Báo Công An Đà Nẵng

Đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét: Chính xác, toàn diện và nhân văn hơn

Thứ sáu, 24/10/2014 11:04

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 15-10-2014, tại các trường tiểu học (TH) trong cả nước đã tiến hành thực hiện Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh TH theo hướng bớt dùng điểm số mà tăng cường nhận xét; chuyển dần từ hướng đánh giá xếp loại nặng về kiểm tra kiến thức sang nhận xét toàn diện tất cả các kỹ năng, phẩm chất và quá trình hình thành các năng lực ấy ở mỗi học sinh. Trao đổi về chủ trương này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục TH (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định cho rằng...

Quy định mới về đánh giá bậc Tiểu học có hiệu lực từ ngày 15-10. Ảnh minh họa

P.V: Xin ông cho biết với Thông tư 30, cách đánh giá học sinh TH có những điểm khác biệt gì so với trước đây và mục đích của sự thay đổi này là gì?

Ông Phạm Ngọc Định: Trước đây các thông tư quy định việc đánh giá kết quả học sinh chỉ quy định đánh giá cuối cùng trong từng giai đoạn học tập. Do vậy việc hướng dẫn giúp đỡ học sinh có nhiều hạn chế, khó khăn. Điểm mới của Thông tư 30 là coi trọng việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học tập thông qua những nhận xét (bằng lời nói hoặc lời viết) để giáo viên, phụ huynh và học sinh đó biết và kịp thời khắc phục.

Còn cuối mỗi kỳ học vẫn thực hiện đánh giá bằng cho điểm và kết hợp nhận xét. Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải quan tâm hơn và sâu sát hơn tới từng học sinh. Cách đánh giá này sẽ toàn diện, chính xác và nhân văn hơn. Đây cũng là mục đích của sự đổi mới này.

P.V: Tại sao Bộ GD-ĐT cho rằng đánh giá bằng nhận xét thì chính xác , toàn diện và nhân văn hơn cách chấm điểm trước đây?

Ông Phạm Ngọc Định: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin nêu một ví dụ cụ thể: Ví dụ học sinh học lớp 1, nếu trước đây dùng điểm số sẽ gây áp lực rất lớn vì không phải em nào cũng đạt chuẩn ngay. Nếu bị điểm kém liên tục thì sẽ nhụt chí.

Còn bây giờ, thay vì chấm điểm, cô giáo chỉ cần nhận xét, ví dụ như: Em đã nhận biết được chữ A, nhưng nét viết sổ còn chưa thẳng, nét viết cong chưa tròn, cần rèn thêm,... Với những lời nhận xét cụ thể này học sinh sẽ biết điểm yếu để rèn thêm. Như vậy mỗi ngày học sinh sẽ nhận ra sự tiến bộ của mình và dần dần sẽ tự tin hơn. Cách nhận xét như vậy cũng sẽ giúp phụ huynh biết điểm yếu của con em mình để kịp thời hỗ trợ.

P.V: Có giáo viên cho rằng, với một lớp học 40 em, thậm chí ở các thành phố như Hà Nội lên tới 60 em thì việc nhận xét từng học sinh sau mỗi giờ học, buổi học là quá tải, không thể thực hiện được, vì thế họ buộc phải nhận xét đối phó một cách chung chung? Bộ đã có hướng dẫn và tập huấn như thế nào để các giáo viên thích ứng với sự thay đổi này?

Ông Phạm Ngọc Định: Trên thực tế số học sinh trong mỗi lớp ở các khu đô thị tập trung đông nhưng đại đa số tại các tỉnh thì không nhiều như vậy. Theo thống kê, tỷ lệ trung bình bậc TH của cả nước là khoảng 30 học sinh/lớp. Vậy các thầy cô giáo ở khu đô thị sẽ vất vả hơn. Thông tư 30 có quy định nhận xét bằng lời nói trực tiếp hoặc lời viết.

Bài đơn giản thì cô giáo chỉ cần nói ngay với học sinh mà không cần ghi vào sổ hay phiếu. Không phải lúc nào cũng yêu cầu giáo viên phải ghi lời nhận xét. Giáo viên có thể vận dụng hình thức đánh giá thích hợp với hoàn cảnh thực tế cụ thể. Với những học sinh yếu kém cần sự hỗ trợ đặc biệt thì sẽ áp dụng phương pháp khác. Ngoài ra có thể sử dụng các đội ngũ hỗ trợ thêm.

Về nguyên tắc, học sinh nào cũng phải đánh giá, không được bỏ sót nhưng việc vào sổ theo dõi chất lượng thì chỉ ghi những điểm nổi bật, những nội dung cần thiết như “chưa hoàn thành nội dung nào” và những biện pháp nên giúp học sinh khắc phục hạn chế. Vì thế sẽ không có áp lực cho giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ này.

P.V: Bộ GD-ĐT đã có thử nghiệm nào trong thực tế về cách đánh giá mới này?

Ông Phạm Ngọc Định: Việc đánh giá bằng nhận xét không phải việc mới hoàn toàn. Trong nhiều năm chúng tôi đã yêu cầu giáo viên vừa dùng điểm số vừa nhận xét (lời phê) và các giáo viên cũng đã thực hiện nhưng với chủ trương mới hiện nay giáo viên sẽ sử dụng nhận xét nhiều hơn. Các giáo viên cũng đã có sự làm quen nên hiện nay hầu như đều thực hiện được.

Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét còn đánh giá định kỳ vẫn bằng điểm số kết hợp nhận xét không phải bây giờ mới thực hiện mà chúng tôi đã bắt đầu làm từ năm 2005 ở các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Đạo đức. Năm học này mở rộng áp dụng ở tất cả các môn học bậc TH.

Bên cạnh đó, chủ trương này đã được thực nghiệm trong 2 năm học qua tại gần 2.500 trường học thí điểm Mô hình trường học mới (VNEN), hầu hết là địa bàn vùng khó khăn, ít nhất mỗi huyện có 1 trường cho kết quả tốt.

Môi trường học tập thân thiện, vui vẻ, học sinh tiến bộ không chỉ về kiến thức mà còn được rèn nhiều kỹ năng khác. Tình trạng chạy đua học thêm cũng không có. Vì thế chúng tôi quyết định nhân rộng chủ trương này ra toàn quốc và tin rằng sẽ mang lại chuyển động tốt trong nhà trường TH.

P.V