Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau hợp đồng mua Su-35 của Trung Quốc

Thứ hai, 09/12/2013 13:12

(Cadn.com.vn) - Tờ Diplopmat mới đây cho biết, Nga sẽ bán 24 máy bay tiêm kích hiện đại Su-35 cho Trung Quốc. Nếu dự án thành công, Trung Quốc sẽ đạt nhiều mục đích, nhất là mục tiêu hiện đại hóa quân đội để kiểm soát biển Đông, và copy công nghệ sản xuất máy bay hiện đại của Moscow mà từ lâu Bắc Kinh khát khao.

Vì sao hợp đồng mua Su-35 vẫn chưa dứt điểm?

Hãng tin Interfax-AVN dẫn nguồn tin của Phân ban Hợp tác Kỹ thuật Quốc phòng Nga (MTC) cho biết, hợp đồng cung cấp máy bay Su-35 cho Trung Quốc có thể bắt đầu vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015, có nghĩa là, không phải ký vào cuối năm 2013 như tin trước đây.

Sở dĩ có chuyện này là do Trung Quốc liên tục có những động thái bất ngờ, lúc không muốn mua Su-35 nguyên bản, lúc muốn cải tiến một số chi tiết kỹ thuật hoặc khi mua nhiều, khi mua ít. Trong khi đó, phía Nga lại yêu cầu số lượng tối thiểu của hợp đồng phải là 40 chiếc. Nếu mua quá ít sẽ gây bất lợi cho Nga vì nguy cơ bị thất thoát công nghệ khi mà Trung Quốc từ lâu được xem là “bậc thầy trong ngón nghề này, nhất là khi chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 hay khả năng sử dụng nhiên liệu dài kỳ đang được tích hợp trong thiết kế của Su-35.

Một lý do khác khiến tiến độ hợp đồng chưa thực hiện ngay là do mục tiêu sử dụng trong tương lai. Su-35 có sức chiến đấu mạnh, hành trình tương đối xa, lượng dầu mang theo nhiều, có thể giúp không quân Trung Quốc tiến hành tuần tra tầm xa, giúp Bắc Kinh gây sức ép với các nước láng giềng như Nhật Bản trong tranh chấp đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hiện nay. Cũng phải nói thêm rằng Su-35 không phải là sản phẩm đầu tiên được Quân đội Trung Quốc quan tâm mà trước đó họ còn để ý đến cả Su-30MKK vì nó giống như máy bay J-16 của họ, có thể thỏa mãn nhu cầu tuần tra tại biển Đông hiện đang áp dụng.

Trong khuôn khổ của những chương trình nghiên cứu chế tạo hàng không, năng lực sản xuất và thiết kế công nghiệp quân sự của Bắc Kinh vẫn còn nhiều điểm yếu, nhất là vấn đề động cơ. Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục tham khảo, sao chép công nghệ động cơ của Nga. Đối với hợp đồng mua Su-35 hoàn toàn không phải là chuyện mua bán đơn thuần mà nó còn ẩn chứa nhiều ý đồ to lớn.

Với những lý do “tréo ngoe” như vậy mà đến nay hợp đồng mua Su-35 chỉ đạt ở mức nguyên tắc, vấn đề còn lại là Trung Quốc quyết sẽ mua bao nhiêu chiếc.

Máy bay Su-35 của Nga.

Trung Quốc đang “khát” Su- 35

Sở dĩ việc ký kết hợp đồng chậm còn có lý do khác. Nga bất mãn với sản phẩm xuất khẩu Su-27 được sản xuất nhái ở Trung Quốc với cái tên Shenyang J-11 (Thẩm Dương J-11).

Theo các nguồn tin, sau sự kiện này, Moscow quyết định không bán Su-35 cho Trung Quốc nữa, vì sợ bị Bắc Kinh làm nhái sau đó bán lại cho nước thứ ba, gây suy yếu vị thế xuất khẩu của Nga. Nhưng sau nhiều năm tìm hiểu Nga thấy rằng, chơi với Trung Quốc cần thận trọng còn chuyện sao chép thì Điện Kremlin đã tìm được cách “trị độc” miễn sao bán được hàng, nhất là khi chính quyền ông Tập Cận Bình đang “khát” Su-35.

Tuy không có tính năng tàng hình, nhưng là máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới hiện nay, Su-35 có thể bảo đảm ưu thế cho quân đội Trung Quốc trước các nước láng giềng, như F-15 của Nhật Bản. Đối với Trung Quốc, ưu thế lớn nhất của Su-35 là ở tốc độ bay và dung lượng nhiên liệu. Tương tự như Su-27, vai trò của Su-35 là để tuần tra không phận rộng lớn của Trung Quốc, đối phó với mối đe dọa ở khu vực cách xa các trung tâm đô thị lớn, khu vực “đường lưỡi bò”, đây là điểm yếu mà không quân Trung Quốc chưa khắc phục được.

Ưu thế quan trọng của Su-35 là nó có thể mang theo thùng dầu phụ. Su-27 thiếu thùng dầu phụ, không thể tiến hành tiếp dầu trên không, khiến sức chiến đấu bị hạn chế nghiêm trọng. Su-35 có thể tiếp dầu trên không, có thể tăng thời gian hoạt động trên không cho máy bay ở khu vực tác chiến và trong hành trình bay.

Kim Hùng

(Theo Diplomat)