Báo Công An Đà Nẵng

Đánh hay không đánh?

Thứ ba, 03/09/2013 09:35

(Cadn.com.vn) - Mỹ vẫn đang loay hoay trong quyết định có mở cuộc không kích tấn công Syria, quốc gia đang yêu cầu LHQ can thiệp để ngăn chặn bạo lực đẫm máu, hay không.

Trong khi mọi người lo lắng chờ “tiếng trống” khai chiến từ Mỹ, Tổng thống Barack Obama bất ngờ đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho Quốc hội.

Tại sao chờ Quốc hội quyết định?

Trái với kỳ vọng của đội ngũ an ninh quốc gia, trong buổi chiều thứ 6 khi đang tản bộ dọc theo bãi cỏ Nhà Trắng với nhân viên thân cận Denis McDonough, ông Obama đi đến quyết định định mệnh: đề nghị Quốc hội bỏ phiếu cho phép đánh bom Syria, qua đó trì hoãn hành động quân sự thêm ít nhất 9 ngày nữa.

Động thái này khiến bất kỳ ai cũng ngỡ ngàng. Bởi với tư cách là Tổng tư lệnh quân đội, Tổng thống Obama có thể phát động chiến tranh, như những người tiền nhiệm... mà không cần thông qua Quốc hội. Rõ ràng, hành động của ông chủ Nhà Trắng cho thấy một sự rối trí trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

LHQ dự kiến sẽ công bố kết quả về việc sử dụng VKHH ở Syria vào hôm nay (3-9). Ảnh: CNN

Chưa ai rõ lý do thực sự đằng sau quyết định này của Tổng thống Obama. Ông có thể muốn chia sẻ trách nhiệm về chiến lược mạo hiểm để trừng phạt chế độ Tổng thống Bashir al-Assad sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) chống lại người dân. Hoặc ông Obama có thể đã nhận ra mối nguy hiểm chính trị về việc tấn công một quốc gia Trung Đông mà không nhận được ủng hộ ở trong nước. Đó là chưa kể việc Quốc hội Anh cũng bỏ phiếu chống lại bất kỳ hành động quân sự đối với Syria, và Pháp cho biết sẽ không hành động mà không có Mỹ như một đối tác.

Có lẽ, Tổng thống Barack Obama cũng còn nhớ bài phát biểu gây bất ngờ của ông tại Cairo vào tháng 6-2009, “Sự kiện ở Iraq nhắc nhở Mỹ về sự cần thiết phải sử dụng ngoại giao và xây dựng sự đồng thuận quốc tế để giải quyết vấn đề bất cứ khi nào có thể”. Vì thế mà ông không muốn biến Syria thành Iraq hay ông muốn thực hiện “dấu ấn tốt đẹp”: Chính quyền Obama nỗ lực giảm bớt những dấu chân quân đội Mỹ ở nước ngoài, kéo tất cả quân đội ra khỏi Iraq và thiết lập một thời gian biểu cho việc rút quân chiến đấu khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.

Syria “nhờ” LHQ can thiệp

Trong khi đó, Syria cũng bất ngờ yêu cầu LHQ ngăn chặn “bất kỳ sự xâm lược nào” đối với Damascus.

Trong bức thư gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch HĐBA Maria Cristina Perceval, Phái viên Syria tại LHQ Bashar Jaafari kêu gọi: “Tổng thư ký cần gánh vác trách nhiệm ngăn chặn bất kỳ sự xâm lược nào đối với Syria và thúc đẩy các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này”. Ông Jaafari cũng kêu gọi HĐBA “duy trì vai trò như một cái van an toàn để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực vượt ra khỏi khung hợp pháp quốc tế”. Theo ông Jaafari, Mỹ nên đóng đúng vai trò của mình như một nhà tài trợ hòa bình và là đối tác với Nga trong việc chuẩn bị cho các hội nghị quốc tế về Syria chứ không phải là một nhà nước sử dụng vũ lực chống lại bất cứ ai chống lại chính sách của mình. Chính quyền Damascus cũng kêu gọi “Quốc hội Mỹ cho thấy sự sáng suốt”.

Thống kê của Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria công bố hôm 2-9 cho biết, có hơn 110.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Syria kể từ tháng 3-2011, trong đó có ít nhất 40.146 dân thường.

Damascus hiện kịch liệt bác bỏ những cáo buộc sử dụng VKHH và buộc tội cho phe nổi dậy. Theo CNN, LHQ có thể công bố bằng chứng về việc sử dụng VKHH ở Syria vào hôm nay (3-9). Nhưng kết quả này giờ có lẽ chỉ còn mang tính hình thức. Tổng thống Mỹ khẳng định “không còn nghi ngờ gì” về việc chính phủ Tổng thống Assad giết chết hàng trăm dân thường trong cuộc tấn công VKHH hôm 21-8. Còn Ngoại trưởng John Kerry cho biết, các mẫu tóc và máu có phản ứng dương tính đối với các dấu hiệu của chất độc sarin, đồng thời hối thúc Quốc hội bỏ phiếu cho hành động tấn công quân sự. Theo nguồn tin tình báo Pháp, kho VKHH của Syria có hơn 1.000 tấn chất hóa học, trong đó có loại chất độc mạnh hơn rất nhiều khí sarin.

Đó là lý do Mỹ vẫn điều tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng nhóm tàu tấn công đến Biển Đỏ để hỗ trợ cuộc tấn công nhằm vào Syria khi cần thiết. Nhóm tấn công của tàu Nimitz, bao gồm 4 tàu khu trục và một tàu tuần dương, không nhận nhiệm vụ cụ thể phải di chuyển đến Đông Địa Trung Hải vào thời điểm này, song đang di chuyển về phía Tây Biển Arab để có thể thực hiện điều này nếu được chỉ thị. Hiện Mỹ có 5 tàu khu trục ngoài khơi bờ biển gần Syria, gồm USS Stout, Mahan, Ramage, Barry và Graveley, tất cả đều sẵn sàng bắn tên lửa hành trình khi Tổng thống Obama phát lệnh.

Khả Anh