Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (4)

Thứ ba, 05/08/2014 08:56

Kỳ cuối: Nhiều bất cập cần sớm giải quyết

(Cadn.com.vn) - Không dừng lại ở việc nợ thuế, hai công ty khai thác vàng lớn nhất Việt Nam thuộc Besra Việt Nam còn nợ hàng trăm tỷ đồng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Quảng Nam và nợ hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động.

* Theo các đại gia chuyên khai thác vàng ở Quảng Nam, việc Besra Việt Nam tạm ngừng hoạt động khai thác ở Bồng Miêu và mỏ Phước Đức ở Phước Sơn chỉ là trò hù dọa. Đối với mỏ vàng Bồng Miêu, việc đóng cửa có thể chấp nhận được vì trữ lượng vàng mỏ này còn lại ít, hơn nữa Besra đã “ăn đủ” trong vòng hàng chục năm qua rồi. Riêng tại mỏ vàng Phước Đức không dễ gì Besra nhả ra. Vì theo giấy phép thăm dò, trữ lượng vàng tại mỏ này lên đến 7.000 tấn. Giá vàng hiện tại thì 1 tấn hơn 800 tỷ đồng.

 

NHỮNG KHOẢN NỢ TIỀN TỶ

Vào lúc cao điểm như đầu năm 2014, số lao động hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn lên đến hơn 1.500 người. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn công nhân đã nhận được lương và có khấu trừ tiền BHXH. Nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi: Anh có biết họ có đóng bảo hiểm cho anh không? Anh Hồ Văn Dũng – Thôn 4, xã Phước Đức, H. Phước Sơn, Quảng Nam lắc đầu: “Tôi cũng không biết nữa”. Và đây cũng là câu trả lời chung của hàng trăm công nhân từng làm việc cho hai nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam.

Từ nhà máy vàng Phước Sơn - xã Phước Đức, chúng tôi vượt hàng trăm ki-lô-mét để đến xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh nơi có nhà máy vàng Bồng Miêu để tìm hiểu thêm về câu chuyện đóng BHXH. Hầu như ai cũng đồng ý là công ty có đóng bảo hiểm y tế, khám bệnh xong, có hóa đơn, công ty sẽ thanh toán. “Còn với bảo hiểm y tế thì chịu. Hồi giờ đến chừ, có ai thấy cái sổ bảo hiểm màu gì đâu. Tôi làm được 8 năm, lương tháng được 4,7 triệu đồng. Tháng nào cũng trừ bảo hiểm cả. Chắc là họ có đóng cho mình chứ?” - ông Võ Xuân Tùng – xã Tam Lãnh , H. Phú Ninh cho biết.

Đoàn công tác của Bộ TN&MT đến làm việc tại Nhà máy vàng Phước Sơn trước khi “công bố” giao 42km2 đất rừng cho Cty này tiếp tục khai thác.

Để trả lời cho câu hỏi của anh Tùng, chúng tôi tìm đến Bảo hiểm Xã hội Đà Nẵng. Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH Đà Nẵng, trước năm 2008, hai công ty này mua bảo hiểm trực tiếp tại BHXH thành phố sau đó chuyển về BHXH Q. Sơn Trà.

Theo thông tin xác nhận của bà Thái Thị Thu Nguyệt – Giám đốc BHXH Q. Sơn Trà: “Đến tháng 7-2014, Cty vàng Bồng Miêu nợ 3,7 tỷ đồng (tương đương 4 tháng); Cty vàng Phước Sơn nợ 5,5 tỷ đồng (tương đương 6 tháng). Đây là con số khá lớn và đề nghị BHXH thành phố phối hợp với các địa phương để thu số nợ trên. Nếu hai công ty này không đóng bảo hiểm, việc thành lập đoàn thanh tra hay kiện ra tòa cũng là phương án phải lựa chọn”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, qua trao đổi với Tập đoàn Besra Việt Nam, ông Paul Seton – Tổng Giám đốc Tập đoàn này rất lạc quan cho rằng: “Trong quá khứ, công ty có vấn đề nợ BHXH cũng như tiền lương. Nhưng sau này, chúng tôi đã có kế hoạch chi trả và được BHXH Đà Nẵng chấp thuận. Tiền của người lao động được chi trả đúng thời hạn”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra con số mà BHXH Đà Nẵng cung cấp thì vị Tổng Giám đốc này lại đá trái bóng trách nhiệm về Cục Thuế Quảng Nam. “Số nợ bảo hiểm hiện nay tôi không biết là bao nhiêu. Nhưng tôi muốn nói rằng, việc cưỡng chế của Cục Thuế Quảng Nam đang áp dụng thì chúng tôi không có tiền để trả nợ thuế cũng như BHXH. Hàng ngàn lao động đang chờ đi làm lại – các đối tác cũng gặp khó khăn...”.

Theo BHXH Đà Nẵng, việc nợ bảo hiểm này gây khó khăn trong việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Hơn nữa, đa số công nhân làm việc trong môi trường độc hại nhưng bị nợ bảo hiểm sẽ bị thiệt thòi rất lớn.

