Đằng sau quyết định bình thường hóa quan hệ Ai Cập - Qatar
Việc Ai Cập và Qatar mới công bố nối lại quan hệ ngoại giao đánh dấu một bước quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng trong thế giới Arab ngày càng trầm trọng hơn do “chiến dịch” phong tỏa Doha do Saudi Arabia dẫn đầu bắt đầu vào giữa năm 2017. Sự tái hợp tác chính thức của hai nước cũng có thể gây thêm áp lực lên các bên ký kết khác của hiệp định Al-Ula - đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain - phải theo sát sự dẫn đầu của Cairo và vượt qua mốc 3,5 năm Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) rơi vào khủng hoảng.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. |
Cùng với hội nghị thượng đỉnh al-Ula hồi đầu tháng 1 và việc chính thức nối lại quan hệ song phương, mối quan hệ của Ai Cập và Qatar bắt đầu đi theo hướng rất tích cực. Ngay sau khi ký kết hiệp định thống nhất ở Saudi Arabia, Cty Bất động sản Qatar Diar (một Cy thuộc sở hữu của quỹ tài sản có chủ quyền của Qatar) tổ chức lễ khai trương khách sạn St. Regis do mình sở hữu hoàn toàn ở Cairo. Cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Al Emadi, đã tham gia cắt băng, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên tới Ai Cập của một quan chức cấp cao Qatar kể từ cuộc khủng hoảng GCC vào giữa năm 2017.
Theo giới phân tích, sẽ khó có thể thấy sự tan băng này trong quan hệ Ai Cập-Qatar, nếu một vị Tổng thống mới ở Mỹ - ông Joe Biden - không lên nắm quyền. Giới lãnh đạo ở Cairo, giống như những người cai trị Al-Saud ở Riyadh, có những lo ngại về chiến lược của chính quyền mới. Các quan chức Ai Cập nhớ rất rõ rằng, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, khi đó ông Biden làm Phó Tổng thống, đã tạm dừng một số hoạt động bán vũ khí cho Ai Cập như áp đặt một hình phạt nhằm vào chính quyền sau cuộc đảo chính năm 2013. Giờ đây, họ lo ngại rằng chính quyền mới của ông Biden cũng sẽ “tấn công” Ai Cập trong các vấn đề liên quan. Bằng cách khôi phục quan hệ ngoại giao với Doha, Ai Cập có lẽ sẽ “mua được” một số thiện chí với Washington.
Nhưng quá trình chuyển đổi ở Washington không phải là yếu tố duy nhất đằng sau mối quan hệ Ai Cập-Qatar. Nhận thức của Cairo về Qatar và sự ủng hộ của các đảng Hồi giáo trong thế giới Arab như một mối đe dọa đã giảm dần trong những năm gần đây. “Người Ai Cập đã nhận ra rằng Qatar đã trở nên trầm lắng trong 7 năm qua. Về mặt này, không còn bất kỳ sự bất bình nào thực sự từ phía Ai Cập nữa. Lời than phiền thực sự duy nhất còn lại đối với người Ai Cập là Al-Jazeera. Nhưng ngay cả Al-Jazeera trong những năm gần đây cũng không thực sự đánh bật được Ai Cập trong phạm vi phủ sóng của nó”, tờ Statecraft dẫn lời chuyên gia Andreas Krieg nhận định.
Theo chuyên gia Krieg, chính quyền của Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi ngày nay đang ở vị trí an toàn hơn nhiều so với thời điểm nắm quyền sau khi lật đổ chính phủ Mohammed Morsi vào năm 2013 hoặc thậm chí sau cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh nổ ra vào năm 2017. Cairo cũng nhận thấy lợi thế tài chính để bình thường hóa quan hệ. Ngoài nguồn vốn đầu tư nước ngoài được gia hạn, khoảng 300.000 người Ai Cập làm việc tại Qatar, những người có tiền gửi về cho các gia đình ở quê nhà là một nguồn ngoại tệ quan trọng, sẽ có thêm niềm tin và sự ổn định ở quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé. Họ sẽ không còn phải phụ thuộc vào đại sứ quán của Hy Lạp để nhận bất kỳ sự hỗ trợ lãnh sự nào mà họ có thể yêu cầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bất chấp những tiến triển tích cực gần đây trong quan hệ Ai Cập-Qatar, mối quan hệ này có lẽ sẽ ở mức “hòa bình lạnh giá” do một số vấn đề làm gia tăng căng thẳng giữa họ. Cuộc nội chiến ở Libya, nơi hai nước đứng ở hai phía đối lập, có lẽ là “hồ sơ” nhạy cảm nhất. Doha liên kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để ủng hộ Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận, trong khi người Ai Cập, cùng với UAE, ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya có trụ sở tại Tobruk do Thống chế Khalifa Belqasim Haftar đứng đầu. Cairo lo ngại rằng, các nhóm Hồi giáo trong GNA sẽ củng cố vị trí của họ tại một quốc gia có đường biên giới dài với Ai Cập. Trong trường hợp không có bất kỳ tiến triển ngoại giao nào để chấm dứt xung đột đó, cuộc chiến sẽ vẫn là một điểm nhức nhối giữa Doha.
Ngoài Libya, còn có các vấn đề khu vực khác, từ quá trình chuyển đổi chính trị đang diễn ra của Sudan, đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Qatar ở Nam Sudan, đến Hamas ở Gaza - mà Doha đã ủng hộ, với sự chấp thuận của Israel, hỗ trợ tài chính quan trọng - có thể sẽ tiếp tục gây khó chịu cho quan hệ Ai Cập -Qatar.
KHẢ ANH