Đắng lòng sau hai vụ "chết xấu"
(Cadn.com.vn) - Săn được một con khỉ đem về làm thịt nhậu, người chồng đã ra tay sát hại vợ rồi vào rừng treo cổ tự vẫn. Sau đó, dân làng đã đốt nhà và toàn bộ vật dụng của gia đình này để xua đẩy "con ma xấu" theo tập tục, khiến 4 đứa trẻ lâm cảnh bơ vơ, không nhà cửa...
Giết vợ rồi tự vẫn
Mồng 5 Tết Giáp Ngọ, trong lúc khắp bản làng vẫn còn không khí ngày Tết thì tại nóc Lép Loa 1 (thôn 3, xã Trà Tập H. Nam Trà My, Quảng Nam), người dân bàng hoàng phát hiện thảm án khi anh Nguyễn Ngọc Sơn (1972) ra tay sát hại vợ là chị Hồ Thị Xoa (1979) nên trình báo CQĐT. Nhận được thông tin, các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ. Theo người nhà trình báo, sau khi đâm chết vợ, Sơn bỏ trốn vào rừng. Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền và nhân dân truy bắt Sơn nhưng không có kết quả. Đến 7 giờ 30 ngày 5-2 (tức mồng 6 Tết), người dân phát hiện Sơn đã treo cổ tự sát tại khu vực suối Nước Da thuộc xã Trà Tập.
Theo chị Hồ Thị N. (1970, ở gần nhà Sơn) cho biết, gần đây chị Xoa có ý nghi ngờ Sơn quan hệ tình cảm "ngoài luồng" với một phụ nữ ở thôn bên cạnh nên vợ chồng thường có lời qua tiếng lại, nhất là khi Sơn có rượu vào. Còn theo cháu Nguyễn Văn Nhi (2001), con trai lớn của Sơn kể: Hôm đó, sau khi đi săn được một con khỉ, bố đưa về nhà làm thịt vào mời một số người đến nhậu. Lúc khách đã về hết thì ba mẹ cãi nhau, cháu can ngăn nhưng không được. Một lúc sau, khi thấy mẹ ngã gục trên nền nhà, người bê bết máu, cháu khóc thét kêu cứu thì mọi người chạy đến nhưng mẹ cháu đã chết.
Hung khí Sơn dùng để giết vợ. |
Cũng theo quá trình điều tra của CQĐT được biết, ngày 4-2 (mồng 5 Tết), Nguyễn Ngọc Sơn vào rừng đi săn và bắt được một con khỉ. Sơn đem "chiến lợi phẩm" về nhà làm mồi nhậu. Đến 17 giờ cùng ngày, Sơn mời một số anh em trong gia đình về nhà nhậu. Cùng tham gia cuộc nhậu hôm đó ngoài vợ chồng Sơn còn có anh Hồ Văn Sáu (anh ruột Sơn) và em ruột chị Xoa là các anh Hồ Văn Khuyên (1988), Hồ Văn Thu (1992). Sau khi uống hết 3 lít rượu thì tiệc tàn, mọi người ra về. Lúc này vợ chồng Sơn xảy ra cãi vã, xô xát. Trong lúc xô xát Sơn dùng dao (loại dao dùng để đi săn) đâm chị Xoa một nhát chí mạng. Sau đó, Sơn cầm dao chạy trốn vào rừng, đến khu vực suối Nước Da tự treo cổ kết liễu đời mình.
Sau khi giết chết vợ, Sơn chạy vào núi treo cổ tự vẫn. |
Đốt nhà vì sợ "ma xấu"
Xác định nguyên nhân cái chết do mâu thuẫn gia đình, hung thủ cũng đã tử vong nên cơ quan chức năng bàn giao thi thể vợ chồng Sơn cho người nhà mai táng. Ngay hôm đó, cả thôn 3 mở cuộc họp khẩn cấp. Theo phong tục của người Ca Dong, chuyện vợ chồng Sơn chết như vậy là "chết xấu". Vì vậy, sau khi chôn cất xong phải tiến hành đốt nhà cửa và tài sản cũng như vật dụng của con cái.
"Người Ca Dong quan niệm vợ chồng anh Sơn chết là do "con ma ám" chứ không phải say rượu. Theo phong tục của người Ca Dong, một khi chết xấu thì không nên để lại ngôi nhà và tài sản của con ma xấu. Người đã chết thì mang theo tất cả, nếu để lại con ma sẽ làm hại dân làng" - ông Hồ Văn Vinh - Trưởng thôn 3 cho biết tục làng. Còn già làng Hồ Văn Chung cho rằng: "Việc đốt nhà như vậy chẳng có gì là lạ đối với bà con nơi đây, bởi cách đây 5 năm, bố mẹ chị Xoa cũng chết giống như thế. Ngày đó, bố chị Xoa cũng dùng dao đâm chết vợ rồi treo cổ tự tử. Cái chết của vợ chồng Sơn là do ma làm, làng phải đuổi con ma ra khỏi làng".
