Báo Công An Đà Nẵng

Đắng lòng từ một phiên tòa

Thứ bảy, 01/03/2014 12:03

(Cadn.com.vn) - Để chống trộm cũng như để bảo vệ hoa màu khỏi bị lũ chuột cắn phá, do cách nghĩ đơn giản, một số bà con ở vùng nông thôn đã đem “thần chết” ra treo lên cây nhờ trông... giùm trộm và chuột. Mặc dù việc dùng điện chống trộm, bẫy chuột gây ra hậu quả chết người là ngoài ý muốn nhưng hành vi ấy đã phạm vào tội “Giết người”.

NHỜ “ÔNG ĐIỆN” BẮT TRỘM

Đó là bị cáo Nguyễn Khoa Nam (1978, trú tổ dân phố 5, TT Vạn Giã, H. Vạn Ninh, Khánh Hòa) vừa bị TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử về tội “Giết người” do Nam đã dùng bẫy điện để ngăn ngừa kẻ trộm dẫn đến cái chết của một người.

Nguyễn Khoa Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh chị em. Nam là con trai độc nhất, được gia đình cho ăn học đến hết lớp 12 thì nghỉ, sống với nghề lao động tự do nhưng có một cái thú là chơi chim cảnh. Mỗi con chim của Nam chơi có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, ngặt nỗi con chim nào có giá để trong nhà là bị trộm “cuỗm” mất, làm mất cả vốn lẫn lãi nên Nam rất bức xúc.

Nhiều lần Nam đã phục ở nhà để chờ bắt cho được kẻ trộm, nhưng khi Nam phục cả ngày lẫn đêm lại không thấy kẻ trộm đâu, khi Nam vừa chợp mắt thì con chim quý và cái lồng đã không cánh mà bay. Không những chỉ trộm chim mà tên trộm liều lĩnh nào đó còn “khoắng” luôn cả tài sản trong nhà. Cay cú, Nam nghĩ tới cách làm bẫy bằng điện để trị trộm mà không ngờ cái giá phải trả cho hành vi thiếu hiểu biết này là tù tội.

Đầu tháng 8-2013, Nam tự làm một hệ thống điện chống trộm bằng cách sử dụng hai dây cáp điện thoại (đã lột trần) mắc song song nhau, dây trên cách mặt đất khoảng 1m, dây dưới cách mặt đất khoảng 0,5m giăng ngang khu vườn hướng từ cây mãng cầu (phía Bắc) sang cây cột gỗ. Đồng thời dùng một dây cáp khác nối 2 sợi dây này lại với nhau. Nam kéo từ trong phòng ngủ ra một sợi dây điện đến chỗ công tắc, từ công tắc Nam kéo ra một sợi dây nóng nối vào sợi dây cáp đã cột ở cây mãng cầu. Sau công tắc, Nam mắc nối tiếp một sợi dây điện kéo ra trước nhà, mắc vào một bóng đèn nhỏ. Khi cần chống trộm, Nam cắm phích cắm vào ổ điện 220V thì các dây cáp phía sau nhà đều là dây nóng, còn bóng đèn trước nhà thì sáng để biết rằng hệ thống điện đã có.

17 giờ ngày 13-8-2013 (lúc này trời đang mưa), Nam cắm phích điện của hệ thống điện chống trộm vào ổ điện nhờ “ông điện” trông hộ nhà và chim rồi bỏ đi ra khu vực bến xe cũ TT Vạn Giã, Vạn Ninh ngồi nhậu đến khoảng 21 giờ thì về. Khi về đến nhà, Nam nghe tiếng chó sủa sau vườn nên đi ra xem thì thấy Phan Thành Nhân nằm bất động tại vị trí dây cáp mà Nam giăng để chống trộm. Nam vô nhà rút phích cắm điện rồi ra vườn kiểm tra thì phát hiện Nhân đã chết. Nam liền bế xác Nhân sang bên kia hàng rào phía sau nhà rồi kéo đi một đoạn khoảng 7m tới bãi đất trống trước ngôi trường bỏ hoang để giấu xác Nhân.

