Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau việc Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác năng lượng với Taliban

Thứ tư, 11/01/2023 14:26
Quan chức chính quyền Taliban và Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu ở Kabul, Afghanistan hôm 5-1. Ảnh: AFP

Thỏa thuận hợp tác năng lượng 540 triệu USD

Lễ ký thỏa thuận diễn ra với sự chứng kiến của Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu và một số lãnh đạo cấp cao của chính quyền Taliban, trong đó có Abdul Ghani Baradar, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và dầu khí Afghanistan Shahabuddin Delawar cho biết trong 3 năm đầu tiên, dự án sẽ tập trung vào việc tìm kiếm nguồn dầu mỏ. Sẽ có khoảng hơn 540 triệu USD được đầu tư vào dự án trong giai đoạn này. Theo hãng tin Tolo News, phạm vi của dự án sẽ rộng khoảng 4.500 km2, trải dài tại 3 tỉnh của Afghanistan là Sar-e-Pul, Jawzjan và Faryab. Dự tính, ít nhất là từ 1.000 đến 20.000 tấn dầu sẽ được khai thác.

Tại lễ ký, Phó Thủ tướng Afghanistan yêu cầu CAPEIC thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc trong việc khai thác dầu khí. Còn hãng tin Khaama cho biết, dầu sẽ được khai thác tại 3 tỉnh miền Bắc Afghanistan với sản lượng bắt đầu từ 1.000 tấn/ngày. Ban đầu, chính quyền do Taliban điều hành sẽ có 20% cổ phần trong dự án, sau đó sẽ tăng dần lên 75% để phù hợp với sản lượng ngày càng tăng. Taliban trông đợi dự án này sẽ tạo ra 3.000 việc làm cho người dân địa phương.

Đây là thỏa thuận đầu tư có quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8-2021.

Theo đuổi lợi ích chiến lược

Mặc dù không công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Bắc Kinh công nhận rằng lực lượng này đang kiểm soát quốc gia láng giềng có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn, đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển an ninh năng lượng, cũng như kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới. Vì vậy, trong khi các nhà ngoại giao phương Tây tháo chạy khỏi Kabul sau thời điểm Taliban lên nắm quyền, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn ở lại.

Theo giới chuyên gia, động thái quyết định ký kết thỏa thuận với Taliban của Trung Quốc nhằm mục đích đảm bảo vấn đề an ninh an năng lượng của quốc gia. Là quốc gia đông dân nhất thế giới và là một "gã khổng lồ" về công nghiệp, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Nước này không có đủ nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu năng lượng liên tục tăng cùng với đà phát triển kinh tế. Do đó, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn của thế giới. Đây cũng là lý do Bắc Kinh gần đây thúc đẩy quan hệ đối tác với Nga, Ecuador và các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Dù mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia này vẫn bền chặt, hoạt động nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh đã bị cản trở. Nguồn tài nguyên từ những quốc gia này, ngoại trừ từ Nga, phải được nhập khẩu bằng đường biển và đi qua các điểm nóng chiến lược. Nhận ra hạn chế này, trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tìm cách hội nhập Á - Âu bằng cách xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên lục địa, xây dựng các tuyến hậu cần mới có thể cho phép hàng hóa ra vào Trung Quốc mà không gặp trở ngại từ phía Mỹ.

Sẽ không có kế hoạch chiến lược nào, bao gồm cả BRI, hoàn thiện nếu không có sự hợp tác của Afghanistan. Quốc gia Trung Á này có chung đường biên giới ngắn với Trung Quốc và là ngã tư giữa Trung Đông, Trung và Nam Á. Điều này có nghĩa là Kabul đang là một phần quan trọng trong chiến lược và an ninh của Trung Quốc.

Afghanistan cần thu hút nguồn đầu tư nước ngoài

Đối với Afghanistan, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để giúp tái thiết đất nước sau chiến tranh, vực dậy nền kinh tế đã bị rơi xuống đáy, kể từ sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Á này. Giới chuyên gia nhận định rằng chưa bao giờ trong nhiều thập kỷ, Afghanistan lại có cơ hội nhận được số tiền đầu tư lớn như vậy.

Có thể thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc và nỗ lực củng cố quan hệ kinh tế với Taliban là vì lợi ích quốc gia và chiến lược. Thông qua thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tôn trọng tình hình chinh trị ở Afghanistan, theo nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác. Bắc Kinh tin rằng bằng cách đầu tư vào Afghanistan, họ có thể giúp đất nước này ổn định hơn nhờ thịnh vượng. Do đó, mô hình đầu tư của Trung Quốc được đánh giá là điều mới mẻ, tích cực và mang tính khác biệt cho Afghanistan, thay vì áp đặt lệnh trừng phạt như Mỹ. Đây là yếu tố tích cực và khác biệt mà Trung Quốc tạo ra so với hơn 20 năm Mỹ sa lầy trong chiến tranh ở Afghanistan.

AN BÌNH