Ý làng đã quyết như vậy nên ngay lập tức nhà cửa, vật dụng, của cải của vợ chồng anh Sơn bao nhiêu năm tích góp đều bị đốt sạch. Từ ngày nhà vợ chồng Sơn bị đốt thì chẳng một người nào trong thôn 3 dám bước chân đến khu vực mà vợ chồng anh Sơn sinh sống trước đây. Anh Hồ Văn T. - một người dân gần đó cho biết: "Cứ vài hôm mấy đứa con của anh Sơn nhớ nhà, nhớ ba mẹ chạy lên đó chơi, nhưng nếu ai trong làng phát hiện bọn trẻ thì đuổi ra ngay và khi chúng về, họ không cho vào nhà họ chơi. Đã là người của làng thì sẽ cấm đến khu vực đó. Ai cũng sợ ma xấu lắm".
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà của vợ chồng anh Sơn chỉ còn là một đống tro bụi và mấy tấm tôn nằm ngổn ngang. Xung quanh khu vườn được dân làng rào bằng tre, nứa kín mít vì sợ "con ma xấu" chạy vào những nhà trong làng. Trưởng thôn Vinh chia sẻ thêm: Theo phong tục người Ca Dong trước đây, trong làng có người "chết xấu" thì sẽ bỏ làng đi tìm vùng đất mới sinh sống. Nhưng từ khi được chính quyền tuyên truyền nhiều lần, bà con không còn theo tục đó nữa. Ở vùng này vẫn còn quan niệm "mạng đền mạng". Theo quan niệm này, khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến thương vong, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kịp thời, hung thủ thường bị người thân của nạn nhân trả thù bằng bạo lực mà không báo chính quyền. Vì vậy, nếu một người nhỡ gây ra án mạng thì rất sợ bị trả thù nên thường tự sát. Trong vụ án này, do không làm chủ được bản thân nên Nguyễn Ngọc Sơn gây ra cái chết tức tưởi cho vợ. Sợ phải đối mặt với sự trả thù của gia đình nhà vợ nên Sơn đã trốn vào rừng treo cổ tự sát.
Những đứa trẻ côi cút
Cưới nhau năm 2000, vợ chồng anh Sơn sinh được 4 đứa con, con trai lớn hiện đang học lớp 7, con gái nhỏ vừa lên 5 tuổi. Do siêng năng và có nhiều nương rẫy, biết cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên kinh tế gia đình anh Sơn ngày càng khấm khá. Mặc dù trình độ văn hóa mới lớp 3, nhưng nhờ nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương nên có thời gian dài anh Sơn được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của xã, quan hệ khá rộng. Sơn bắn nỏ rất giỏi nên thường đi săn và mỗi lần đi săn là bắn được thú rừng.
Cũng vì vậy Sơn thường xuyên tổ chức ăn nhậu mỗi khi săn được mồi ngon. Nhưng giờ đây, bố mất, mẹ không còn, nhà cũng bị đốt, 4 đứa con của vợ chồng anh Sơn ly tán. Hiện tại cháu đầu Nguyễn Ngọc Nhi đang theo học Trường Dân tộc Nội trú Nam Trà My và sống nhờ vào sự trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Bé Nguyễn Thị Nhơn (2003) được thầy cô cưu mang ăn ở, học tập tại Trường Tiểu học Trà Tập. Còn Nguyễn Thị Nhép (2007) và Nguyễn Thị Nhiệt (2009) còn nhỏ nên được người cậu Hồ Văn Khuyên chăm sóc.
2 con nhỏ của vợ chồng Sơn chạy về nhà cũ để chơi - nơi chỉ còn đống tro tàn. |
Quần áo, giày dép bị đốt hết, không còn đồ mặc nên các thầy cô phải gom góp áo quần cho các em mặc trong những ngày rét buốt này. Khi chúng tôi hỏi, cháu Nguyễn Thị Nhép khoe: Đây là đồ cô giáo mới cho con đó. Cô còn nói chủ nhật tuần này cô được nghỉ dạy, cô về dưới xuôi sẽ mang lên cho con mấy bộ áo quần nữa. "Ở nơi nghèo khổ này, rồi đây các em không biết sống thế nào khi không còn cha mẹ. Ngày trước có mẹ, có cha các em có đôi dép mang đến trường, hôm mưa lạnh có người đưa tới lớp, vậy mà nay phải đi một mình bằng chân đất. Mấy hôm nay trời mưa và lạnh, sau mỗi buổi học, Nhép thường hỏi tôi sao hôm nay mẹ không lên đưa em về khiến tôi không biết nói thế nào" - lời tâm sự ngậm ngùi của cô giáo ở điểm trường em Nhép đang học khiến nhiều người phải rơi nước mắt.
Vụ án này một lần nữa cho thấy thực trạng nhiều hủ tục đang tồn tại trong đời sống của người dân ở Nam Trà My nói riêng, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nói chung đã gây những hệ lụy đau lòng. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài mà các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm.
Trần Tân