Dâng hương các bậc tiên đế, tiên hiền tại Hoàng thành Thăng Long
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-2 (tức ngày mồng 9 tháng Giêng), tại sân điện Kính Thiên thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp cùng Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức lễ dâng hương khai Xuân Bính Thân, tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền có công với nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội đã tới dự và dâng hương. Chương trình thực hiện với nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Từ 7 giờ sáng, đoàn rước kiệu hơn 400 người tiến vào sân Rồng điện Kính Thiên, dâng lễ lên điện Kính Thiên theo đúng nghi thức truyền thống. Tiếp đó, các nghệ nhân múa Rồng làng Triều Khúc, xã Tân Triều (H. Thanh Trì) thực hiện màn múa Rồng, tái hiện truyền thuyết con Rồng cháu Tiên cầu mong quốc thái dân an. Các nghệ nhân làng Yên Hòa, P. Yên Hòa (Q. Cầu Giấy) biểu diễn màn trống hội Thăng Long, thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Sau nghi lễ đọc Chúc văn khai mạc, các đội tế các làng thực hành nghi lễ dâng hương trang trọng, đúng nghi thức, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc vua sáng, tôi hiền có công dựng nền văn hiến Thăng Long.
Múa hoa đăng tại lễ hội đền Huyền Trân công chúa. |
Tại lễ dâng hương, Ban tổ chức còn tổ chức nghi lễ Khai ấn. Trước đó, trong đợt khai quật tại di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo tại tầng văn hóa thời Trần. Đây được coi là bảo vật quý và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đang gìn giữ và nghiên cứu phát huy giá trị bảo vật này.
* Cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, P. An Tây, TP Huế diễn ra lễ hội đền Huyền Trân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng ni Phật tử, chức sắc tôn giáo và du khách gần xa về dự. Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hàng năm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt. Sau phần dâng hương và các nghi lễ truyền thống tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông, lễ hội còn có nhiều hoạt động mang tính tâm linh như: Cầu nguyện “quốc thái dân an”, lễ hội hoa đăng; trưng bày, triển lãm và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ; tổ chức một số trò chơi dân gian, hoạt động truyền thống như: Cờ tướng, cờ người, võ thuật, thư pháp, biểu diễn nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh...
Quốc Việt