Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau nghi vấn Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria

Thứ năm, 27/09/2018 11:00

Washington lo ngại về kế hoạch của Nga cung cấp hệ thống tên lửa  S-300 cho Syria, cho rằng, đây là động thái “leo thang đáng kể” của Moscow trong việc hỗ trợ chính phủ Syria. Tuy nhiên, Moscow khẳng định, hành động này của họ sẽ mang lại sự ổn định chứ không làm tình hình thêm căng thẳng.

Binh sĩ Nga quan sát hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 trong một cuộc tập trận.   Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Israel với Nga lại chứng kiến mức căng thẳng mới sau khi Nga quyết định cung cấp cho Syria một phiên bản của hệ thống phòng không và tên lửa đối không tầm xa S-300, bất chấp những phản đối từ Washington và  Tel Aviv.

Quyết định từ vụ máy bay bị bắn hạ

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống này sẽ được chuyển sang Syria trong 2 tuần tới, sẽ giúp Damascus đóng cửa không phận khi cần thiết.

Tuyên bố chuyển giao hệ thống tên lửa của Nga được đưa ra một tuần sau khi Moscow đổ lỗi cho Israel gián tiếp gây ra vụ bắn hạ máy bay trinh sát Il-20M của Nga tại Syria. Moscow cho rằng, Tel Aviv đã sử dụng Il-20M làm lá chắn trong vụ 4 máy bay F-16 thực hiện chiến dịch không kích các mục tiêu của Syria ở Latakia. “Tôi muốn nhấn mạnh - theo yêu cầu của phía Israel, vào năm 2013, chúng tôi đã đình chỉ việc cung cấp các hệ thống S-300 đã sẵn sàng cho Syria”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói và khẳng định: “Bây giờ tình hình đã thay đổi, và không phải lỗi của chúng tôi”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, Moscow sẽ chuyển đến Syria các hệ thống điều khiển tự động cũng như các thiết bị nhận dạng để quân đội Syria có thể xác định được các máy bay Nga trong tương lai.

Syria tất nhiên hoan nghênh động thái này của Nga. Ngày 26-9, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cho biết, việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Damascus sẽ buộc Israel phải cân nhắc trước khi tấn công Syria. Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã tại Damascus, ông Mekdad khẳng định, hệ thống S-300 sẽ sớm được chuyển giao cho Syria và chỉ được sử dụng nếu nước này bị tấn công. “Israel, vốn quen mở nhiều vụ tấn công dưới nhiều lý do khác nhau, sẽ phải tính toán và cân nhắc lại trước khi tấn công lần nữa. Hãy để Israel thử lần nữa và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình như trước đây”, ông Mekdad nhấn mạnh.

Phản ứng của Mỹ và Israel

Quyết định này của Nga vấp phải những phản ứng gay gắt của Mỹ và đồng minh Israel, quốc gia vẫn thường xuyên mở các cuộc không kích ở Syria chống lại những gì mà Tel Aviv nói là nhằm vào mục tiêu vào Iran.

Moscow khẳng định hệ thống S-300 được sử dụng cho mục đích tự vệ, nhưng Washington đang né tránh điều này khi cho rằng tên lửa S-300 sẽ vi phạm an ninh quốc gia của Mỹ. Washington lo ngại về kế hoạch của Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Syria, cho rằng, đây là động thái “leo thang đáng kể” của Moscow trong việc hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.

Trong khi đó, nội các an ninh của Israel cũng được triệu tập để bàn về việc này. Một người phát ngôn chính phủ Israel cho biết, các bộ trưởng nước này nhóm họp tại Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem để cập nhật thông tin mới nhất về các diễn biến gần đây, nhưng không công bố thêm chi tiết. Hôm 24-9, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và thông báo cho Thủ tướng Netanyahu rằng, Moscow sẽ cung cấp cho quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad một hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tiên tiến để bảo vệ các lực lượng chính quyền. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói với Tổng thống Putin rằng, việc cung cấp hệ thống vũ khí tân tiến cho “những người chơi vô trách nhiệm” sẽ làm gia tăng nguy cơ tại khu vực. 

Đáp trả những chỉ trích của Mỹ và Israel, Nga khẳng định, hành động này của họ sẽ mang lại sự ổn định chứ không làm tình hình thêm căng thẳng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, quyết định của Nga chỉ nhằm mục đích tăng cường an ninh cho quân đội Nga ở quốc gia Trung Đông này. “Hiển nhiên, hành động của Nga là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho quân nhân. Các hành động này không nhằm vào bất kỳ nước thứ ba nào, mà chỉ để bảo vệ quân đội của chúng tôi”, ông Peskov nêu rõ trước báo giới.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trong khi Nga chưa nói sẽ gửi phiên bản S-300 nào cho Syria, đã có nhiều dự đoán đó có thể là hệ thống vũ khí giống như phiên bản S-300PMU-2 tương đối hiện đại. Nhưng vấn đề đặt ra là Moscow cũng sẽ phải mất vài tháng để đào tạo các đối tác Syria cách vận hành hệ thống tên lửa S-300 tiên tiến.

“Tôi nghĩ, trong tương lai gần, Syria sẵn sàng vận hành S-300 mà không còn cần sự cố vấn, hỗ trợ của Nga”, tờ National Interest dẫn lời nhà khoa học nghiên cứu Michael Kofman thuộc Trung tâm phân tích hải quân Mỹ cho biết và nói thêm: “Hiện tại vẫn rất mơ hồ vì không chắc Nga hay Syria là bên thực sự vận hành hệ thống”.  Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể người Nga sẽ tự vận hành hệ thống này. Việc Moscow quản lý hệ thống phòng không này chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn các nỗ lực của Israel trong việc tấn công Syria cũng như các lực lượng Iran hoạt động tại chiến trường này. Sau khi S-300 được triển khai, Israel có thể không còn đủ khả năng để tấn công trực tiếp vào các mục tiêu của Syria trong một cuộc đột kích.   

Nhưng nếu Nga đào tạo lực lượng Syria và cho phép họ sử dụng S-300 thì luôn tồn tại khả năng Israel sẽ cố gắng loại bỏ hệ thống này. Thật vậy, Israel có vũ khí hoàn hảo để thực hiện điều đó - đội tàu chiến mới với những chiến đấu cơ Lockheed Martin F-35 vừa được mua lại. Tuy nhiên, trong tương lai gần, khi S-300 vẫn do lực lượng Nga vận hành, Israel sẽ gặp nhiều khó khăn trong khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn ở Syria.

KHẢ ANH