Đánh cược mạng sống để đến “miền đất hứa” (Bài 2: Tương lai tù mù trên xứ sở sương mù)
Mong được đổi đời, con đường xuất ngoại sang Vương quốc Anh bằng con đường bất hợp pháp không chỉ khiến những lao động Việt gặp vô vàn hiểm nguy mà còn đánh cược bằng chính mạng sống của mình. Vay mượn một số tiền lớn để “đi chui” sang Anh, những lao động nhập cư bất hợp pháp này cũng thường làm những công việc bị pháp luật nước sở tại cấm. Chính vì vậy họ phải sống chui nhủi, bởi nếu bị bắt sẽ bị trục xuất về nước sẽ “ôm nợ” không biết lấy gì để trả.
Anh L. kể về chuyến xuất ngoại đầy bão táp của mình. |
Thêm 4 trường hợp ở Nghệ An trình báo mất liên lạc với người thân lao động ở Anh Đại tá Lê Khắc Thuyết- Phó Giám đốc CA tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài 14 trường hợp trình báo về việc mất liên lạc với người thân khi đi XKLĐ tại Anh, lực lượng CA vừa tiếp nhận thêm 4 trường hợp khác. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có 18 gia đình trình báo về việc mất liên lạc với người thân khi đi lao động tại Anh. Những gia đình này trình báo mất liên lạc với con chủ yếu vào hai ngày 22 và 23-10. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát, đồng thời xác minh, thu thập các thông tin về những trường hợp mất liên lạc gửi Bộ Ngoại giao. D.H |
Hành trình vượt “kiếp nạn”
Nhớ lại hành trình nhập cư bất hợp pháp đến Anh cách đây 7 năm, anh T.V.L (47 tuổi, trú H. Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn còn rùng mình, kinh hãi. Bị bỏ đói, khát giữa rừng Serbia, chui container nhiều lần bị phát hiện. Chui nhủi hơn 2 tháng trời mới tới được nước Anh. Giấc mơ trồng “cỏ” (cần sa) bị phát giác, anh đã bị cảnh sát bắt, bị bỏ tù và sau đó bị trục xuất về nước với món nợ hơn 600 triệu đồng.
Trước đây, anh L. là công chức nhà nước, cuộc sống của vợ chồng anh cũng không đến nỗi tệ, nhưng khi thấy một người bạn phất lên sau chuyến đi Anh nên anh L. nuôi mộng đổi đời. Sau nhiều lần thuyết phục, vợ anh L. đã miễn cưỡng đồng ý để anh đi Anh. Anh L. tìm gặp bạn bày tỏ ý định của mình mong được giúp đỡ. “Để sang được nước Anh phải chi phí 22.000 USD cho hành trình “đi cỏ”, hoặc 28.000 USD cho hành trình “đi VIP”- người bạn của anh L. cho biết. Gấp rút làm hồ sơ, cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng, vay mượn thêm người thân, bạn bè... “Nộp cho người ta hơn 600 triệu đồng mà ngay bản thân mình cũng không rõ nơi đến nó sẽ như thế nào”, anh L. chia sẻ.
Hành trình xuất ngoại của anh bắt đầu từ cuối tháng 8- 2012. Anh L. kể, anh cùng 11 người khác tập trung tại Hà Nội để bắt đầu cuộc hành trình với giấc mơ đổi đời. Sau khoảng 10 giờ bay, quá cảnh tại Matxcơva (Nga), đoàn đến thủ đô Beograde, rồi di chuyển về tỉnh Subotica, phía bắc Serbia, tiếp giáp với Hungari. Sau một tuần vật vã chờ đợi thì đoàn nhận được thông tin lên đường. Khoảng 2 giờ sáng, cả đoàn được đưa ra ngoại ô Subotica theo hướng biên giới Hungari. Khi đến một cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn thì tất cả xuống xe để cuốc bộ vào rừng. Quá trình di chuyển, để đảm bảo bí mật, không bị người dân hay cảnh sát Serbia phát hiện, “người dẫn đường” yêu cầu mọi người di chuyển với tốc độ nhanh. Đến tối thì đến điểm tập kết. Đây là một khu rừng hoang vắng, nằm cạnh đường biên giữa hai nước Serbia và Hungari.
“Bắt đầu từ đây chúng tôi phải trải qua những ngày có thể coi là đen tối nhất trong chuyến hành trình của mình. “Người dẫn đường” ôm 30.000 Eur một đi không trở lại, 5 ngày đêm chúng tôi bị bỏ đói giữa rừng, phải tìm trái cây rừng chống đói, uống bất cứ thứ nước gì đọng lại trên nền đất, lá cây. Đêm lạnh nhưng không được đốt lửa vì sợ bị phát hiện nên cả đoàn bảo nhau mang thêm đồ ấm, dồn lá khô thành đống, nằm chen chúc vào nhau cho đỡ rét. Chuyến đi bất thành, chúng tôi quay trở về Subotica để chờ cơ hội khác”, anh L. thuật lại.
Sau đó, anh L. tìm đường sang Pháp trót lọt, nhưng chuyến container chở thịt gà đông lạnh từ bến cảng Calais (Pháp) sang Anh quốc suýt nữa anh biến thành người “thiên cổ”. Tại bến cảng Calais, anh L. cùng 17 người khác được đưa lên một chiếc container đông lạnh, chở thịt gà từ Châu Âu sang Anh quốc.
