Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau “cuộc tấn công mới” của Trung Quốc

Thứ ba, 13/11/2018 11:39

Sự phụ thuộc của Australia vào đối tác thương mại khổng lồ của mình, Trung Quốc, đang có dấu hiệu giảm dần. Thủ tướng Scott Morrison của Australia hồi cuối tuần cam kết tăng cường vai trò quân sự và ngoại giao ở Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh lo ngại ảnh hưởng của Canberra đang suy yếu khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong khu vực bằng việc tăng cường những hoạt động trái phép ở biển Đông.

Nhà lãnh đạo Australia nói rằng, chính phủ của ông sẽ thiết lập một quỹ trị giá 2 tỷ AUD cho khu vực, tăng cường triển khai hải quân và thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự hơn cho quốc đảo này. Trong những bình luận mới nhất, ông Morrison cũng nói rõ, quyết định này là được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những phản ứng dữ dội về những gì mà người dân Australia xem là hành động can thiệp quá mức của Trung Quốc, trong khi những người khác đã cảnh báo từ nhiều năm rằng, nước này quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên tới Trung Quốc.           

Xu hướng phản đối Trung Quốc ngày càng tăng của Australia cũng một phần xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rất mạnh tay với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, đến nỗi nó đã bắt đầu làm chậm quá trình mở rộng sản xuất và tăng trưởng kinh tế ở quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương này. Nó cũng xuất hiện khi Australia cùng với Mỹ, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ và các nước khác thực thi quyền tự do tuần tra hàng hải ở biển Đông đang tranh chấp, nơi Bắc Kinh bị chỉ trích dữ dội vì những hoạt động trái phép.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhanh chóng đáp lại. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị thậm chí đã nói rằng, Trung Quốc và Australia nên hợp tác ở Nam Thái Bình Dương chứ không nên chọn cách đối đầu.

Có một số “con đường” dẫn đến tuyên bố đầy cứng rắn lần này của Thủ tướng Morrison và phản ứng của Bắc Kinh. Thứ nhất, Canberra đang trong tình trạng “không cùng thắng” với Trung Quốc. Vì chia sẻ mối quan hệ gần gũi và lâu đời với Mỹ cũng như các giá trị chính trị, Australia khó có khả năng sẽ làm điều gì gây tổn hại đến mối quan hệ quan trọng đó. Mặt khác, quặng sắt của Australia, LNG và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác xuất khẩu đến Trung Quốc đã giúp biến đổi nền kinh tế Australia.

Một “con đường” lớn khác và một điều có thể sẽ xảy ra trong tương lai, là quan điểm nhẹ nhàng hơn từ Trung Quốc đối với các nước láng giềng khác trong khu vực. Chỉ 2 tuần trước, Trung Quốc đã tiến gần hơn với đối thủ lâu năm Nhật Bản trong một động thái bất ngờ và hoàn toàn không thể tưởng tượng được trong 5 hoặc 6  năm trước đây. Theo đó, hai bên đã thể hiện một mặt trận thống nhất về thương mại “tự do và công bằng”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cùng với hơn 1.000 doanh nhân Nhật Bản, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh để đàm phán. Hai gã khổng lồ Châu Á ký một loạt thỏa thuận, bao gồm một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ và kế hoạch làm việc cùng nhau tại các thị trường khác.

THANH VĂN