Dành cả đời người giữ hồn nghề gối cung đình Huế
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (99 tuổi, trú xã Hương Cần, TX Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) là người hiếm hoi còn biết may gối trái dựa, loại gối từng được sử dụng phổ biến trong hoàng cung để vua, quan triều Nguyễn gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi ngâm thơ, đọc sách.
Cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ tỉ mỉ cho ra đời những chiếc gối trái dựa mang đậm nét văn hóa Huế.
Duyên với nghề
Bà Trí Huệ là vị Tôn Nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng). Năm 17 tuổi cô gái Trí Huệ được tuyển vào cung phục vụ may vá, thêu thùa cho bà Từ Cung hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại). Đó cũng là cơ duyên đưa bà đến với nghề may gối trái dựa.
Một chiều tháng mười, trời Huế mưa rả rích, trong căn nhà cấp bốn tại làng quê yên bình Hương Cần, cụ bà Trí Huệ lom khom tỉ mỉ luồn kim, cắt vải. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng đôi tay bà cứ thoăn thoắt từng đường kim, mũi chỉ. Nghỉ tay bà kể cho tôi về những ký ức thời niên thiếu, những câu chuyện hoàng cung mà chắc rằng không có trang sử nào chép lại. Giọng nói yếu ớt, run run, bà kể: “Tôi học may tại nhà thầy Bộ lễ nên có biết chút ít về nghề may gối trái dựa.
Qua những lần thấy thầy may tôi học lóm sau đó dựa theo những đường nét của chiếc gối cũ đã hỏng, lâu dần tôi thuộc nghề”. Tuy nhiên để làm ra chiếc gối trái dựa không chỉ là kỹ thuật may khâu mà người thợ may còn phải am hiểu về văn hóa và quy tắc: “gối cho vua phải đủ 5 lá trên gối và phải thêu hình rồng thể hiện sự uy quyền, gối của Hoàng Thái Hậu, phi tần và các quan phải đủ 4 lá, chọn màu vải cũng hết sức quan trọng, thường màu vàng chỉ dành cho vua, các phi tần hoặc quan có thể sử dụng màu xanh, màu lục, màu tím...", bà kể. Tự nhận mình đã có tuổi nên bản thân hơi lẩm cẩm, nhưng trong lời kể của bà nhớ tỉ mỉ như in cách làm chiếc gối trái dựa thời đó. Trong căn nhà nhỏ vùng ngoại ô yên bình, cứ thế tôi đắm chìm trong bức tranh về cuộc sống triều Nguyễn qua hồi ức từ chính chứng nhân lịch sử.
“Tia sáng” hồi sinh
Năm tháng thăng trầm trôi qua, bà Trí Huệ rời cung về quê sống cùng con trai tại xã Hương Cần. Khoảng thời gian sau đó ở vùng đất Thần Kinh không còn nhiều người biết đến gối trái dựa. Đau đáu phục hồi nghề truyền thống nhưng cuộc sống cơ cực khiến bà không thể tiếp tục duy trì với nghề. Thời điểm đó nghề may áo dài lại thịnh, cả nhà phụ thuộc vào chiếc bàn may lạch cạch để sống. Thỉnh thoảng bà tận dụng những mảnh vải còn dư để may gối cho đỡ nhớ nghề.
Bẵng đi một thời gian, những chiếc gối trái dựa dường như chỉ còn xuất hiện trong các áng thờ, lăng vua và quần thể di tích Kinh thành Huế. Quyết không để nghề thất truyền, bà mong muốn được truyền nghề lại cho nhiều người. Hiểu được tâm tư của bà, con cháu trong gia đình là những học trò đầu tiên. "Biết được mong muốn của mẹ và muốn lưu lại những văn hóa của cha ông, tôi học dần rồi phụ mẹ, làm một thời gian rồi cũng quen, đến nay đã biết cách làm thuần thục”, chị Lê Thị Liền - con dâu cụ Huệ- cho biết.
Đang lúc tuổi xế chiều, cơ duyên cụ Huệ gặp một nhà nghiên cứu muốn phục dựng lại những truyền thống của Huế. Từ đó nghề làm gối cung đình có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ. Bà cùng con dâu và cháu gái bắt đầu may những chiếc gối trái dựa. Từ đây, nghề làm gối cung đình như được sống lại, bà vui mừng và có những đơn hàng đầu tiên từ những vị khách yêu văn hóa Huế. Hiện tại, trong căn nhà nhỏ của cụ Trí Huệ, ngày ngày, ba thế hệ, mỗi người một công đoạn vẫn miệt mài cùng nhau cho ra đời những chiếc gối trái dựa. Nghề làm gối cung đình đang dần được hồi sinh…
Hoài Nhân