Báo Công An Đà Nẵng

Đảng bộ Lưu Chí Hiếu và sự ra đời những trang báo ở Côn Đảo

Thứ năm, 19/07/2018 12:37

Lịch sử nhà tù Côn Đảo còn lưu lại những trang sử về thành tích đấu tranh kiên cường của những người tù chính trị, trong đó có Trại 6B. Đây là thời kỳ đấu tranh được thiết lập dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu! Ông Nguyễn Tài (sinh năm 1942) tại xã Tam Hiệp, H. Núi Thành (Quảng Nam), hoạt động cách mạng, bị địch bắt giam cầm nơi Côn Đảo suốt 11 năm, nhớ lại: "Sau những cuộc đàn áp dã man xảy ra liên tiếp đối với tù nhân chính trị ở Trại VI - Côn Đảo, không ai có thể nghĩ rằng, trong điều kiện hà khắc dưới sự kiểm soát gắt gao của bọn cai ngục, nhưng anh em trong tù vẫn đầy tinh thần lạc quan với cách mạng, đặc biệt tổ chức Đảng hoạt động rất đa dạng, đem lại hiệu quả trong đấu tranh cách mạng trước quân thù. Tổ chức Đảng phát động đấu tranh không phải bằng súng đạn mà đấu tranh bằng ngòi bút, vận động các tù chính trị bí mật viết văn, sáng tác thơ, làm báo giấy nhằm góp phần đấu tranh chính trị với kẻ thù; đó là Đảng bộ Lưu Chí Hiếu".

Ông Nguyễn Tài kể chuyện hoạt động của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu.

Noi gương anh hùng Lưu Chí Hiếu, tập thể tù chính trị câu lưu đã từng bước củng cố đội ngũ, thống nhất tư tưởng và hành động và tiến tới thành lập tổ chức Đảng trong nhà tù vào ngày 3-2-1972. Tất cả đều nhất trí đặt tên là Đảng bộ Lưu Chí Hiếu. Đồng chí Trần Văn Cao là bí thư, đồng chí Trịnh Văn Lâu là Phó bí thư (sau là Bí thư thay đồng chí Trần Văn Cao được trao trả theo Hiệp định Paris 1973). Đợt đầu, Đảng bộ kết nạp 11 đảng viên, sau đó xây dựng 10 Chi bộ trong 10 phòng của Trại VI khu B, mỗi chi bộ từ 5 đến 10 đảng viên tổng số 62 đảng viên được kết nạp vào cuối năm 1972.

Ông Nguyễn Tài, cho biết: "Đảng viên trong Đảng bộ Lưu Chí Hiếu xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức hoạt động và tranh đấu của lực lượng tù chính trị câu lưu. Đảng bộ đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị, bảo vệ khí tiết của lực lượng tù câu lưu. Đảng bộ tổ chức ra Đoàn Thanh niên lao động mang tên Nguyễn Văn Trỗi, ra tập san "Xây Dựng", giáo dục chính trị, lí luận, nhân cách, và rèn luyện lực lượng tù chính trị trong đấu tranh. Các Nghị quyết của Đảng ủy được toàn thể tù nhân chấp hành nghiêm túc. Ngày thành lập Đảng và các ngày lễ kỉ niệm của cách mạng, của dân tộc đều được tổ chức trọng thể, công khai treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bảo đảm tính giáo dục cao, bất chấp sự khủng bố của kẻ thù. Mọi sinh hoạt trong trại giống như một vùng lõm giải phóng giữa lao tù Mỹ - Ngụy.

Việc thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của tù chính trị; thực sự trở thành bộ tham mưu chiến đấu lãnh đạo toàn bộ các hoạt động và đấu tranh tại Trại VI khu B! Là một đảng viên trong Đảng bộ Lưu Chí Hiếu tại nhà tù Côn Đảo, ông Tài nhớ rất rõ: "Từ trong ngục tối chốn lưu đày, Đảng bộ cho ra đời nội san "Xây dựng". Nội san đã ra đời, góp phần rất lớn trong tuyên truyền lý tưởng Cộng sản nơi địa ngục trần gian!". Đảng ủy chú trọng phát huy tinh thần tập trung dân chủ trong nội bộ. Mọi đề xuất của Đảng ủy đều thông qua tập thể Trại giam bàn bạc, lấy ý kiến trước khi tổng hợp thành sự chỉ đạo chung của Đảng, trừ trường hợp cấp bách cần phải đối phó ngay với những tình huống xảy ra đột xuất của kẻ thù thì lãnh đạo Ban thường vụ quyết định.

Đồng chí Sáu Dân, Phó Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo tại TPHCM nói: "Với sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã vận động các Chi bộ phát động phong trào "làm báo trong tù". Từ đó, anh em trong Chi bộ có báo đọc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Khi các số báo ra đời đã thu hút đông đảo tù nhân chính trị tham gia, trở thành bạn đọc, coi đây như tài liệu của Đảng. Sau đó, Đảng ủy quyết định xây dựng thành cơ quan ngôn luận của Đảng ủy; tức nội san "Xây dựng" của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu- Côn Đảo.  Đảng bộ xuất bản mỗi tháng một số nội san "Xây Dựng" là tiếng nói của tù chính trị. Mỗi số được chép thành 10 bản gửi cho 10 Chi bộ ở Trại 6B"! Trang báo từ giản đơn về hình thức, sau thời gian đã củng cố, phát triển đảm bảo chất lượng cả về hình thức lẫn nội dung. Hiện nay, Bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ những trang "Xây dựng" chép tay trên giấy học trò, trình bày viết tay nhưng chữ viết rất đẹp, nội dung gồm các thể loại như xã luận, tin tức, truyện, thơ ca, tiểu phẩm... mang tính chất giáo dục chính trị và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh, là sức sống tiềm ẩn của cả một tập thể cách mạng kiên cường". (Theo trang "Xây dựng" Côn Đảo" - Nhà xuất bản Trẻ-2002).

Với trình độ chính trị, văn hóa và sự nhận thức của anh em tù chính trị ở Côn Đảo có lý tưởng cách mạng, các kiến thức cùng tham gia viết tin, bài cho nội san "Xây dựng" làm cho nội san rất phong phú cả về phần chính trị, văn hóa, văn nghệ và các kiến thức khoa học lịch sử. Tờ "Xây dựng" của Trại 6B như là tài liệu học tập quý giá của anh em tù chính trị và là tài liệu cách mạng của những đồng chí đảng viên trung kiên nơi Côn Đảo trước 1975 (theo nội san "Xây dưng" Tù Côn Đảo). Tiếc rằng, những tư liệu sống - những tờ báo tại Côn Đảo phần nhiều đã bị thất lạc, nhưng qua bao năm tìm tòi, sưu tầm, anh em tù Côn Đảo đã thu thập lại một ít. Những gì tưởng đã thất lạc hoàn toàn nhưng những tờ báo của tù nhân Côn Đảo đã tập hợp, minh chứng quá trình đấu tranh của tù nhân Trại 6B do đồng chí Bùi Văn Toản chủ biên"!

Đến nay, ông Nguyễn Tài không phai mờ trong ký ức một sự kiện lịch sử đặc biệt, đó là tối 7-5-1975, Đảo ủy tổ chức lễ chiến thắng, chào mừng thắng lợi toàn diện của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn chế độ ngục tù suốt 113 năm của thực dân đế quốc.

TƯỜNG HUY
(ghi theo lời kể của ông Nguyễn Tài, đảng viên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, cựu tù Côn Đảo)