Đằng sau cuộc "khủng hoảng dữ liệu giới tính"
(Cadn.com.vn) - Nhiều quốc gia trên thế giới không chú trọng phụ nữ và trẻ em gái. Vì vậy, họ thường không có tên hoặc được liệt kê trong các số liệu thống kê chính thức của quốc gia. Trong khi đó, điều kiện sống cũng như khu vực sống của họ cũng hoàn toàn bị phớt lờ. Điều này làm dấy lên những lo ngại đáng sợ về một cuộc "khủng hoảng dữ liệu giới tính" trên thế giới.
"Chúng tôi tin rằng có một cuộc khủng hoảng dữ liệu phân biệt giới tính", David McNair, Giám đốc Bộ phận Minh bạch của chiến dịch ONE - một chiến dịch xóa đói giảm nghèo - cho biết.
Phát biểu trong cuộc họp về dữ liệu ở Washington, Mỹ vào năm 2012, cựu Ngoại trưởng và ứng viên tổng thống Mỹ sáng giá hiện nay của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, nhấn mạnh: "Nhiều quốc gia đang thiếu dữ liệu đáng tin cậy, thậm chí những thông tin cơ bản, về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Kể từ khi phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, việc thiếu sót này giống như một "hố đen" ngay tại trung tâm của "vũ trụ dữ liệu" của chúng tôi".
Phụ nữ làm việc trong xưởng sản xuất đậu hũ ở Nhật Bản. Ảnh: Getty Images |
Phân biệt giới tính
Hầu hết các nước đều tiến hành khảo sát lực lượng lao động. Tuy nhiên, những cuộc khảo sát này được tiến hành với một sự thiên vị đặc biệt. Đó là thiên về khảo sát công việc chính thức - chủ yếu là nam giới đảm đương.
Mayra Buvinic, một chuyên gia của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết, nhiều phụ nữ bị "gạt tên ra khỏi danh sách điều tra" bởi vì họ tự coi mình là nội trợ, trong khi thực tế họ làm việc trong các trang trại, làm việc bán thời gian và theo thời vụ hoặc thậm chí tự kinh doanh. Cuộc khảo sát lực lượng lao động ở Uganda vào những năm 1990 là minh chứng điển hình. Năm đầu tiên, những người tiến hành khảo sát yêu cầu người dân liệt kê nghề nghiệp hoặc công việc chính. Kết quả thu thập được cho thấy lực lượng lao động ở Uganda là 6,5 triệu người. Năm sau đó, họ thêm một câu hỏi mới vào cuộc khảo sát là yêu cầu người dân kể tên thêm những công việc "phụ". Và kết quả là số người lao động ở Uganda tăng lên 7,2 triệu người. Điều này có nghĩa là 700.000 người đã bị sót và hầu hết đều là phụ nữ.
Tuy nhiên, Buvinic khẳng định những con số này vẫn chưa thực sự chính xác vì các câu hỏi vẫn chưa tập trung vào những công việc "không tên" như dọn dẹp và nấu ăn.
Hệ quả
Có rất nhiều thống kê được thu thập mà không chia theo giới tính, dẫn đến việc khó nhận biết phụ nữ có được đối xử bình đẳng hay không.
"Cho đến nay hầu như rất ít ngân hàng nào phân tách dữ liệu của khách hàng theo giới tính. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tìm hiểu lý do đằng sau sự chênh lệch giới tính trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính", Megan O'Donnell, một trong những đồng nghiệp của Buvinic nói. Điều này cũng xảy ra tương tự trong thí nghiệm và thống kê y tế. Nam giới là đối tượng thử nghiệm truyền thống khi các bác sĩ nghiên cứu bệnh tật. Nếu áp dụng cách điều trị và thuốc men trên cơ thể nam giới lên phụ nữ thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ bởi vì tỷ lệ trao đổi chất của phụ nữ khác với nam giới.
"Số liệu thống kê chính xác là yếu tố cần thiết để giúp chính phủ nhận biết được mức độ của vấn đề, từ đó tìm cách giải quyết", David McNair lập luận. Chẳng hạn, sẽ rất khó để biết liệu mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về bạo lực và lạm dụng tình dục có đạt chỉ tiêu hay không khi dữ liệu thu thập không đúng. Vì vậy, gần đây Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mở hội nghị tập huấn cho các nhà thống kê lao động để phổ biến việc thu thập dữ liệu về công việc "không tên" của phụ nữ như dọn dẹp nhà cửa.
Hiện có 10 quốc gia đã tình nguyện tham gia thí điểm khung thống kê này. Vì vậy, trong tương lai mọi người sẽ có cái nhìn tốt hơn về những "công việc không được trả lương" của phụ nữ.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)