Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau việc tình báo Mỹ tố Trung Quốc giúp Saudi Arabia phát triển tên lửa

Thứ sáu, 07/06/2019 08:42

CNN ngày 6-6 dẫn thông tin tình báo Mỹ cho thấy, Saudi Arabia đã nâng cấp đáng kể chương trình tên lửa đạn đạo với sự trợ giúp của Trung Quốc, động thái được cho là đe dọa nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế phổ biến tên lửa ở Trung Đông trong hàng thập kỷ qua.

Hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 13-11-2018 cho thấy một nhà máy tên lửa đạn đạo tại một căn cứ tên lửa ở al-Watah, Saudi Arabia. Ảnh: CNN

Các nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump ban đầu không tiết lộ những diễn biến bí mật này cho các thành viên chủ chốt của Quốc hội. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ sau đó phát hiện thông tin trên qua từ các Kênh bên ngoài chính phủ và đã rất "tức giận" khi chúng đã bị ém nhẹm.

Việc phát hiện ra các nỗ lực của Saudi Arabia làm gia tăng mối lo ngại của các thành viên Quốc hội về khả năng chạy đua vũ trang ở Trung Đông và đây có thể là dấu hiệu cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump ngầm chấp thuận động thái của Riyadh  khi tìm cách chống lại Iran. Ngoài ra, nguồn tin tình báo cũng đặt ra câu hỏi về cam kết của chính quyền Mỹ đối với việc không phổ biến tên lửa ở Trung Đông, và liệu Quốc hội Mỹ hiện có bắt kịp chính sách đối ngoại tại một khu vực đầy biến động hay không.

Saudi Arabia muốn có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân?

Thông tin tình báo bị rò rỉ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Quốc hội và Nhà Trắng về Saudi Arabia. Bất chấp những chỉ trích của lưỡng đảng về cuộc chiến của Riyadh tại Yemen và vai trò của nước này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, Nhà Trắng vẫn tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Saudi Arabia. Bằng chứng là Washington gần đây quyết định bán vũ khí và đạn dược hàng tỷ USD cho Saudi Arabia, bất chấp sự phản đối của Quốc hội.

Dù chưa thể xác định chắc chắn mục tiêu cuối cùng của Riyadh trong việc phát triển chương trình tên lửa, động thái này cho thấy khả năng quốc gia Trung Đông này đang nỗ lực hướng tới sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman nói rõ nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, Saudi cũng sẽ làm tương tự. "Không có gì phải nghi ngờ, nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi sẽ bắt kịp sớm nhất có thể", Thái tử Salman khẳng định.

Mặc dù Saudi Arabia là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất của Mỹ, nhưng Riyadh không được phép mua tên lửa đạn đạo từ Mỹ theo quy định của Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa 1987, một hiệp ước không chính thức, đa quốc gia nhằm ngăn chặn việc bán tên lửa có khả năng mang theo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo nguồn tin tình báo, để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Iran, Saudi Arabia liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác không ký kết hiệp ước, trong đó có Trung Quốc.

Mất đi lợi thế

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ nỗ lực để đảm bảo Saudi Arabia trở thành quốc gia mạnh nhất trong khu vực, chủ yếu thông qua việc bán máy bay quân sự cho Riyadh. Điều này còn nhằm mục đích ngăn Saudi Arabia không tìm cách nâng cấp chương trình tên lửa. "Saudi Arabia không cần phải chạy đua với Iran để sản xuất hoặc mua tên lửa đạn đạo. Nước này đã có sẵn lợi thế quân sự đáng kể", Behnam Taleblu, thuộc Trung tâm nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies có trụ sở tại Washington, cho biết. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra trong những tháng gần đây về việc liệu lợi thế đó có còn tồn tại hay không, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khiến Tehrran quay trở lại con đường sản xuất vũ khí hạt nhân, và Saudi Arabia phải đối mặt với mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Yemen.

