Báo Công An Đà Nẵng

Đằng sau vụ cháy tàu ngầm của Nga

Thứ năm, 04/07/2019 10:15

Hỏa hoạn bùng phát trên tàu ngầm nghiên cứu dưới biển sâu của Hải quân Nga vào hôm 1-7 (giờ địa phương) ở cảng Severomors và khói từ ngọn lửa đã khiến 14 thủy thủ trên tàu thiệt mạng, Bộ Quốc phòng Nga ngày 2-7 (giờ địa phương) ra thông báo cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu họp khẩn về vụ cháy tàu ngầm.  Ảnh: AP

AFP ngày 3-7 đưa tin: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2-7 (giờ địa phương) gọi vụ cháy tàu lặn khiến 14 sĩ quan hải quân thiệt mạng là một “mất mát lớn”, đồng thời ra lệnh điều tra toàn diện vụ việc. Tổng thống Putin nhấn mạnh “đây là một mất mát lớn cho Hải quân cũng như cho toàn bộ quân đội”, đồng thời chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu “tìm ra nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này”. Ngoài ra, ông cũng gửi lời chia buồn và đề nghị hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ việc này.

Nga mất 2 anh hùng và 7 sĩ quan cấp cao

“Đây không phải tàu bình thường mà là tàu nghiên cứu”, Tổng thống Putin nói trong cuộc họp khẩn với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu.

Tổng thống Putin cho biết, thủy thủ đoàn trên tàu ngầm gặp nạn đều là những người chuyên nghiệp, có năng lực.  Và ông nói thêm, trong số những người thiệt mạng trong vụ cháy tàu lần này có 7 sĩ quan hải quân cấp cao và 2 anh hùng Nga. “Hai trong số các thủy thủ thiệt mạng từng được trao danh hiệu Anh hùng Nga”, danh hiệu cao quý nhất của nhà nước Nga, 7 thủy thủ khác là các đại tá hải quân”, ông nhấn mạnh.

Hỏa hoạn bùng phát trên tàu ngầm nghiên cứu dưới biển sâu của Hải quân Nga vào hôm 1-7 (giờ địa phương) ở cảng Severomors và khói từ ngọn lửa đã khiến 14 thủy thủ trên tàu thiệt mạng, Bộ Quốc phòng Nga ngày 2-7 ra thông báo cho biết. Hiện chưa xác định nguyên nhân gây cháy. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan An toàn Hạt nhân và Bức xạ Na Uy Per Strand dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho rằng, đám cháy bùng phát có thể là do nổ khí gas. Giới chức Na Uy cũng thông báo không phát hiện mức độ phóng xạ cao bất thường sau khi tàu lặn của Nga cháy ở khu vực biển Barents.

Là khí tài tuyệt mật?

Trong tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng không cho biết có bao nhiêu thủy thủ trên tàu, hoặc có ai sống sót hay không nếu nó bị nhấn chìm vào thời điểm đó.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ Quốc phòng Nga không công khai nhiều thông tin về vụ tai nạn và việc có nhiều sĩ quan cấp cao trên tàu cho thấy đây có thể là một khí tài tuyệt mật của quân đội nước này. Các phương tiện truyền thông Nga cũng nói rằng, mẫu tàu ngầm bị cháy  lần này có thể là một phần của dự án tàu ngầm do thám biển sâu tuyệt mật mang tên AS-12 Losharik cùng với tàu ngầm “mẹ” BS-64 Podmoskovye. Theo giới quan sát, đó có thể là lý do khiến Tổng thống Putin, vốn từng bị chỉ trích vì cách xử lý thảm họa tàu ngầm hạt nhân Kursk năm 2000 khiến 118 thủy thủ thiệt mạng, hủy các sự kiện đã lên lịch trình và ngay lập tức triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu để họp khẩn về vụ cháy. Tổng thống Putin yêu cầu Bộ trưởng Shoigu bay đến cảng Severomors, căn cứ chính của Hạm đội phương bắc của Nga, nơi tàu được đưa đến, để giám sát cuộc điều tra và báo cáo lại cho ông.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm trên bốc cháy khi đang khảo sát đáy biển. Trong tuyên bố, bộ này không nói rõ mẫu tàu ngầm bị cháy nhưng cho biết “nhờ hành động quên mình của thủy thủ đoàn, ngọn lửa đã được dập tắt”. Giới phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy, thủy thủ đoàn trên tàu ngầm gặp nạn nhiều hơn 14 người và vẫn có một số người sống sót sau sự cố. 

Và trong thông báo mới nhất, Điện Kremlin tuyên bố chi tiết về vụ cháy sẽ không được công bố rộng rãi bởi vụ việc này chứa đựng thông tin mật.

KHẢ ANH

Tàu ngầm Podmoskovye và Losharik được Nga thử nghiệm từ cuối năm 2016. Theo các nguồn tin, Moscow lên kế hoạch nâng cấp Podmoskovye từ năm 1999, nhưng khó khăn về kinh phí khiến dự án này chỉ được bắt đầu từ giữa năm 2015. Trong khi đó, Losharik được cho là ra đời chỉ vài năm sau khi tàu ngầm hạt nhân Kursk gặp nạn năm 2000. Nó hoạt động ở độ sâu 2.000-2.500 m ở Bắc Băng Dương hồi năm 2012, sâu gấp nhiều lần giới hạn lặn của tàu ngầm Mỹ (tầm 300-600m). Và theo các nguồn tin, Washington rất lo ngại trước sự xuất hiện của Losharik.