Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau quyết định từ chức của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc

Thứ tư, 16/09/2020 09:58

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad sẽ rời khỏi chức vụ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, một phần vì Tổng thống Donald Trump hối thúc cựu Thống đốc bang Iowa trở lại và giúp ông vận động tranh cử.

Đại sứ Mỹ Terry Edward Branstad (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 30-9-2017. Ảnh: Getty Images

Theo nhiều quan chức chính quyền và những người quen thuộc với ông Branstad, ông luôn có ý định chỉ phục vụ một nhiệm kỳ.

Nhưng theo 2 nguồn tin thân cận, vài tuần cách đây, ông Branstad có kế hoạch ở lại Bắc Kinh cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống. Điều đó đã thay đổi khi Tổng thống Trump đề nghị ông Branstad trở lại Mỹ và vận động tranh cử cho ông sau hơn 3 năm ở Bắc Kinh. “Đó là lý do tại sao ông ấy kết thúc sớm công việc- bởi vì Tổng thống đã yêu cầu”, một nguồn tin quen thuộc cho biết. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Chính quyền Bắc Kinh hôm 11-9 tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế không xác định đối với các nhà ngoại giao và nhân viên cấp cao của Mỹ tại Trung Quốc sau khi Washington đưa ra một biện pháp tương tự nhằm vào đoàn ngoại giao của Bắc Kinh hôm 3-9.

Ông Branstad là bạn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ những năm 1980, nhưng vai trò Đại sứ của ông ngày càng trở nên nặng nề trong những tháng gần đây khi mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng trong đại dịch Covid-19. Ông Branstad cuối cùng đã không thể sử dụng mối quan hệ cá nhân để mang lại lợi ích cho quan hệ song phương. Hôm 12-9, Tổng thống Trump ám chỉ ông Branstad có thể sẽ tham gia chiến dịch tranh cử. Trong cuộc điện đàm với Thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Iowa Joni Ernst, ông Trump đề cập đến đại sứ sắp mãn nhiệm và con trai của ông, Eric Branstad. Eric Branstad là cố vấn cấp cao cho Trump Victory 2020, ủy ban gây quỹ chiến dịch và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa. “Eric Branstad thật tuyệt vời và ông biết đấy, cha của Eric từ Trung Quốc về nước vì ông ấy muốn vận động tranh cử”, ông Trump nói.

“Ông ấy vẫn giữ vai trò tốt ở khu vực Trung Tây”

Một nguồn tin quen thuộc cho biết, ông Trump muốn ông Branstad trở lại Mỹ để giúp mình trong chiến dịch tranh cử ở Iowa. Theo hai nguồn tin thân cận, Ủy ban tranh cử của ông Trump tin rằng, ông Branstad có thể tác động đến cử tri ở Iowa, Wisconsin, Missouri và thậm chí cả Minnesota.

“Ông ấy vẫn giữ vai trò tốt ở khu vực Trung Tây. Ông ấy có tên tuổi và có lẽ là người tốt nhất để nói về ảnh hưởng của Trung Quốc”, một nguồn tin thân cận với chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết. Ông Biden và ông Trump đang đuổi nhau trong cuộc đua ở Iowa, theo các cuộc thăm dò trong vài tháng qua. Hồi năm 2016, ông Trump đã giành được khoảng 10% số phiếu ủng hộ ở bang này.

Hiện chưa rõ việc đưa ông Branstad quay trở lại Mỹ và vận động tranh cử là ý kiến của một cố vấn nào đó hay đó là ý tưởng của ông Trump. Các chuyên gia cho rằng, việc ông Branstad về nước sẽ không gây hậu quả gì lớn vì ông Branstad không phải là nhân tố trung tâm trong chính sách Mỹ - Trung. Nguồn tin thân cận với chiến dịch tranh cử cho biết, mặc dù ông Branstad không phải là người có tiếng nói hàng đầu trong cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng ông được cho là sẽ đưa ra “cách tiếp cận nghiêng về phía trước hơn”.

Trong bài đăng trên Twitter hôm 14-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi lời cảm ơn tới ông Branstad vì những cống hiến đã dành cho nước Mỹ. “Tổng thống chọn Đại sứ Branstad vì kinh nghiệm hàng thập kỷ đối phó với Trung Quốc khiến ông trở thành người tốt nhất để đại diện cho Chính quyền và bảo vệ lợi ích và lý tưởng của Mỹ trong mối quan hệ quan trọng này”, ông Pompeo cho biết. Ông Pompeo không đưa ra lý do vì sao ông Branstad từ chức hoặc bất kỳ thông báo nào về người kế nhiệm cho chức vụ ngoại giao quan trọng này.

Lựa chọn đại sứ đầu tiên của ông Trump

Ông Branstad là một trong những lựa chọn đại sứ đầu tiên khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 12-2016. Vào thời điểm đó, ông Trump nói rằng thống đốc Iowa đã được chọn vì kinh nghiệm của ông trong chính sách công, thương mại và nông nghiệp, cũng như “mối quan hệ lâu dài” của ông với ông Tập Cận Bình, người mà Branstad đã biết từ những cuộc trao đổi giữa chính phủ hai nước vào năm 1985. Hai người được cho là đã duy trì tình bạn tốt đẹp, khi ông Tập gặp lại ông Branstad trong chuyến thăm Mỹ vào năm 2012 khi ông Tập vẫn còn là Phó Chủ tịch.

Ban đầu, việc bổ nhiệm ông Branstad đã được Bắc Kinh hoan nghênh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang ca ngợi ông Branstad là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”. Nhưng ông Branstad đã đảm nhận chức vụ tại một trong những giai đoạn khó khăn nhất của mối quan hệ Mỹ-Trung. Kể từ khi được bổ nhiệm, chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại kéo dài. Washington cũng đã cấm các Cty công nghệ Trung Quốc như Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng truyền thông của nước này cũng như mua các linh kiện của Mỹ, đồng thời thắt chặt các hạn chế về thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc làm việc tại Mỹ. Hôm 9-9, một bài viết thể hiện quan điểm của ông Branstad, trong đó ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc “lợi dụng” sự cởi mở của Mỹ trong những thập kỷ gần đây, đã bị tờ Nhân dân Nhật báo -cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - từ chối xuất bản vì “vi phạm nghiêm trọng sự thật”.

Ông Branstad được coi là trung thành với Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ của ông. Những người biết ông Branstad tin rằng ông sẽ làm tốt những gì mà ủy ban tranh cử của ông Trump yêu cầu. “Ông ấy là một người tốt, đặc biệt nếu ông ấy trở lại để đóng vai trò nào đó trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Trump. Ông ấy sẽ nói về việc đối đầu với Trung Quốc là cần thiết như thế nào để cứu nông dân”. “Thông điệp của ông ấy sẽ phù hợp với những gì ủy ban tranh cử yêu cầu”, Stephen Orlins, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung nhận xét.

AN BÌNH