Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau quyết định rút quân khỏi Đức của Mỹ

Thứ sáu, 31/07/2020 21:00

Mỹ đã có kế hoạch rút gần 12.000 quân ra khỏi Đức, một quyết định vấp phải sự phản đối của Quốc hội lưỡng đảng và các đồng minh chủ chốt, những người coi động thái này là một đòn giáng mạnh vào NATO.

Các binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn 101 đến Đức hồi tháng 6-2020.   Ảnh: Bussiness Insider

Trong thông báo hôm 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, Washington sẽ cắt giảm 11.900 binh sĩ nước này tại Đức, tái bố trí đến Italia và Bỉ. Ông Esper cho biết đây là sự thay đổi lớn về cách bố trí quân sự của Washington trong NATO. Trong số 34.500 quân nhân Mỹ đồn trú tại Đức, khoảng 6.400 binh sĩ sẽ được đưa về quê nhà trong khi gần 5.600 binh sĩ khác sẽ được đưa đến các quốc gia khác trong NATO. Bộ trưởng Esper cho hay, mục tiêu chính của đợt luân chuyển này nhằm củng cố sườn Đông Nam NATO gần Biển Đen. Theo ông, một số binh sĩ có khả năng cũng được đưa đến Ba Lan và các nước Baltic nếu Warsaw nhất trí một thỏa thuận giữa hai bên. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định, việc tái bố trí lực lượng Mỹ ở Châu Âu sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe đối với Nga, củng cố sức mạnh của khối NATO, đồng thời hỗ trợ cuộc sống của gia đình các binh sĩ Mỹ.

Quyết định rút gần 12.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức sẽ khiến Washington mất nhiều năm để thực hiện, đồng thời tiêu tốn hàng tỷ USD chi phí. Theo CNN, quyết định này là nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump là chỉ duy trì 25.000 binh sĩ Mỹ ở Đức vì trước đó kế hoạch của Nhà Trắng là chỉ cắt giảm khoảng 9.500 quân. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận việc tái triển khai 11.900 binh sĩ Mỹ từ Đức sẽ "cần nhiều tháng để lên kế hoạch", trong khi việc thực hiện sẽ mất nhiều năm. Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ phải chi hàng tỷ USD để thực hiện kế hoạch, chủ yếu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở cả Mỹ và Châu Âu để phục vụ lực lượng này.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, và Tổng thư ký NATO Jenss Stoltenberg đã được thông báo về kế hoạch rút quân của Washington.

Mỹ không còn là "kẻ khờ khạo"

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông quyết định cắt giảm số lượng binh lính Mỹ ở Đức vì nước này không trả đủ chi phí cho hoạt động bảo vệ, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không còn là "kẻ khờ khạo”.

Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: "Chúng ta không muốn trở thành kẻ khờ nữa... Chúng ta sẽ cắt giảm lực lượng vì họ (Đức) không thanh toán hóa đơn đầy đủ. Điều đó rất đơn giản". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lưu ý sẽ xem xét lại việc rút quân nếu Đức đồng ý chi thêm tiền cho Mỹ. Hồi tháng trước, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức xuống khoảng 25.000 binh sĩ với lý do đồng minh thân cận của Mỹ chưa đạt chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO và "lợi dụng" Mỹ trong lĩnh vực thương mại.

“Tự bắn vào chân mình”

Kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức từ lâu đã vấp phải sự phản đối của lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, do lo ngại sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ cũng như các đồng minh NATO trước sức ép của Nga.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rom Romney cho rằng kế hoạch này là "một lỗi nghiêm trọng" và là "một món quà cho Nga". "Kế hoạch rút hàng ngàn lính Mỹ khỏi Đức là một lỗi nghiêm trọng. Đó là một cái tát vào mặt một người bạn và đồng minh mà lẽ ra chúng ta nên tiến gần hơn đến cam kết cùng nhau ngăn chặn sự xâm lược của Nga và Trung Quốc", ông viết trên Twitter ngay sau thông báo của Bộ trưởng Esper. "Đó là một món quà cho Nga đến vào thời điểm chúng ta vừa biết về sự hỗ trợ của họ đối với Taliban. Động thái này có thể tạm thời có tác dụng tốt đối với nền chính trị trong nước, nhưng hậu quả của nó sẽ kéo dài và làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ”, ông Romney viết thêm.

Phản ứng về quyết định này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Rottgen cho rằng động thái này sẽ không giúp Washington đạt được các mục tiêu đã đề ra ở Châu Âu mà còn gây ra hậu quả. Ông Roettgen cho rằng, Washington đang tự bắn vào chân mình khi quyết định rút quân khỏi Đức cũng như di dời trụ sở Bộ Chỉ huy Châu Âu và Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt ở Châu Âu khỏi lãnh thổ Đức. "Các binh sĩ Mỹ thực sự góp phần vào an ninh của Đức, nhưng Đức chủ yếu phục vụ Mỹ như một trung tâm hậu cần cho chính sự hiện diện quân sự quốc tế của nước này", ông nói.

Các chính trị gia Đức tin rằng những bước đi như trên sẽ kéo căng mối quan hệ giữa hai nước đồng minh. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Mỹ. Thật không may, bước đi này đặt một gánh nặng lên mối quan hệ Mỹ - Đức. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu quyết định này có kéo dài được không", RT dẫn lời Markus Soeder, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đồng minh của bà Merkel.

AN BÌNH