Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau chiến lược "Không COVID" của Trung Quốc

Thứ ba, 04/01/2022 15:00

Khi Trung Quốc là một quốc gia hiếm hoi trên thế giới vẫn theo đuổi con đường "Không COVID" của mình, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi liệu chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu nữa.

Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trung Quốc sa thải quan chức tại ổ dịch Tây An

Chính quyền thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã cách chức hai quan chức quận Nhạn Tháp để "củng cố công tác phòng chống dịch", trong bối cảnh đợt bùng phát chưa được kiểm soát.

"Chúng ta đã bước vào giai đoạn tấn công dịch bệnh", quan chức tỉnh Thiểm Tây cho hay, nhấn mạnh các địa phương cần sớm hoàn thành mục tiêu ngăn chặn Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Theo SCMP, hai quan chức bị cách chức vào ngày 2-1 là Bí thư quận ủy Wang Bin và phó Bí thư Cui Shiyue.  Thành phố 13 triệu dân đã trải qua 11 ngày phong tỏa nghiêm ngặt, với hơn 1.600 ca nhiễm được báo cáo kể từ ngày 9-12-2021. Giới chức Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc trong ngày 3-1 thông báo ghi nhận thêm 90 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, so với 122 trường hợp công bố hôm 2-1.

Phần còn lại của thế giới đang mở cửa dần dần và chấp nhận "sống chung với COVID-19" ở Trung Quốc, các nhà chức trách đang tăng gấp đôi chính sách "Không COVID" của họ: cố gắng dập tắt căn bệnh này bất cứ khi nào nó xuất hiện, và bằng bất kỳ chi phí nào. Vào tháng 9-2021, dù chỉ ghi nhận 2 ca COVID-19 trong cộng đồng, 200.000 dân ở thị trấn biên giới Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, đã bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Sau đó, các cư dân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cũng được yêu cầu không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết trong nỗ lực dập dịch quyết liệt sau khi giới chức phát hiện hàng trăm ca nhiễm. Ở tỉnh Quảng Tây, 4 người đã bị diễu phố do vi phạm quy định phòng dịch COVID-19. Ngoài phong tỏa, đóng cửa biên giới cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu của chiến lược mà quốc gia 1,4 tỷ dân đang áp dụng.

Với biện pháp này, rất ít người được đến hoặc rời khỏi Trung Quốc. Những người nhập cảnh vào nước này phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt trong vòng 3 tuần. Giống như Trung Quốc, một số quốc gia khác trên thế giới cũng từng áp dụng "Không COVID" nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, áp lực kinh tế-xã hội và sự xuất hiện của biến thể mới lây nhiễm nhanh, hầu hết các nước đã bắt đầu tái mở cửa với thế giới. Đến năm 2022, dường như chỉ còn Bắc Kinh đang đơn độc đi trên con đường chống dịch này.

Một số nhà khoa học và quan chức cấp cao trong nước đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa trở lại khi tin rằng COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Gần đây, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nhận định rằng nước này có thể sẵn sàng gỡ bỏ chính sách này khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%. Ông dự đoán thời điểm đó có lẽ vào đầu năm 2022.  Nhiều chuyên gia khác cùng giới khoa học nước ngoài cũng cho rằng việc đóng cửa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể không đủ để ngăn chặn các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Giáo sư Tulio Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi, nói: "Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn với Omicron và chính sách "Không COVID". Họ có thể cần tham gia cùng các quốc gia khác đưa ra chiến lược giảm thiểu lây nhiễm trước biến thể dễ lây lan hơn". Các nhà phân tích cho rằng bằng bất kỳ giá nào, Trung Quốc có khả năng sẽ nỗ lực hết sức để "diệt tận gốc" virus SARS-CoV-2 trong năm nay, trước hai sự kiện quan trọng và có giá trị lớn. Vào tháng 2 tới, Bắc Kinh sẽ đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa Đông và đến mùa thu, Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này sẽ diễn ra.

Không thể phủ nhận rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã có hiệu quả đáng kinh ngạc cho đến nay. Nhưng theo giới phân tích, nếu Bắc Kinh vẫn đóng cửa với thế giới, điều này cũng có thể làm giảm nỗ lực thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới.

KHẢ ANH