Ngoài nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuế và hơn 9 tỷ đồng tiền bảo hiểm, theo thống kê sơ bộ của UBND H. Phước Sơn, hai công ty trên còn nợ hàng trăm tỷ đồng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện này. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người kéo đến nhà máy vàng Phước Sơn đòi nợ. Trong số đó có ông Đỗ Ngọc Thắng – Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức xin tạm nghỉ việc để đi đòi hơn 17 tỷ đồng mà công ty vàng Phước Sơn nợ công ty ông Thắng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết thêm: “Không nói đến các khoản nợ thuế đối với Nhà nước, riêng tại huyện tính đến nay Cty Vàng Phước Sơn nợ 182 tỷ đồng. Do vậy huyện ủng hộ Cục Thuế Quảng Nam tiến hành các biện pháp cưỡng chế thuế đối với Cty Vàng Phước Sơn. Nếu Cty Vàng Phước Sơn không chủ động đóng cửa nhà máy thì chúng tôi cũng yêu cầu Cty này tạm dừng hoạt động trong thời gian bị cưỡng chế thuế để thực hiện các khoản nợ ở địa phương cũng như giải quyết các quyền lợi cho người lao động”.

Theo ông Phạm Thế Quyền – Chủ tịch UBND H. Phước Sơn, do không thu được ngân sách do công ty vàng Phước Sơn chây ì nên các hoạt động của huyện gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện đã làm tờ trình xin tỉnh Quảng Nam tạm ứng 25 tỷ đồng để chi thường xuyên. Nằm trên mỏ vàng nhưng người dân không được hưởng lợi mà còn rước khổ vào thân là điều bất công. Khai thác vàng, xuất khẩu lấy tiền nhưng không thu được thuế cũng đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên quốc gia.  Vì vậy, đã đến lúc nên thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ vàng và tìm nhà đầu tư nào có năng lực và có nghĩa vụ thuế với địa phương.

Chưa đi đến thống nhất dừng cưỡng chế thuế

Ngày 4-8, Cục Thuế Quảng Nam làm việc với đại diện hai Cty của Tập đoàn Besra là Cty Vàng Phước Sơn và Cty Vàng Bồng Miêu. Sau buổi làm việc, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Mai Khắc Hưng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết: Vẫn chưa đi đến thống nhất dừng cưỡng chế thuế. Theo ông Hưng, trong buổi làm việc, Cục Thuế tỉnh nêu các quy định của Luật Thuế: Trong trường hợp nợ thuế của hai Cty vàng sẽ được phép tạm dừng cưỡng chế thuế nếu đáp ứng ba điều kiện.

Thứ nhất, phải cam kết nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn 12 tháng; thứ hai là có bảo lãnh của ngân hàng và thứ ba phải nộp đều trong các tháng. Tuy nhiên, hai Cty vàng cam kết nộp dần nhưng số tiền nộp hàng tháng ít và yêu cầu được trả dần trong vòng 24 tháng. Ngoài ra, hai Cty này không có sự bảo lãnh của ngân hàng. “Phía Cty cho rằng khả năng tài chính của họ không thể cam kết hơn được. Vì không thể thống nhất nên   chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thuế để xin ý kiến” – ông Hưng cho biết thêm.

GIAN NAN “BÀI TOÁN” 1.000 LAO ĐỘNG

Dù thế nào thì việc Besra Việt Nam cho đóng cửa hai nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đã đẩy hơn 1.000 lao động mất việc. Trước sự việc trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như nghĩa vụ của Cty vàng đối với Nhà nước, ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh)- nơi có mỏ vàng Bồng Miêu cho biết: Cty Vàng Bồng Miêu được cấp phép tới 365ha đất thuộc xã Tam Lãnh để khai thác, đến hết năm 2016 giấy phép mới hết hạn.

Việc Cty đóng cửa khiến đời sống của khoảng 500 công nhân địa phương làm việc cho Cty bị xáo trộn. Trong số đó đã có một bộ phận người dân quay lại các bãi vàng khai thác trái phép khiến tình hình ANTT càng thêm phức tạp. “Việc thiếu đất sản xuất đã đẩy người dân lâm vào con đường “vàng tặc”. Hiện xã đang xin ý kiến của cấp trên để phân loại, quy hoạch lại các loại rừng nhằm có đất cấp cho người dân canh tác, sản xuất”- ông Minh nhận định.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho biết: Trước tình hình trên, UBND huyện và các ngành chức năng đang xem xét tạo điều kiện cho người thất nghiệp có việc làm tạm thời ở địa phương.

Về phương án cụ thể thì huyện chưa có vì chưa rõ số phận của Cty Vàng Phước Sơn thế nào. Do vậy trước mắt huyện sẽ tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế người dân lâm vào con đường “lâm tặc, vàng tặc”. Về lâu dài, huyện sẽ kiến nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ thích hợp.

Như vậy có thể thấy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều động thái hỗ trợ cho Besra Việt Nam, nhằm tạo điều kiện các Cty vàng sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm. Và lúc này, mọi người đặt câu hỏi, nếu hết thời gian gia hạn, Cty vẫn không chịu trả các khoản nợ mà tiếp tục “chơi chiêu” đóng cửa nhà máy để lao động thất nghiệp nhằm tạo sức ép, lúc đó các ngành chức năng sẽ làm gì?, hoặc Quảng Nam còn phải chịu đựng đến bao giờ?

Chúng tôi e rằng, trả lời cho những câu hỏi này không hề đơn giản. Dù sao, sự việc của Besra Việt Nam cũng là bài học nhãn tiền để từ đó có cách tiếp cận khôn ngoan, đúng đắn hơn với vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, liên quan đến nhiều thế hệ về sau.

Nhóm PVĐT