Đằng sau những ca đứt dây chằng
8/11 cầu thủ đá chính ở trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc) của U23 Việt Nam đứt dây chằng. Họ thậm chí còn vật lộn với ảnh hưởng của nó một thời gian dài sau đó. Người ta nói vì các cầu thủ đã phải trải qua mật độ thi đấu quá dày đặc. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đó...
Đình Trọng phải phẫu thuật 3 lần chỉ trong vòng 2 năm. |
Đội tuyển Việt Nam sẽ có lực lượng mạnh nhất vào năm 2021 Việc dịch Covid-19 tác động mạnh trong năm 2020 khiến cho vòng loại World Cup và AFF Cup chuyển hết sang năm 2021 phần nào đó lại là tin vui với ông Park Hang-seo. Bởi nhờ đó, ông có thể đón chào sự trở lại lành lặn của Đình Trọng, Duy Mạnh hay phong độ đủ tốt của Xuân Trường, Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Đức. Đó là những trường hợp đã dính chấn thương ở mức độ nặng đến rất nặng trong vòng 2 năm trở lại đây. Thêm vào đó, thủ môn Đặng Văn Lâm cũng sẽ kịp cùng ĐT Việt Nam dự AFF Cup vào tháng 4 tới. Do Thai League sẽ kết thúc trước thời điểm giải đấu này khởi tranh. |
No dồn đói góp
Trước năm 2020 ảnh hưởng quá lớn bởi dịch dẫn đến hàng loạt các giải bóng đá không thể tổ chức như kế hoạch, bóng đá Việt Nam đã trải qua 2 năm 2018 và 2019 đầy ắp những sự kiện từ cấp câu lạc bộ (CLB) cho đến đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Người ta thống kê được rằng, Đỗ Duy Mạnh đã chơi tổng cộng 69 trận cho Hà Nội FC và 32 trận cho các đội tuyển Việt Nam. Nguyễn Quang Hải cũng trải qua 72 trận cho Hà Nội FC và 48 trận cho các đội tuyển Việt Nam cùng giai đoạn đó. Không chơi nhiều như các cầu thủ Hà Nội FC vốn căng mình cả mặt trận AFC Cup, nhưng những cái tên đang chơi cho HAGL, SLNA như: Xuân Trường, Văn Đức, Xuân Mạnh cũng ngốn tới trên 25 trận cho các đội tuyển Việt Nam và không dưới 30 trận ở cấp CLB từ V.League đến Cúp Quốc gia từ năm 2018 đến 2019.
Đó là một con số đủ để người ta ngỡ ngàng. Không ấn tượng sao được khi những cầu thủ Việt Nam lại có một thể lực tuyệt vời để "gồng mình" chơi với một quỹ trận như thế. Nhưng từ cảm giác khâm phục, người hâm mộ và giới chuyên môn đi đến cảm giác lo sợ. Bởi những cái tên kể trên bắt đầu hứng chịu những chấn thương đứt dây chằng cho đến chấn thương liên miên (trường hợp của Quang Hải) ở các thời điểm khác nhau. Và không phải ngẫu nhiên, Hà Nội FC đã rơi vào khủng hoảng nhân sự hàng loạt ở mùa giải năm nay, khi những trụ cột là tuyển thủ quốc gia của họ lần lượt phải lên giường bệnh sau 2 năm chơi trên 100% ngưỡng thể lực chịu được.
Một tờ báo của Việt Nam đã lấy số trận của Duy Mạnh kể trên để so sánh với những lần mà Lionel Messi ra sân cho Bacelona lẫn Argentina trong cùng 1 giai đoạn. Tờ báo đó muốn nhấn mạnh Duy Mạnh còn đá nhiều hơn một ngôi sao tầm cỡ như Messi. Và như đã nói, việc phải gồng mình chơi với số trận hơn mức độ mà cơ thể chịu được chính là hậu quả dẫn đến việc Duy Mạnh hay đồng đội của anh chấn thương liên tiếp.
Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi một vấn đề nữa cần phải chỉ ra. Đó là những cầu thủ này trước đó đã không chơi với một số trận đủ lớn trước khi bước vào giai đoạn "căng như dây đàn" của năm 2018 và 2019. Thực tế, nhiều cầu thủ chỉ đảm bảo con số từ 20-30 trận đấu/năm. Mật độ ấy thậm chí là chưa đủ so với chuẩn quốc tế đưa ra. Đó là một cầu thủ ở lứa cận chuyên nghiệp từ U17 đến U21 phải được đá trung bình từ 40 trận trở lên trong một năm.
Vậy là "đói góp rồi no dồn". Việc không có sự điều chỉnh cơ thể quen với guồng quay thi đấu liên tục càng thúc đẩy những ca chấn thương khi cầu thủ gồng mình lên đá. Giống như việc lần đầu tiên ta tập thể hình. Chỉ một ngày sau, các nhóm cơ vốn chưa quen với cường độ vận động mạnh bắt đầu đau một cách dữ dội...
Khoảng trống kế thừa
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra rằng, tại sao chỉ có một nhóm cầu thủ trong lực lượng của ông Park Hang-seo dính chấn thương nặng như vậy? Và thực ra, điểm chung của những cầu thủ này chính là họ đều là những nhân tố chủ lực trong đội hình của nhà cầm quân Hàn Quốc, từ U23 cho đến ĐTQG Việt Nam. Trường hợp Đình Trọng phải phẫu thuật lại sụn chêm đầu gối mới đây là một điển hình như vậy.
Nhớ lại thời điểm tháng 1-2020, khi U23 Việt Nam thi đấu VCK U23 châu Á 2020, HLV Park Hang-seo đã phải sử dụng Đình Trọng khi anh mới chỉ trải qua 7 tháng sau phẫu thuật dây chằng chéo trước. Một cầu thủ phẫu thuật chấn thương này phải mất đến 8-10 tháng để bình phục hoàn toàn. Nước cờ mạo hiểm mà ông Park phải theo đã trả giá. U23 Việt Nam không đi tiếp. Và Đình Trọng sau đó đã phải chịu hậu quả là tái phát chấn thương. Nhưng vì sao ông Park phải sử dụng Đình Trọng? Lý do là bởi trong tay ông không có thêm một cái tên thay thế đủ đẳng cấp như Trọng trong đội hình nữa.
Khoảng trống kế thừa ấy lại là căn nguyên của việc lối chơi và hệ thống chiến thuật tại CLB vốn không đồng nhất với các đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo. Phần lớn các CLB đều sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ (trong đó có 2 trung vệ) tại V.League. Một trong số đó thường là ngoại binh. Vậy là các trung vệ, đặc biệt là trung vệ trẻ vốn đã không có đất diễn, họ lại phụ thuộc quá nhiều vào khả năng tranh chấp của các ngoại binh dẫn tới những kỹ năng liên quan đến một trung vệ, đặc biệt là trung vệ thòng bị hạn chế.
Khoảng trống kế thừa ấy cũng là căn nguyên của việc những cầu thủ dưới 23 tuổi có quá ít cơ hội được ra sân thi đấu thường xuyên. Lứa Quang Hải, Đình Trọng có lẽ là một trong số trường hợp vô cùng hiếm hoi được tạo điều kiện từ quá sớm. Cũng chính việc không thể phát triển đào tạo trẻ một cách có hệ thống từ cấp CLB đến ĐTQG, cũng chính vì việc hệ thống lối chơi từ cấp CLB đến ĐTQG có sự sai lệch mà những cầu thủ thuộc hàng hiếm của bóng đá Việt Nam đã phải vật lộn thi đấu liên tục để rồi đến nay là trả giá với những ca chấn thương.
P.V