯNG