Báo Công An Đà Nẵng

Đánh bại ông Trump năm 2020 - “Nhiệm vụ lớn” cho đảng Dân chủ

Thứ hai, 07/01/2019 09:24

Giám sát chặt chẽ với một chương trình nghị sự tích cực nhằm thay đổi không khí chính trị ở trong nước là những việc mà đảng Dân chủ phải làm để có thể đánh bại Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2020.

Việc bà Nancy Pelosi lên nắm quyền ở Hạ viện đặt ra nhiều thách thức cho Tổng thống Donald Trump. Trong ảnh: Bà Pelosi tranh cãi với Tổng Trump trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Quốc hội mới của nước Mỹ đã bắt đầu làm việc. Cơ quan quyền lực này lại một lần nữa bị chia rẽ khi đảng Dân chủ lên nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Sau 2 năm đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, đảng Dân chủ hiện là phe chiếm đa số ở Hạ viện, nắm 235 trên tổng số 435 ghế sau chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11-2018.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi đã được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Đây là lần thứ 2 bà Nancy Pelosi nắm giữ chức Chủ tịch Hạ viện. Bà là nữ nghị sĩ đầu tiên trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi giữ chức vụ này trong nhiệm kỳ từ năm 2007-2011, sau đó các nghị sĩ đảng Cộng hòa nắm giữ đa số tại Hạ viện. Giờ đây, quay lại vị trí quyền lực sau 8 năm, vị nữ chính trị gia dày dạn kinh nghiệm này dường như sẵn sàng đối đầu với đối thủ mới là Tổng thống Donald Trump, một nhà lãnh đạo luôn bốc đồng và khó đoán định.

Và với sự trở lại của bà Pelosi, cuộc chiến trong nội bộ Quốc hội Mỹ cũng như với chính phủ Tổng thống Trump sẽ càng căng thẳng. Nhiệm vụ khó nhằn nhất của người phụ nữ quyền lực nhất Washington là giữ ông Trump trong tầm kiểm soát. Và nhiệm vụ quan trọng nhất là sẽ dẫn dắt Hạ viện trong suốt cuộc bầu cử năm 2020 với mục tiêu giúp đảng của bà đánh bại tổng thống đảng Cộng hòa. 

Những gì tiếp theo cho nước Mỹ bây giờ là tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ, và cách họ nghĩ rằng Quốc hội có thể giúp ứng cử viên của đảng đánh bại Tổng thống Trump.

Minh bạch

Điều đầu tiên là minh bạch. Tất cả các ứng viên tổng thống được các đảng lớn đề cử nên công khai thuế. Nếu cái giá chính trị của việc này là các thành viên của Quốc hội cũng công khai thuế thì đó là một phần thưởng đáng giá. Minh bạch cũng nên là chủ đề về cách đảng Dân chủ đối phó với nhiều cuộc điều tra về Tổng thống Trump. Quốc hội nên bàn đến việc liệu tổng thống có thể bị truy tố hay không. Và, điều quan trọng nhất là nên tránh xa luận tội trừ khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra bằng chứng về một điều gì đó gần với việc phản bội nước Mỹ. Thay vào đó, những gì Hạ viện của đảng Dân chủ nên làm là sử dụng quyền lực giám sát của mình một cách mạnh mẽ, điều tra chính quyền hoặc thúc đẩy chính trị. Chỉ cần tìm ra sự thật vào năm tới và để cử tri quyết định.

Cơ hội

Ở đây, đảng Dân chủ cho thấy chính sách kinh tế của họ có thể là gì - ít nhất là một số trong số đó - và đối phó với vấn đề nhập cư. Chắc chắn, đảng Dân chủ nên thông qua dự luật nhập cư toàn diện mà họ ủng hộ. Đây là thời điểm vàng: Nền kinh tế vẫn có thể “hấp thụ” nhiều công nhân hơn. Thật vậy, nó sẽ được hưởng lợi từ việc thêm người tiêu dùng trẻ tuổi. Hãy cho người dân biết ai được phép ở lại - có kỹ năng hoặc không có kỹ năng? Từ những quốc gia nào? Số lượng bao nhiêu và tại sao? Đảng Dân chủ cũng nên thể hiện cái nhìn của mình về nền kinh tế - làm thế nào để nuôi dưỡng tăng trưởng và phân phối thu nhập sau thuế một cách công bằng hơn. Sau đó, thêm ý tưởng để giúp những người lao động có tay nghề thấp điều chỉnh nền kinh tế mới nổi - đây có thể là nơi “sản sinh” các chính sách như đào tạo nghề, trợ giúp tái định cư và cải cách vốn vay cho sinh viên.

Không nói dối như ông Trump

Bằng chứng mới nhất về “bậc thầy” nói dối của Tổng thống Trump, là ông đã 7.600 nói dối kể từ khi nhậm chức, trung bình vào năm 2018 là 15 lần/ngày, theo tờ Washington Post. Đây rõ ràng là thách thức cho mọi cử tri trên mọi sự kiện - về khoa học, luật pháp, chính sách đối ngoại hoặc kinh tế... Điều này rõ ràng là không thể chấp nhận. Và tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhóm của bà cần phải cẩn thận mỗi ngày trước ông chủ Nhà Trắng.

Chăm lo chính sách môi trường

Thiệt hại hữu hình lớn nhất của Tổng thống Trump là chính sách môi trường - sau khi ông ký sắc lệnh xóa bỏ các quy tắc và điều khoản về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, vốn được coi là di sản từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Vì vậy, việc chăm lo chính sách môi trường hiện nay là nhiệm vụ sống còn của đảng Dân chủ khi lên nắm quyền ở Hạ viện.

KHẢ ANH