Báo Công An Đà Nẵng

Danh nhân văn hóa Đào Tấn

Thứ ba, 26/09/2017 09:39

Nhà thơ, nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn - danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Bình Định đã có những đóng góp to lớn vào di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nền nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam với những tác phẩm bất hủ.

Di sản đồ sộ mà Đào Tấn để lại cho hậu thế là một khối lượng kịch bản Tuồng, vở diễn Tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp với 1.000 bài thơ- từ, 40 vở tuồng kinh điển và nhiều bài viết đúc kết thành lý luận sân khấu. Trong đó, không thể không kể tới những tác phẩm tuồng nổi tiếng được Đào Tấn chắp bút khi tuổi đời còn rất trẻ như: "Tân Dã Đồn", "Đảng Khấu", "Tam Bảo Thái Giám Thủ Bửu", vở "Vạn Hữu Trình Tưởng" hay "Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan", "Hộ Sanh đàn", "Diễn võ đình", "Cổ thành"...  hay tập sách lý luận sân khấu  "Hí trường tùy bút" và bút ký "Mộng Mai văn sao".

Về tài năng của Đào Tấn, Vua Tự Đức đánh giá ông có "bút pháp như thần"; Vua Thành Thái coi Đào Tấn là bậc thầy.

Với Đào Tấn, nghệ thuật Tuồng không còn là công cụ mua vui, thỏa mãn ý thích cho vua chúa mà là nơi giúp ông góp tiếng nói theo tinh thần thời đại, dùng nghệ thuật Tuồng làm cấu nối giữa tầng lớp nho sĩ với nhân dân và đứng về phe nhân dân để kết tội triều đình quan lại thối nát. Chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn của Tuồng Đào Tấn. Đồng thời, mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với  những quan niệm gần gũi với nhân dân. Đào Tấn cũng là người sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát "Như Thị Quan" ở Nghệ An và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên "Học Bộ đình" tại Nghệ An và Bình Định, nơi đào tạo những nghệ sĩ Tuồng xuất sắc nhiều thế hệ.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, từ hơn một thế kỷ qua, tên tuổi và sự nghiệp của Đào Tấn đã là một niềm tự hào của những người hoạt động văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ sau khi đất nước thống nhất, nhiều vở Tuồng của ông tiếp tục được các đơn vị sân khấu cả nước dàn dựng, biểu diễn; thơ và từ của ông được tuyển chọn, biên dịch, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước; cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của ông được nghiên cứu ngày càng toàn diện.  Tuy nhiên, so với Đại thi hào Nguyễn Du, thì việc nghiên cứu Đào Tấn còn quá ít. Việc tiếp tục bảo tổn và phát huy di sản Đào Tấn là cần thiết và cấp thiết để Đào Tấn không chỉ là hậu Tổ nghề Tuồng, là danh nhân văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phải là danh nhân văn hóa thế giới. Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị nghệ thuật Tuồng cũng như các đơn vị sân khấu, các kịch chủng trên cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay. Ông mong muốn tỉnh Bình Định có kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc để phát huy tốt khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định.

Gia Linh