Báo Công An Đà Nẵng

Đăng ký biển kiểm soát xe máy điện: Chủ phương tiện bối rối

Thứ bảy, 26/07/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Thông tư 15/2014/TT-BCA (viết tắt : TT 15) của Bộ CA có hiệu lực từ ngày 1-6-2014 có quy định về việc bắt buộc phải đăng ký BKS đối với xe máy điện (XMĐ) khi lưu thông. Đến nay, sau gần 2 tháng TT 15 "đi vào" cuộc sống nhưng chưa có XMĐ nào ở Đà Nẵng đăng ký được BKS. Hầu hết người sử dụng XMĐ "bó tay" trước những yêu cầu cần và đủ để thực hiện đăng ký BKS cho phương tiện.

Choáng với quy định!

Cần phải nói ngay rằng, quy định bắt buộc phải đăng ký BKS đối với XMĐ đã có từ năm 2009 nhưng đến khi TT 15 "nhắc" lại thì nhiều người sử dụng mới thật sự chú ý đến vấn đề này.

TT 15 nêu rõ, XMĐ phải đăng ký BKS, nếu không khi lưu thông sẽ bị xử phạt từ 300- 400 nghìn đồng. Thế nhưng điều đáng quan tâm không phải là chế tài xử lý mà là thủ tục đăng ký BKS cho XMĐ, theo TT 15, người sử dụng phải có đầy đủ hồ sơ, gồm: giấy khai đăng ký xe; giấy tờ của chủ xe và giấy tờ của xe. Trong đó, giấy khai đăng ký xe theo mẫu do cơ quan đăng ký cấp theo quy định của TT 15; giấy tờ của chủ xe gồm một trong những loại giấy tờ sau: CMND, sổ hộ khẩu (nếu nơi đăng ký thường trú ghi trong CMND không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe, thẻ học viên, sinh viên (theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện) hoặc giấy giới thiệu của nhà trường; Giấy tờ của xe bắt buộc phải có chứng từ bán xe (hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính do đơn vị bán xe xuất cho người mua), chứng từ lệ phí trước bạ (do người mua xe nộp Chi cục Thuế nơi đăng ký hộ khẩu thường trú). Riêng với chứng từ nguồn gốc XMĐ nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (dùng cho đăng ký BKS); nếu xe lắp ráp trong nước phải được kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Bộ GTVT...

Như vậy, với những yêu cầu để được đăng ký một chiếc XMĐ thực sự đang khiến người sử dụng... "rối". Chị Nguyễn Thị Hương (trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) nói: "Tôi mua xe cho con đã 2 năm nay, khi mua đâu có hóa đơn bán hàng. Chỉ có giấy bảo hành, nay hết hạn bảo hành coi như không còn một thứ giấy tờ gì có giá trị. Giờ yêu cầu phải có đủ các giấy tờ để đăng ký xe thì thật khó cho chúng tôi...". Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy không riêng gì trường hợp của chị Hương mà hầu hết những người đang sử dụng loại xe này cảm thấy rất "phiền phức". Tâm lý của các bậc phụ huynh là muốn con em mình đến trường bằng XMĐ nhưng trước tình hình này, quả thực "tiến thoái... lưỡng nan".

Không chỉ người sử dụng loại xe này băn khoăn trước quy định của TT 15 mà người bán cũng "rối", bởi các cửa hàng bán xe cho biết, họ không hề có hóa đơn bán lẻ cho từng chiếc mà khi nhập hàng họ thường nhập theo từng lô. Chính điều này khiến họ lúng túng khi khách hàng vào hỏi mua xe và yêu cầu cấp hóa đơn bán hàng...



Hiện nay XMĐ vẫn chưa thể đăng ký BKS vì còn vướng thủ tục.

Cơ quan quản lý khó thực thi...  

Tính đến thời điểm này TP Đà Nẵng vẫn chưa có trường hợp nào đến làm thủ tục đăng ký BKS XMĐ như quy định của TT 15. Vì vậy, cơ quan quản lý chưa thể thống kê chính xác số lượng XMĐ đang hoạt động trên địa bàn TP mà chỉ ước khoảng 100.000 xe. Việc người dân không thể đăng ký xe vì thiếu giấy tờ, thủ tục cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ cũng như quá trình quản lý đối với loại phương tiện này.

Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT-CATP Đà Nẵng cho biết: "Lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu người dân thực hiện đúng nội dung TT 15, nhất là phổ biến cho người dân biết khi mua xe yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp chứng từ, hóa đơn để có cơ sở làm thủ tục đăng ký xe. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để người dân đến làm thủ tục đăng ký BKS theo đúng quy định... Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào đến đăng ký".

Điều đáng nói ở đây, trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực để thực hiện đúng quy định của thông tư thì chính nội dung TT 15 còn khá nhiều bất cập. Trong TT 15 có quy định: đối với XMĐ đã được sử dụng trước ngày 1-7-2009 không có chứng từ, nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo quy định, chủ xe phải cam kết kèm theo xác nhận của chính quyền địa phương; còn với những trường hợp mua xe sau thời điểm 1-7-2009 thì bắt buộc phải có giấy tờ hợp lệ theo quy định mới được cơ quan CA cấp đăng ký. Thế nhưng, thực tế cho thấy, "tuổi đời" của một XMĐ mua từ 1-7-2009 đến nay cũng đã "quá đát", chưa nói đến thời điểm đó hóa đơn chứng từ không có thì làm sao có thể "buộc phải có giấy tờ hợp lệ" mới được lưu hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, để TT 15 áp dụng hiệu quả phải chăng cần có sự thay đổi để phù hợp với thực tế hơn, theo đó những XMĐ mua sau thời điểm 1-7-2014 bắt buộc phải đăng ký mới được lưu hành? Kèm theo đó là những chế tài xử phạt mạnh đối với những trường hợp vi phạm... Như vậy vừa tạo điều kiện để người sử dụng thuận tiện trong việc sử dụng loại phương tiện này đồng thời đó cũng là lộ trình tháo gỡ những vướng mắc, để cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh hiệu quả.

"Nguyên nhân sâu xa của việc người sử dụng XMĐ không đăng ký BKS không phải lỗi thuộc về họ. Bởi, nếu từ thời điểm 1-7-2009, đã có quy định về việc xử phạt đối với loại XMĐ không đăng ký thì khâu quản lý của cơ quan Nhà nước phải thực hiện quyết liệt. Theo đó, phải yêu cầu có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết mới cho nhập hàng, xuất hàng... như vậy đến thời điểm 1-6-2014, TT 15 mới khả thi... Muốn khắc phục sự bất cập này, các  ngành liên quan cần bàn và tìm ra hướng giải quyết kể cả việc giảm bớt các thủ tục...", Đại tá Nguyễn Đến cho hay.

Bài, ảnh: Phương Trang