Anh L. trầm ngâm nhớ lại: “Nghe kể về nhiều trường hợp chết trong container, tôi hơi chùn bước, song khi nghĩ đến món nợ từ quê nhà, tôi tặc lưỡi bước lên. Sau khi tất cả đã yên vị, cánh cửa container đóng lại, ngăn cách với thế giới bên ngoài. Từ đây, sống hay chết, thành công hay thất bại đều phó thác cho sự may rủi. Trong container chúng tôi buộc phải ngồi trực tiếp lên những túi thịt gà đã đông cứng. Cứ sau khoảng 5 phút, máy điều hòa lại xả khí lạnh vào để bảo quản hàng hóa, khiến chúng tôi tê cóng. Xe chuyển bánh được tầm 2 giờ đồng hồ thì dừng lại, cánh cửa mở ra và những người đón chúng tôi là… cảnh sát Anh quốc. Chuyến vượt biển thất bại, chúng tôi bị cảnh sát Anh bàn giao cho cảnh sát Pháp.
“Vỡ mộng” làm giàu
Do không có nơi giam giữ, cảnh sát Pháp đã phải thả tự do cho anh L. Quyết tâm phải sang được “miền đất hứa”, anh L. tiếp tục chuyến đi thứ 2 cũng bằng con đường container và chuyến này đã trót lọt. Kết thúc chuỗi ngày gian nan, dấn thân vào cuộc chạy đua kiếm tiền trả nợ, anh L. đã chọn con đường trồng “cỏ” (cần sa), sống chui rúc, lầm lũi một mình.
“Làm được một mùa, chỉ mới thu được khoảng 120 triệu đồng thì mình bị cảnh sát bắt. Với tội nhập cư trái phép và tội trồng cần sa, mình bị xử 6 tháng tù. Thụ án được 3 tháng thì mình được thả và bị trục xuất về nước. Món nợ 480 triệu đồng còn lại cho chuyến xuất ngoại vẫn còn đeo đẳng mình cho tới bây giờ”, anh L. chua xót nói.
Cũng “vỡ mộng” làm giàu phi pháp trên đất Anh, anh K.C.B (35 tuổi, trú thị xã Hồng Lĩnh) kể, học xong cấp 3, nghe bạn bè rủ rê nên anh xin bố mẹ được xuất ngoại sang Anh quốc. Vay mượn số tiền lớn để nộp cho “đường dây”, anh B. cũng được đưa đi theo dạng “chui” sang Nga, Đức, Pháp rồi mới tới Anh. Tuổi đời còn non nớt, phải chứng kiến sự cực khổ, cướp bóc, tranh giành lãnh địa, tranh giành khách hàng và giết hại lẫn nhau để đến được “miền đất hứa” là một điều hết sức kinh hãi đối với B. lúc bấy giờ. Với B., hành trình làm giàu bằng con đường phi pháp trên đất Anh cũng không hề dễ dàng gì. Trồng “cỏ” bị cảnh sát bắt là còn may mắn, chứ để cướp phát hiện xông vào thì tính mạng còn nguy cấp hơn.
Tại “thiên đường” Anh quốc, B. làm đủ nghề, từ lái xe, phục vụ nhà hàng, làm nail... Tuy nhiên, những việc này thu nhập mang lại không được cao lắm nên chuyển sang trồng “cỏ”. Cỏ có 2 loại, “cỏ nếp” trồng một vụ mất 12 tuần, còn “cỏ tẻ” thì mất 11 tuần là thu hoạch được. Thế nhưng, khi vụ “cỏ nếp” đến kỳ thu hoạch thì bị cảnh sát phát hiện, bắt và giam giữ một thời gian, sau đó thì trục xuất về nước, đó là năm 2010. “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nợ hơn 300 triệu đồng từ phi vụ xuất ngoại đó”- anh B. cho biết.
N.V.T (35 tuổi), cũng là một công dân ở thị xã Hồng Lĩnh kể, được giấu trong một chiếc ô-tô con, đưa qua phà ở cảng Calais, đi sâu vào London để gặp đối tác người Việt Nam giúp tìm việc vào năm 2007. Đó là hình thức đi VIP, mất 8.000 Eur. Theo anh, người nhập cư bất hợp pháp ở Anh làm nhiều nghề, nhưng nghề đem lại lợi nhuận cao nhất là trồng cỏ.
“Thời gian đầu tôi học làm nail với mức lương 500 bảng một tuần. Đây là việc nhàn hạ, chỉ cần siêng năng, chịu khó, một tháng kiếm được 2.000 bảng Anh, thừa gửi về quê cho gia đình, song đã sang đây là phải hơn thế. Và tôi tìm đến một số ông chủ người Việt. Với 12 tuần để thu hoạch vụ cỏ đầu tiên với số tiền trong mơ, hơn 10.000 bảng Anh”, Thái cho biết. Cũng theo Thái, sau một thời gian, khi các cư dân bản địa ở đó ngửi thấy mùi khả nghi bốc ra từ căn nhà nên báo cảnh sát. Bị bắt, bỏ tù 6 tháng, anh được chuyển qua trại tị nạn, rồi tìm đường về quê.
(còn nữa) XUÂN SƠN