Đằng sau việc Hàn Quốc mở rộng xuất khẩu vũ khí
Năm 2017 có thể xem là bước ngoặt then chốt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc, khi nước này hy vọng sẽ đưa vũ khí vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu chính.
Pháo tự hành K-9 Thunder 155mm do Cty Hanwha Techwin sản xuất, được trưng bày tại triển lãm quốc phòng năm 2016. Ảnh: Yonhap |
Thỏa thuận với Mỹ
Cty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI), tập đoàn quốc phòng khổng lồ, đang đấu thầu chương trình T-X của Không quân Mỹ với nhiệm vụ thay thế phi đội 350 chiếc T-38, thỏa thuận trị giá 16 tỷ USD. KAI đang tìm cách hợp tác với Lockheed Martin cung cấp phiên bản nâng cấp của máy bay huấn luyện siêu âm T-50 Golden Eagle. Hai hãng thành lập liên minh cung cấp T-50A trong cuộc chiến khốc liệt với Boeing-Saab.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký vào cuối năm nay, và đây là một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất thập kỷ qua. “Chúng tôi rất lạc quan. Đặc biệt, chúng tôi có lợi thế cạnh tranh về giá cả. Điều này đã được chứng minh với hơn 200 máy bay đang hoạt động”, một quan chức KAI cho biết. Chiếc T-50 2 chỗ ngồi hiện đang được sử dụng để huấn luyện phi công ở Hàn Quốc. Nó được xuất khẩu sang Indonesia, Iraq, Thái Lan và Philippines. Các chuyên gia toàn cầu thừa nhận sự xuất sắc của loại máy bay này.
Nếu được ký kết, thỏa thuận với Không quân Mỹ sẽ giúp thúc đẩy KAI mở rộng thị trường cho loại máy bay này. “Nó sẽ cho thấy rõ rằng loại máy bay này là hàng đầu và có thể mở cửa cho các đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia hơn nữa. “Đặc biệt, các nước mua máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất sẽ rất thuận lợi khi mua máy bay huấn luyện được sản xuất để huấn luyện các phi công cho máy bay chiến đấu”.
Sau chương trình T-X, Không quân Mỹ có thể sẽ cân nhắc mua hàng trăm máy bay huấn luyện bổ sung. Thái Lan đầu tuần này tuyên bố sẽ mua thêm 8 máy bay T-50 với giá 257 triệu USD. KAI cũng đang tiếp thị loại máy bay chiến đấu nhẹ hơn FA-50. Botswana và Argentine nằm trong số các thị trường xuất khẩu tiềm năng loại máy bay này. KAI cũng đang nỗ lực ký hợp đồng xuất khẩu đầu tiên cho loại máy bay trực thăng đa nhiệm vụ của Surion trong năm nay. Indonesia và Peru nằm trong số những khách hàng tiềm năng.
Pháo 155mm cỡ nhỏ K-9 Thunder của Cty Hanwha Techwin cũng dần được phổ biến. Hanwha đang đàm phán giai đoạn cuối với Ấn Độ về hợp đồng trị giá 720 tỷ won (623 triệu USD). Loại pháo này đã được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Phần Lan. Hanwha cũng đang tìm cách xuất khẩu K-9 sang Na Uy, Australia và Ai Cập. LIG Nex1, nhà sản xuất vũ khí dẫn đường và thiết bị radar, đang nhắm đến Trung Đông để xuất khẩu tên lửa chống tăng tầm trung Raybolt (Hyungung) và tên lửa hành trình KP-SAM (Shingung). Cty Đóng tàu và Kỹ thuật hàng hải Daewoo đang chế tạo 3 tàu ngầm cho quân đội Indonesia.
Lợi thế lớn
Ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đang có động lực trong tham vọng trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới.
Giá trị của các hợp đồng xuất khẩu vũ khí chỉ đạt 297 triệu USD vào năm 2006, đạt mức cao nhất vào năm 2014 với 3,61 tỷ USD, nhưng giảm xuống còn 3,59 tỷ USD vào năm 2015 và 2,54 tỷ USD hồi năm ngoái, do bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh ngày càng tăng. Hàng hóa công nghệ cao của Hàn Quốc xâm nhập vào thị trường vũ khí của Mỹ là điều mang ý nghĩa rất lớn. Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc phát triển phần lớn nhờ chuyển giao công nghệ của Mỹ và các hợp đồng sản xuất được cấp phép có liên quan đến việc mua vũ khí của Mỹ. Cách đây vài năm, sản xuất vũ khí chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước, nhưng gần đây Hàn Quốc nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu các thiết bị hàng không và vũ trụ, hải quân.
An Sang-nam, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc, gồm hơn 100 Cty thành viên, cho biết: “Nếu KAI thắng hợp đồng T-X, đây sẽ là cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng. Nó sẽ nâng cao hình ảnh toàn cầu về ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước”. Ông chỉ ra rằng, Hàn Quốc với lực lượng quân sự gồm 620.000 người, có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tế của hệ thống vũ khí. “Một gói vũ khí, cụ thể là phần cứng, bí quyết và phần mềm là những gì mà các nước Đông Âu và Nam Mỹ muốn. Về mặt này, ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc có lợi thế”, ông cho biết.
Triển vọng lẫn thách thức
Viện Kinh tế và Thương mại công nghiệp Hàn Quốc (KIET) cho biết, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc có khả năng đạt 12 tỷ USD vào năm 2017 nếu KAI thắng thỏa thuận T-X và các dự án xuất khẩu lớn khác cũng thành công. Đối với các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc, cam kết của chính quyền Mỹ Donald Trump tăng ngân sách quân sự cho các đồng minh là một tin tốt. “Nhu cầu mua vũ khí dự kiến sẽ tăng tại các nước ở Bắc Âu, Đông Âu và Trung Đông, những thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc”, KIET nhận định.
Wezeman, nhà nghiên cứu của SIPRI, chỉ ra rằng thương mại vũ khí của Hàn Quốc đang phải đối mặt với cả cơ hội lẫn thách thức trong những năm tới. “Ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc giành thắng lợi ở nhiều thị trường với các sản phẩm phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất có uy tín hơn. Nhưng sự cạnh tranh vẫn còn rất lớn – nhất là từ các nước có trình độ công nghệ tương tự như Châu Âu, Israel hoặc ở các nước yếu hơn như Trung Quốc, Nga và Ukraine”.
AN BÌNH (Theo Yonhap)