Đằng sau các Cty "kiếm ngoại tệ" cho Triều Tiên
Theo điều tra của CNN, hiện có hàng trăm Cty của Triều Tiên tại Hồng Kông giúp Bình Nhưỡng kiếm tiền trên phạm vi quốc tế.
Tòa nhà Easey Commercial Building, nơi đặt trụ sở của Unaforte Limited, |
Cty chuyên đi "kiếm ngoại tệ"
Easey Commercial Building là một tòa nhà văn phòng nằm khiêm tốn trên đường Hennessy thuộc khu đô thị nhộn nhịp Wan Chai ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng ẩn sau vẻ bình thường đó là một Cty chỉ tồn tại trên giấy tờ. Tầng 21, phòng 2103 của tòa nhà là trụ sở đã đăng ký của Unaforte Limited, nhưng đây lại là nơi Cheerful Best Company Services, một Cty không có chút gì liên quan đến Unaforte Limited, đang hoạt động. Trong phòng chỉ có duy nhất một người đàn ông, người này nói rằng mình là đại diện của Prolive Consultants. Ông ta đến đây hàng ngày để lấy thư, và chưa từng nghe về Unaforte Limited.
Unaforte Limited bị LHQ cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt vì đã giúp Triều Tiên kiếm tiền trên phạm vi quốc tế, để có thể thực hiện các hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhóm chuyên gia LHQ về vấn đề Triều Tiên, bộ phận chịu trách nhiệm thi hành luật trừng phạt nhắm vào quốc gia này, đã tiết lộ trong hai bản báo cáo gần đây rằng, Unaforte Limited thành lập và sở hữu một ngân hàng tại thành phố Rason, Triều Tiên. Điều này vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ về việc nghiêm cấm các Cty hợp tác với Triều Tiên.
Unaforte Limited không phải trường hợp duy nhất mà chỉ là một trong rất nhiều Cty khác giúp Triều Tiên có thể tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế. Các Cty như thế này là một doanh nghiệp hợp pháp, không sở hữu tài sản giá trị cũng như không thực hiện các hoạt động kinh doanh gì đáng kể. Cty được dùng cho các mục đích hợp pháp, như giúp các công ty mẹ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường quốc tế, hoặc để hưởng các lợi ích từ chính sách thuế cho người nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều Cty được lợi dụng để che giấu danh tính của Cty mẹ hoặc các hoạt động phi pháp của các Cty liên quan. Triều Tiên được cho là đang sử dụng các Cty kiểu như vậy để thực hiện các giao dịch, từ bán than và khí đốt đến xuất khẩu vũ khí.
Hàng trăm Cty liên quan
Hồng Kông từ trước đến nay nổi tiếng là địa điểm dành cho những kẻ muốn kiếm tiền nhanh bằng cách lách luật. Hugh Griffiths, điều phối viên của nhóm chuyên gia LHQ về Triều Tiên không ngạc nhiên khi Hồng Kông xuất hiện nổi bật trong bản báo cáo của nhóm mình. "Đây là trung tâm tài chính quốc tế lớn ở gần Triều Tiên nhất. Trong lịch sử, đây cũng là trung tâm thương mại trong khu vực và toàn cầu…", ông Griffiths nói.
Thông tin về Unaforte Limited trong hồ sơ công khai ghi chép các doanh nghiệp đang hoạt động tại Hồng Kông chỉ có tên của một cá nhân. Người này có hộ chiếu Caribbean, nhưng không thấy ghi số điện thoại. Yêu cầu thành lập một Cty tại Hồng Kông cần có ít nhất một giám đốc và người tư vấn (có thể là người hoặc một Cty khác có trụ sở tại Hồng Kông). "Bằng cách này, Triều Tiên có thể ngụy trang thành một nhân vật có thật, có quốc tịch đàng hoàng, để đứng sau các Cty này", ông Griffiths cho biết.
Năm 2016, theo báo cáo của C4ADS - hãng phân tích dữ liệu liên quan đến vấn đề an ninh, hoạt động phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, có 160 Cty "kiếm ngoại tệ" của Triều Tiên đang có mặt tại Hồng Kông. Ngoài ra, Sayari Analytics, một hãng phân tích khác, cho biết có 100 Cty liên quan đến Triều Tiên.
Năm 2009, một Cty có mối quan hệ với Triều Tiên đạt doanh thu 6 triệu USD nhờ bán đường mía đã khiến chính phủ Mỹ chú ý. Bình Nhưỡng mua mía đường thông qua một giao dịch vô cùng phức tạp và nhiều tầng lớp, có sự tham gia của Dandong Hongxiang Industrial Development (DHID), một ngân hàng, và một Cty khác ở Canada. Nếu giao dịch được thực hiện bằng đồng USD, các Cty này khó có thể tránh khỏi sự chú ý của Mỹ. Do đó, Triều Tiên phải tạo ra các giao dịch lòng vòng để che giấu mối liên quan. 13 Cty của DHID từng đặt tại Hồng Kông, trong đó 11 Cty có cùng một địa chỉ ở Wan Chai, cách Easey Commercial Building chưa đến 1km. Bên cạnh DHID, hơn 100 doanh nghiệp và cá nhân tại Hồng Kông liên quan đến Triều Tiên. Ngoài ra, còn có 300 đơn vị ở Trung Quốc đại lục cũng tham gia vào hệ thống khổng lồ này.
"Áp lực trong bình yên"
Đối với Mỹ, kiểm soát dòng tiền của Triều Tiên là chìa khóa để ngăn cản Bình Nhưỡng thực hiện các kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Donald Trump gọi đây là chiến dịch "áp lực trong yên bình", qua đó tăng cường các lệnh trừng phạt và chính sách cô lập ngoại giao nhắm vào Triều Tiên với hy vọng buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Có vẻ chiến dịch này của ông Trump đang ngày càng được đẩy mạnh, sau khi các lệnh trừng phạt của LHQ và lệnh trừng phạt đơn phương từ Nhà Trắng được thông qua hồi tháng 9. Lệnh quy định xử phạt bất cứ Cty và cá nhân nào có giao dịch kinh doanh với Triều Tiên, bằng cách cắt bỏ liên hệ tới hệ thống tài chính của Mỹ hoặc đóng băng tài sản, hoặc là cả hai.
AN BÌNH (Theo CNN)