Đằng sau vụ đánh bom Bangkok
(Cadn.com.vn) - Trong khi cảnh sát Thái Lan tuyên bố đạt nhiều tiến triển trong công cuộc điều tra và xác định các nghi phạm đứng sau vụ đánh bom Bangkok, cơ quan tình báo quốc gia lại đang nhắm vào “các nghi phạm trong nước”, viện dẫn những căng thẳng đang gia tăng giữa các phe phái chính trị và lực lượng an ninh.
Dù Thái Lan tuyên bố đã bắt giữ 1 nghi phạm mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ và 1 nghi phạm đến từ Tân Cương (Trung Quốc) cũng như ra lệnh truy nã nhiều nghi phạm khác, động cơ vụ tấn công kinh hoàng này vẫn là một ẩn số.
Trong tuần qua, một phát ngôn viên cảnh sát nước này cho biết, các nghi phạm có liên quan đến tổ chức buôn lậu và buôn người trái phép và rằng, việc đánh bom là nhằm trả thù cuộc trấn áp gần đây của chính phủ Thái Lan về vấn đề buôn người.
Người dân đến cầu nguyện tại đền Erawan hôm 4-9. Ảnh: AP |
Còn nhiều nghi ngại
Tuy nhiên, thực tế quanh các vụ bắt giữ cũng như những tuyên bố điều tra đang làm dấy lên nhiều nghi ngại.
Nghi phạm đầu tiên, bị bắt trong căn phòng thuê ở ngoại ô Bangkok giữa đống vật liệu chế tạo bom và một chồng hộ chiếu giả, tỏ ra rất bình thản. Nghi phạm thứ hai bị bắt ở biên giới Thái Lan-Campuchia và được tuyên bố là mang theo ba lô có chứa áo thun màu vàng giống như hình ảnh nghi phạm được nhìn thấy trong đoạn băng ghi tại hiện trường vụ tấn công. Theo Diplomat, nghi ngờ càng gia tăng khi hình ảnh chiếc đai đánh bom tự sát được phát sóng trên truyền hình sau tuyên bố bắt giữ nghi phạm đầu tiên bị rút lại mà không có lời giải thích nào.
Giới phân tích an ninh và phương tiện truyền thông liên tục nói về mối liên quan giữa vụ đánh bom với việc Thái Lan mới đây trục xuất hơn 100 người dân tộc Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Theo lý thuyết này, một nhóm cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ dàn dựng các cuộc tấn công để trả thù những người anh em Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, có nhiều lỗ hổng trong lý thuyết này, trong đó có quan điểm người Duy Ngô Nhĩ không thể nhanh chóng tổ chức một cuộc tấn công lớn và tinh vi như vậy.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, người Duy Ngô Nhĩ không đứng sau vụ tấn công và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với Thái Lan. Nhiều nguồn tin lưu ý, chính quyền cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Yingluck Shinawatra từng trục xuất các nhóm người Duy Ngô Nhĩ nhỏ hơn mà không bị đe dọa hoặc trừng phạt. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thái Lan cũng bày tỏ hoài nghi trước những thông tin nói rằng, các công dân nước này liên quan đến vụ đánh bom.
Mâu thuẫn nội tại
Theo giới phân tích, thời điểm xảy ra vụ tấn công là điều đáng quan tâm.
Quả bom phát nổ một ngày trước khi chính quyền quân sự cải tổ nội các và một ngày sau sự kiện Thái tử Maha Vajiralongkorn đạp xe mừng sinh nhật mẹ, vốn thu hút hàng ngàn người tham gia. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bày tỏ hy vọng, sự kiện này sẽ giúp người dân củng cố tình đoàn kết sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái. Cả hai sự kiện bị ảnh hưởng bởi vụ nổ: việc trình danh sách cải tổ lên Quốc vương bị trì hoãn và có nhiều thay đổi trong khi chiến dịch quảng bá cho sự kiện “Đạp xe vì Mẹ” lần tiếp theo cũng bị lu mờ. Danh sách cải tổ quân đội và cảnh sát mới nhất cho thấy quyền lực của Thủ tướng chính quyền quân sự Prayuth Chan-ocha và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan được củng cố.
Giới chức Thái Lan phủ nhận vụ đánh bom là hành động khủng bố quốc tế, động thái mà giới phân tích đánh giá là nhằm mục đích bảo vệ ngành công nghiệp du lịch quan trọng của quốc gia Chùa Vàng. Đáng chú ý, Bangkok tránh đổ lỗi cho quân nổi dậy Hồi giáo Malay hiện đòi tự trị tại khu vực cực nam. Hiện nay, các quan chức Thái Lan chấp nhận hỗ trợ quốc tế nhất định về trang thiết bị và tư vấn, nhưng vẫn kiên quyết không muốn cùng họ điều tra. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một cách để che lấp những xung đột chính trị phức tạp đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm ở nước này.
Khả Anh