Báo Công An Đà Nẵng

Đánh cược số phận

Thứ sáu, 01/11/2019 09:20

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã và đang giúp nhiều gia đình khấm khá hơn, cũng từ đó bộ mặt mới của nhiều vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh được  đổi thay với nhà lầu, xe hơi. Nhưng, cũng vì XKLĐ mà nhiều phận đời phải chấp nhận đánh đổi, đó là sự khổ cực, thậm chí “bán mạng” cho những chuyến vượt biên sang xứ người để mong có một cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn.

Xã Thiên Lộc có hơn 700 lao động tại Châu Âu, nơi có 5 lao động mất liên lạc trong dịp này.

* Ngày 31-10, Cơ quan ANĐT- CA Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước đó, theo trình báo của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 10 trường hợp mất liên lạc với gia đình khi trên đường sang Anh. Cụ thể, H.Can Lộc có 8 trường hợp, H.Nghi Xuân 1 trường hợp và thị xã Hồng Lĩnh 1 trường hợp. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu ADN của người thân các gia đình có trình báo người thân mất tích để gửi sang Anh phục vụ công tác xác định danh tính các nạn nhân.

Xã thuần nông xài toàn ngoại hối

Hơn 20 năm về trước, khi đặt chân đến xã Cương Gián (H. Nghi Xuân, Hà Tĩnh), người ta luôn cảm nhận về một làng quê bãi ngang nghèo nàn với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, với những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Ở đó, người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới kiếm ăn từng bữa. Bây giờ, nhắc đến làng xã Cương Gián, người ta nghĩ ngay đến là một trong những xã giàu nhất cả nước với những nhà lầu mọc lên san sát, đủ các màu sắc với kiến trúc hiện đại, sầm uất chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ.

Theo ông Hoàng Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián, toàn xã có khoảng 14.000 nhân khẩu nhưng mấy chục năm nay có tới 2.500 người đã đi XKLĐ. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, thậm chí, có gia đình 9-10 người. Chỉ tính riêng thị trường Malaysia và Đài Loan, năm ngoái, tiền gửi tín dụng của LĐXK gần 35 tỷ đồng. Giàu có là thế, nhưng để có được những đồng tiền ấy, các lao động phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả tính mạng.

Mấy ngày nay, Cương Gián cũng lao xao trước thông tin em Nguyễn Huy H. (2004) mất liên lạc trong dịp xảy ra “thảm họa” container ở Anh. Theo thông tin, bố mẹ H. cũng đang sinh sống và lao động trái phép ở Anh quốc. H. được cho là đi sang Anh đoàn tụ với bố mẹ, song điều không may đã xảy ra với em.

Tương tự, xã Thiên Lộc, H. Can Lộc (Hà Tĩnh) được biết đến là xã giàu lên nhờ XKLĐ. Trong số 1.279 người đi XKLĐ thì có tới 704 người đi XKLĐ ở Châu Âu. Phần lớn số người này có mặt tại “trời Âu” đều thông qua con đường bất hợp pháp. Đây là xã có số người nghi tử vong nhiều nhất trong thùng container ở Anh được trình báo lên chính quyền địa phương.

Ông Đặng Anh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết, Thiên Lộc là một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì kinh tế khó khăn nên người dân nơi đây quyết tâm “ly hương” để mong thoát kiếp đói nghèo. Phong trào đi nước ngoài tại địa phương bắt đầu nở rộ từ năm 1998- 1999. Thời điểm này, các gia đình chủ yếu đi nước ngoài theo diện chính sách, diện thương nghiệp. Những người này chủ yếu làm ăn khấm khá, họ gửi ngoại hối về nhiều nên phong trào đi XKLĐ tại địa phương này ngày càng tăng lên. Cũng theo ông Tuấn, trong số 704 lao động ở Châu Âu thì chỉ có số ít người nhập cư hợp pháp, vì họ được ở lại trong vòng mấy tháng rồi được gia hạn tiếp; một số người ở lâu thì họ làm được giấy tờ xin định cư...

Với 1.279 người đi XKLĐ, số này không chỉ là người dân, mà ngay cả cán bộ đang làm việc tại xã cũng xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Quả thật, nhiều gia đình ở Thiên Lộc nhờ có người nhà đi nước ngoài mà nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, khoảng 8 năm trở lại đây trên địa bàn xã Thiên Lộc có 4 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong. Không chỉ bị tử vong mà cũng không ít người đi XKLĐ bằng con đường “chui” trở về với khoản nợ lớn.

Tuýt còi nhiều đơn vị cung ứng lao động trái phép

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, rà soát hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng XKLĐ trên địa bàn trong thời gian qua. Qua đó, phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không có giấy phép hoạt động XKLĐ, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký XKLĐ, tổ chức cung ứng lao động trái phép. Cụ thể, có 6 công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH nhân lực Toàn Cầu HT; công ty TNHH Hợp tác Quốc tế VICTORY (TP Hà Tĩnh); công ty phát triển nhân lực quốc tế ASK tại TP Hà Tĩnh (năm 2018 chưa có giấy phép); công ty TNHH Hùng Hường (H. Can Lộc); công ty TNHH Nhân lực Việt Anh Kenzy (TX Hồng Lĩnh) và công ty Cổ phần Hợp tác Quốc tế Hoàng Gia (H.Cẩm Xuyên).

Ngoài ra, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng phát hiện nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ ngoại tỉnh chưa được Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động của các văn phòng trên địa bàn nhưng vẫn treo biển quảng cáo, tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động, tiếp nhận hồ sơ của người đi lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, 8 trường hợp là các chi nhánh, văn phòng bị phát hiện và xử lý vi phạm, gồm: Văn phòng công ty CP Xuất nhập khẩu CIP.CO IMEX; Văn phòng công ty TNHH Hợp tác lao động và Thương mại THABICO Thái Bình (H.Can Lộc); VP công ty cổ phần phát triển Việt Thắng (TP Hà Tĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần XNK và hợp tác Quốc tế Việt Nam (TX Hồng Lĩnh); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực IPM Việt Nam (H.Cẩm Xuyên); Văn phòng công ty Cổ phần Nhân lực TTC (H.Cẩm Xuyên và TX  Hồng Lĩnh).

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 72.236 người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.600 người. Riêng năm 2017 có 8.567 người, năm 2018 có 8.973 người, dự kiến năm 2019 có 8.500 người. Tính đến nay, Hà Tĩnh đang có trên 55.200 người đang làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động.

XUÂN SƠN