Báo Công An Đà Nẵng

Dân vận khéo trong thu hồi vũ khí

Thứ sáu, 15/09/2023 07:10
Công an xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà đến tận thôn tuyên truyền việc tàng trữ, sử dụng súng độ chế trái phép.

Anh Đinh Văn Ninh, ở xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) hay khoe với người dân trong làng về "thành tích" tự nguyện giao nộp súng tự chế. Trước đó, qua nắm tình hình biết Đinh Văn Ninh cất giấu một khẩu súng tự chế để săn bắn. Khi Công an xã đến nhà gặp và vận động giao nộp, Ninh vẫn một mực chối quanh co việc có súng. Với quan điểm "mưa dầm thấm lâu", cán bộ Công an xã đã phối hợp với người có uy tín trong thôn, lên tận rẫy, vừa vận động, vừa giúp đỡ gia đình Đinh Văn Ninh trồng trọt giống cây. Tình cảm của Công an xã đã giúp Ninh nhận ra cái sai và tự nguyện giao nộp súng. "Chính từ nhận thấy sự nguy hiểm khi để súng ở nhà, ngay khi được các anh Công an đến tận nhà tuyên truyền, vận động nên tôi đã tự nguyện giao nộp cây súng độ chế này", anh Ninh chia sẻ.

Nhiều người dân vùng cao sử dụng súng săn để săn bắn thú rừng nên không muốn giao nộp cho Công an địa phương. Để bà con tố giác những người tàng trữ vũ khí tự chế, vật liệu nổ… là không hề dễ dàng. Chính vì vậy công tác nắm địa bàn, phối hợp giữa Công an địa bàn, chính quyền xã và cán bộ thôn để vận động nhân dân là rất quan trọng.

Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng- Trưởng Công an huyện Sơn Tây cho biết: "Người này có, người khác cũng bắt chước làm theo. Cứ thế, các loại súng tự chế được bà con lén lút sử dụng gây phức tạp cho công tác quản lý trật tự xã hội. Để đối phó, bà con giấu ở các chòi rẫy, cách xa nhà hàng chục cây số nên việc vận động thu hồi gặp rất nhiều khó khăn". Xác định việc thu hồi vũ khí trong dân phải thực hiện theo phương thức "mưa dầm thấm lâu", Công an huyện Sơn Tây đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức và biện pháp phong phú, như thông qua các lễ hội, qua hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi... Đặc biệt, nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, vận động linh hoạt, khéo léo để bà con tự giác giao nộp các loại vũ khí.

Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng chia sẻ: "Xác định rõ việc vận động người dân giao nộp và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tăng cường bám nắm thôn làng, bám dân, vừa vận động nhân dân tự nguyện giao nộp súng, vật liệu. Thân thiện, tình cảm, trách nhiệm, giúp nhân dân phát triển kinh tế... Nói đúng cái bụng của dân, nên từ năm 2020 đến nay, bà con trong huyện đã đem nộp gần 100 khẩu súng các loại".

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Tấn Thuận - Trưởng Công an huyện Trà Bồng, để đạt được những kết quả thu hồi súng, vật liệu nổ, Công an các xã đã đến từng gia đình, lên tận rẫy nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ sự đồng cảm, sẻ chia, linh hoạt, thấu tình đạt lý nên nhiều trường hợp đã nhận thức được việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật. "Bí quyết" của cán bộ Công an là nắm chắc tình hình, tìm hiểu cuộc sống, giúp bà con đúng lúc khó khăn hay bệnh tật, đặc biệt trong thời gian làm căn cước công dân, làm dữ liệu sạch ngay tại nhà người dân. Bằng những việc "vì dân phục vụ" như thế nên bà con rất cảm kích, coi cán bộ Công an như con của làng. Khi "đã ưng cái bụng" thì bà con sẽ cộng tác, vận động nhau giao nộp súng", Thượng tá Nguyễn Tấn Thuận chia sẻ.

Xác định công tác nâng cao nhận thức, giúp bà con hiểu thấu đáo về chủ trương thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tự nguyện giao nộp vẫn là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục nên công tác tuyên truyền, vận động người dân luôn được cán bộ Công an xã, huyện tăng cường, vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Cùng với việc vận động và thuyết phục, cán bộ Công an địa phương còn kiên quyết xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật.

T.S