Báo Công An Đà Nẵng

Đánh cược mạng sống để đến “miền đất hứa” (Bài cuối: Nhất giàu sang, nhì mất mạng)

Thứ năm, 31/10/2019 15:33

Trong thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các nước Châu Âu, Vương quốc Anh được xem là nước có nguồn thu nhập cao nhất. Chính vì vậy, nhiều người lao động khi đã làm việc tại một số nước như Pháp, Đức, Rumani... đều mong muốn bằng mọi giá phải đến được Anh. Trong cuộc chạy đua ấy, người may mắn thì vượt biên trót lọt còn người kém may mắn phải đổi mạng ở xứ người.

Một góc xã Đô Thành, H. Yên Thành (Nghệ An) được xem là “làng tỷ phú” với nhiều biệt thự, nhà lầu mọc lên.

“Làng tỷ phú” ở xứ Nghệ

Những năm 80 của thế kỷ trước, xã Đô Thành, H. Yên Thành (Nghệ An) bao quanh là đồng ruộng, quanh năm ngập nước, đời sống vô cùng khó khăn. Không chấp nhận cuộc sống vất vả, nhiều thanh niên trong làng đã tập tành làm mộc, buôn gỗ. Ban đầu, sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, được nhiều người ưa chuộng nhưng một thời gian sau, khi thị trường gỗ mỹ nghệ dần bão hòa, sản phẩm làm ra ế ẩm, làm ăn thua lỗ, họ đã bỏ nghề tìm hướng đi mới. Từ những mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán, người dân bắt đầu thực hiện “ước mơ đổi đời” bằng con đường “xuất ngoại”.

Họ đánh liều vay mượn tiền bạc của người thân, bạn bè, thậm chí vay ngân hàng để làm “lộ phí” đi đến các nước phương Tây như Nga, Đức, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan... lao động kiếm sống. Thời điểm đó, việc làm visa đi XKLĐ dễ dàng, chỉ cần có một chút tư duy nhạy bén cùng với máu liều “làm giàu”, nhiều người đã dành dụm được một khoản tiền kha khá trang trải nợ nần và gửi về cho gia đình. Người sang trước làm ăn rồi dần dần họ kéo những người thân trong gia đình, anh em, họ hàng... đi theo, thậm chí có gia đình có đến 3, 4 người đi “Tây”. Thấy những người “xuất ngoại” làm ăn khá lên nên nhiều người dân ở xã Đô Thành và một số địa phương khác đã tìm đường XKLĐ như một phương cách để “thoát nghèo”.

Ông Nguyễn Xuân D. (1947, trú xã Đô Thành) có con trai và cháu nội đi làm ăn ở Đức chia sẻ, thời điểm đó hầu hết người dân tìm đến các nước Châu Âu như Đức, Anh, Nga, Ba Lan... làm ăn. Sang bên đó, để kiếm được đồng tiền gửi về cho gia đình, họ cũng phải làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa... Với bản tính cần cù, chịu khó, sức chịu đựng cao, nhiều người đã kiếm được một khoản tiền kha khá gửi về gia đình thay đổi cuộc sống. Cũng từ đây, nhiều người dân bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm xe máy, ô-tô đã biến quê nghèo Đô Thành bỗng sầm uất, náo nhiệt. Cũng từ đây, Đô Thành được mệnh danh là “làng xuất ngoại”, “làng tỷ phú” của xứ Nghệ.

Sở hữu căn biệt thự hơn vài tỷ đồng, với những tiện nghi gia dụng đắt tiền, anh Hoàng Văn Th. (1970, trú xã Đô Thành) cho biết: Kinh tế gia đình đã khó khăn, nhà lại đông con nên học xong lớp 9, tôi theo anh em họ hàng sang Đức làm ăn. Tuy con đường sang xứ người khổ trăm bề và nguy hiểm luôn rình rập nhưng đổi lại có chút tiền gửi về cho gia đình, thay đổi cuộc sống. “Giờ có chút vốn rồi nên tôi quyết định về quê đầu tư làm ăn, không xa gia đình nữa”, anh Th. nói.

Người dân xã Đô Thành hoang mang chờ đợi tin tức từ người thân.

Chấp nhận rủi ro,  thậm chí mất mạng

Gần chục năm trở lại đây, việc xin visa đi các nước Châu Âu và cơ hội việc làm ở đây trở nên khó khăn. Nhiều người dân Đô Thành quyết định về quê lập nghiệp, một số ở lại để đi sang các quốc gia khác tìm cơ hội mới, thậm chí nhiều người vì “giấc mơ đổi đời” mà đi theo con đường XKLĐ “chui”.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Đô Thành hiện có 1.450 người đang làm việc ở các nước Châu Âu, hơn 1.000 người buôn bán tại Lào, gần 500 người đang làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Hàng năm nguồn ngoại tệ gửi về khoảng gần 100 triệu USD.

Anh Hoàng Văn Th. cho biết, để sang được các nước Châu Âu chỉ có hai con đường duy nhất là đi XKLĐ hợp pháp ở các nước đã hợp tác lao động với Việt Nam hoặc mạo hiểm vượt biên để lao động “chui”. Tuy nhiên, ở các nước xuất khẩu hợp pháp như Ba Lan, Rumani, Nga... thường thu nhập không cao. Vì vậy, sau khi hết hợp đồng họ bỏ trốn ra ngoài lao động “chui” rồi tìm cách sang Anh nơi được coi là “miền đất hứa” về thu nhập cao. XKLĐ chui luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình đi nên số người dân Đô Thành đi làm ăn rồi bỏ mạng xứ người không ít. Nhiều người cũng chỉ vì điều kiện gia đình khó khăn mà phải liều mình bôn ba trời Âu mong cơ hội đổi đời.

Theo ông N.V.H. (trú H. Yên Thành, có con đang làm việc tại Anh) thì khi sang Anh nếu làm ăn chân chính như làm nail, spa... thì thu nhập tương đối bởi giá trị tiền Anh cao nên khi gửi về Việt Nam cũng được nhiều. Còn nếu làm việc bất hợp pháp như trồng “cỏ” thì thu nhập cao nhưng khi bị phát hiện sẽ bị phạt tù. Ngoài ra, nếu trộm cắp, buôn lậu, đánh nhau... thì bị trục xuất ra khỏi quốc gia đó. Nhiều gia đình bỏ ra số tiền lớn để thuê đường dây đưa con sang Anh, nhưng con cái họ làm việc phạm pháp bị trục xuất về nước sẽ trở thành gánh nợ cho gia đình.

Ông P.V.T. (người đang có con sinh sống ở Anh) kể: Ở Nghệ An, những gia đình có con muốn đi sang Châu Âu thì sẽ chủ động tìm mối xuất ngoại. Người môi giới sẽ trao đổi trực tiếp với gia đình hỏi đi nước nào, đưa ra mức giá cụ thể để xem gia đình chấp nhận được không. Thông thường, người dân Nghệ An sang CH Séc, Đức với chi phí khoảng 300 - 400 triệu đồng. Nếu chấp nhận thì người môi giới sẽ liên lạc với nhóm người ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc TP HCM báo tình hình về lao động và giá tiền. Nếu những người môi giới đồng ý thì người sẽ làm hướng dẫn người dân cách làm thủ tục, thường là đi theo đường du lịch, thăm người thân, XKLĐ, thậm chí là vượt biên trái phép.

Có trường hợp, lao động sẽ được đưa sang CH Séc, Rumani, Đức... làm ăn một thời gian, nếu thấy công việc khó khăn, lương thấp, muốn sang Anh làm để có thu nhập cao hơn thì người lao động tiếp tục tìm mối ở nước sở tại đó. Thường chi phí từ Đức, Pháp sang Anh khoảng 200 - 300 triệu đồng. Cũng có trường hợp ngay từ đầu, những người môi giới sẽ thỏa thuận với những gia đình có con muốn đi thẳng sang Anh thì chi phí sẽ cao lên rất nhiều khoảng 900 triệu đồng.

XKLĐ cũng là một cách để đổi đời, người may mắn sẽ kiếm được khoản tiền làm ăn nhưng cũng không ít người phải sống trong cảnh nợ nần, thậm chí bỏ mạng. Những ngày qua, khi nghe thông tin về 39 người tử vong trong container tại Anh, nhiều gia đình ở xã Đô Thành rất hoang mang, lo lắng bởi cùng thời điểm trên, họ đã mất liên lạc với các con của mình khi những người này đang trên đường di chuyển sang Anh. Đô Thành cũng là xã có số người mất liên lạc với gia đình nhiều nhất trong đợt này. Cả làng quê đang chìm trong nỗi buồn, u ám, hoang mang cực độ khi những hy vọng được nhìn thấy người thân bằng da, bằng thịt đã càng ngày càng tắt lịm dần...

D.H