Lúc này, chị Nguyễn Hồng Nhật phát hiện thấy bóng người, nghĩ là ăn trộm nên ra xem và tri hô, Nam sợ bỏ chạy về nhà (chị Nhật không phát hiện ra Nam). Nam về nhà quấn dây điện và dây cáp quăng xuống sông rồi đón xe vào TPHCM trốn. Ngay sau đó, xác anh Nhân được người dân phát hiện, báo CA. Còn Nam, sau khi được gia đình động viên, ngày 16-8, ra đầu thú và khai nhận toàn bộ việc phạm tội của mình. Trong vụ án này, không nói đến hành vi của Phan Thành Nhân đột nhập vườn nhà Nam nhằm mục đích gì (vì Nhân đã chết; bản thân Nhân là bị can trong vụ án trộm cắp, đang chấp hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú). Nhưng hành vi bẫy điện của Nam dẫn đến chết người, đã phạm tội giết người.

Bị cáo Nguyễn Khoa Nam trước vành móng ngựa.

TRẢ GIÁ

Đứng trước vành móng ngựa phiên tòa, Nam trả lời ngắt quãng từng câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa vì sao, suy nghĩ như thế nào mà dùng điện để “bẫy trộm”, Nam nói lý do là nhà hay bị mất trộm, mất chim, nhà luôn vắng người cứ nghĩ là giăng một dây không chết, trộm đụng vào bị giật văng ra sẽ sợ không dám vô nhà nhưng vì hôm đó trời mưa nên mới ra cớ sự.

Tòa hỏi bị cáo có biết điện sẽ giật chết người không? Nam bảo không nghĩ tới chuyện đó vì không học nghề điện. Khi triển khai “phương án” chống trộm bằng điện bị cáo có rờ tay vào thử không? thì Nam bảo chỉ đưa bút thử điện vào thử chứ không sờ tay. Lúc này, một vị hội thẩm lên tiếng bị cáo có suy nghĩ rằng người nhà của bị cáo sẽ bị giật không thì Nam nói nhà không có ai, và cũng không có ai ra sau. Vị hội thẩm phân tích: "May là người nhà bị cáo chưa bị giật, chứ nếu xảy ra điều gì đó thì bị cáo nghĩ sao", thì Nam chỉ biết cúi đầu im lặng.

Nam cho biết chỉ mới lắp đặt hệ thống điện chống trộm có một ngày, khi giăng hệ thống điện nhà không ai biết, không nghĩ là chết người, chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Sau khi xảy ra sự cố như vậy, Nam rất hoang mang, hoảng sợ nên bỏ vào TPHCM lẩn trốn và tới thăm người mẹ ruột đang bị bệnh, điều trị tại đây và nói cho em gái là Nguyễn Thị Tường Vân nghe. Chị Vân cho biết, lúc đó chị đang ở Bình Dương, Nam đến thăm và kể sự việc, chị bảo Nam “anh sai rồi, ra đầu thú đi, anh sợ em đưa anh về, vào bệnh viện thăm mẹ rồi về”. Trên đường đi, Nam sợ, buồn bã không nói gì. Sau khi đưa Nam đến CA đầu thú, chị Vân có đến nhà bị hại xin lỗi và đưa cho gia đình bị hại 20 triệu đồng mong tha thứ cho anh trai mình.

Cũng tại phiên tòa, bố của người bị hại lại chính là cậu họ của cha bị cáo thì không biết nói gì, chỉ nuốt nước mắt xin tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Theo ông, bị cáo do bồng bột thiếu suy nghĩ chứ không cố ý sát hại con ông. Do đó, sau khi nghị án HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa đã cân nhắc xem xét và quyết định tuyên phạt Nguyễn Khoa Nam 6 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại tổng cộng 100 triệu đồng.

Án tuyên xong, hai người cha chẳng ai nói với ai điều gì, vội vàng bước ra khỏi phòng xử lấy xe để về cho kịp tối. Còn Nam được áp giải ra xe đưa về trại trong tiếng còi hú dần xa khuất mà lòng tôi cảm thấy ray rứt, chỉ vì một chút thiếu hiểu biết mà Nam đã phải trả một cái giá quá đắt cho hành vi của mình. Nếu như Nam không sợ bị mất con chim quý; nếu như Nam có suy nghĩ điện là nguồn động lực gây nguy hiểm sẽ dẫn đến chết người; nếu như lúc đó có người nào đó ngăn cản Nam đừng làm chuyện dại dột như vậy thì sẽ không đến nỗi. Song, tất cả đã quá muộn. Thiết nghĩ, đây cũng là một bài học đáng giá cho những ai thích nhờ điện làm... bảo vệ.

Hoàng Văn