Hình ảnh vệ tinh được Washington Post công bố lần đầu tiên vào tháng 1, cho thấy Saudi Arabia đã xây dựng một nhà máy tên lửa đạn đạo. Các nhà phân tích cho rằng, nhà máy này dường như phù hợp với công nghệ do Trung Quốc sản xuất. Một hình ảnh khác của cùng một cơ sở tên lửa mà CNN thu được cho thấy mức độ hoạt động tương tự tại địa điểm này vào ngày 14-5. "Sự quan tâm của Saudi Arabia vào công nghệ tên lửa là rất đáng chú ý", theo ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Đông Á Không Hạt Nhân tại Viện Middlebury. "Cả các báo cáo về cơ sở tên lửa và sự quan tâm của Riyadh vào chu trình nhiên liệu hạt nhân, cũng cho thấy một mong muốn bảo vệ mình trước Iran", ông Lewis nhận định.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đều từ chối bình luận về những thông tin liên quan đến hoạt động tên lửa đạn đạo của Saudi Arabia, cũng như từ chối bình luận về việc liệu Riyadh có bắt tay với những đối tác bên ngoài khu vực Trung Đông hay không. Phát ngôn viên tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Mỹ cũng từ chối trả lời. Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này và Saudi Arabia là "đối tác chiến lược toàn diện", và thông báo cả hai nước sẽ "duy trì hợp tác thân thiện trong tất cả các lĩnh vực, kể cả mua bán vũ khí. "Những sự hợp tác như vậy không hề vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như không liên quan đến sản xuất vũ khí hủy hiệt hàng loạt", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về các vấn đề tình báo bí mật, nhưng cho rằng Saudi Arabia vẫn là một thành viên của Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và đã chấp thuận yêu cầu không bao giờ sở hữu loại vũ khí này. Quan chức này sau đó cũng đề cập đến một tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc cam kết "một Trung Đông sạch bóng vũ khí hủy diệt hàng loạt và hệ thống khai triển chúng". Mặc dù vậy, các nguồn tin cho biết, hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đã có sự thay đổi chính sách về Saudi Arabia.

Căng thẳng về chính sách với Saudi Arabia

Những tiết lộ mới nhất về chương trình tên lửa của Saudi Arabia xảy ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn trong mối quan hệ Washington- Riyadh. Năm ngoái, khi bằng chứng về vai trò của chính phủ Saudi Arabia trong vụ sát hại nhà báo Jamal xuất hiện, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang Nam Carolina và Chủ tịch Quan hệ đối ngoại lúc đó là Bob Corker của bang Tennessee đã công khai lên án phản ứng rụt rè của chính quyền Tổng thống Trump. "Không có lửa làm sao có khói", ông Graham nói đề cập đến các báo cáo rằng Saudi đã cử chuyên gia pháp y đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng với thiết bị để tháo dỡ thi thể của Jamal.

Trong một cuộc phỏng vấn với Axios trên HBO được phát sóng hôm 2-6, con rể kiêm cố vấn cấp cao của ông Trump, ông Jared Kushner đã từ chối nêu chi tiết về các cuộc trò chuyện riêng tư với Thái tử Saudi Arabia và cho rằng Riyadh là đồng minh chính trong việc giúp đỡ Mỹ chống Iran. Sự tức giận đối với việc chính quyền xử lý vụ giết nhà báo Jamal đã dẫn đến sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với các nghị quyết nhằm chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở Yemen, nơi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã bị buộc tội đánh bom dân thường. Cuộc xung đột đã dẫn đến nạn đói lan rộng và ước tính 14 triệu người có nguy cơ chết đói tại Yemen.

Vào tháng 3, các nghị sĩ thúc đẩy cả Hạ viện và Thượng viện đưa ra biện pháp buộc ông Trump phải xin phép Quốc hội trước khi cho phép quân đội Mỹ hỗ trợ Saudi Arabia trong cuộc chiến chống nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Tuy nhiên, các nghị sĩ cuối cùng đã không thể chiến thắng quyền phủ quyết của Tổng thống.

Căng thẳng giữa chính quyền và các nghị sĩ một lần nữa trở nên trầm trọng hơn bởi thông báo ngày 24-5 của chính quyền rằng họ sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về căng thẳng leo thang với Iran để thực hiện việc bán vũ khí, đạn dược, cung cấp thông tin tình báo cho nhiều quốc gia, trong đó có Saudi Arabia và UAE. Một nhóm lưỡng đảng gồm 7 thượng nghị sĩ hôm 5-6 cho biết họ đang đưa ra các nghị quyết nhằm ngăn chặn tất cả 22 vụ mua bán vũ khí gắn liền với động thái này của chính quyền. Ngoài ra còn có một nỗ lực lưỡng đảng đang diễn ra để hoàn thành lệnh trừng phạt mới nhắm vào Saudi Arabia.

AN BÌNH