Đằng sau việc Fed quyết định ngừng tăng lãi suất
Dự báo giảm lãi suất trong năm 2024
Quyết định trên của Fed đã chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát và giúp giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ trong phạm vi từ 5,00%-5,25%. Quyết định này cũng phù hợp với dự đoán của thị trường sau những diễn biến liên quan tới kinh tế Mỹ gần đây, nhất là báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đối với chính sách tiền tệ thời gian tới, hơn một nửa trong số 18 nhà hoạch định chính sách của Fed đã dự báo lãi suất có thể tăng lên mức từ 5,50%-5,75% vào cuối năm 2023. Trong khi đó, 2 quan chức của Fed cho rằng lãi suất sẽ giữ nguyên như hiện tại và 4 quan chức khác cho rằng mức tăng thêm 0,25% có thể phù hợp. Các nhà hoạch định chính sách cũng dự đoán lãi suất sẽ cắt giảm 1% vào năm 2024 khi lạm phát giảm nhanh hơn.
Triển vọng lãi suất cao hơn phù hợp với quan điểm nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh mẽ sẽ khiến việc lạm phát trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương diễn ra chậm hơn. Các quan chức Fed mới đây đã tăng hơn gấp đôi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 lên mức 1%, từ mức 0,4% được đưa ra trong dự báo tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được dự báo chỉ tăng lên mức 4,1% vào cuối năm, thấp hơn so với mức 4,5% được dự báo vào tháng 3. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 là 3,7%. Về lạm phát, giới chức Fed nâng dự đoán lên 3,9% đối với CPI lõi và giảm nhẹ xuống 3,2% đối với CPI cơ bản.
Tạm ngừng để quan sát thị trường
Ngân hàng trung ương Mỹ cũng cho biết thêm việc tăng lãi suất cao hơn sẽ được tính đến trên cơ sở đánh giá mức độ thắt chặt tích lũy của chính sách tiền tệ, độ trễ mà chính sách tiền tệ tác động đến hoạt động kinh tế, lạm phát cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính. Trước đó, giới quan sát tin rằng Fed khó có khả năng tăng lãi suất trong kỳ họp chính sách kéo dài hai ngày, do không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự chuẩn bị cho việc tăng lương cơ bản của Mỹ và số lượng việc làm đang tăng trưởng vượt xa dự báo.
Sự sụp đổ của một loạt ngân hàng khu vực, bao gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic, đã đẩy nhanh hành động thắt chặt các điều kiện tín dụng. Ông Luke Tilley, một cựu quan chức Fed và hiện là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tư vấn đầu tư Trust Wilmington, cảnh báo khu vực ngân hàng của Mỹ sẽ lại đối mặt với một cơn bão mới nếu Fed tăng lãi suất cao hơn nữa.
Ông nêu rõ: "Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và ngân hàng trung ương này nên bắt đầu cắt giảm từ cuối năm nay. Lạm phát thấp hơn mức đỉnh rất nhiều, nền kinh tế giảm tốc đi kha khá". Nhiều chuyên gia có chung quan điểm này, nhất là sau khi các thị trường đều chứng kiến cơn sóng gió ngành ngân hàng Mỹ vừa trải qua, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do không thể "gánh" được mãi chi phí vay quá cao do lãi suất liên tục tăng.
Việc Fed liên tục tăng lãi suất sẽ gây tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, các tác động này thường xuất hiện trễ sau vài tháng. Điều đó có nghĩa là Fed có thể muốn tạm dừng tăng lãi suất để theo dõi nền kinh tế. Chúng khớp với khẳng định của Chủ tịch Powell rằng các hành động của Fed phụ thuộc vào dữ liệu thực tế, có nghĩa là cơ quan này sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến của nền kinh tế quốc gia, trước khi đi đến quyết định về lãi suất tiếp theo vào ngày 14-6.
Bên cạnh đó, dường như sau gần hai năm quyết liệt chống lạm phát, Fed giờ đây nhận thấy rằng ngân hàng này không cần thiết phải ghìm cương lạm phát bằng mọi giá. Những tín hiệu khởi sắc trên thị trường chứng khoán thời gian thời gian qua cũng củng cố thêm phương án Fed tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6. Trong tuyên bố chính sách đưa ra vào cuối cuộc họp, Fed cho biết việc giữ nguyên lãi suất sẽ cho phép cơ quan này đánh giá thêm thông tin và tác động đối với chính sách tiền tệ.
AN BÌNH