Báo Công An Đà Nẵng

“Đánh thức” những dòng sông

Thứ ba, 06/04/2021 10:09

Nhằm nghiên cứu, đánh giá tổng thể giá trị cũng như tiềm năng của một số dòng sông lớn ở vùng Đông của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã tổ chức nhiều chuyến thực tế để khảo sát các dòng sông này. Qua đó, ông Lê Trí Thanh cho biết, trong nhiệm kỳ này, tỉnh Quảng Nam sẽ quyết tâm tổ chức phát triển lại các dòng sông ở vùng Đông, từ kinh nghiệm phát triển vùng Đông, Quảng Nam sẽ có định hướng để quản lý, phát triển bền vững toàn bộ các lưu vực sông trên địa bàn.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác khảo sát dòng sông Trường Giang.

“Chỉnh trang” sông nước

Trường Giang là một trong những con sông lớn nhất của Quảng Nam, kéo dài hơn 60km từ huyện Núi Thành chảy qua các địa phương như Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên. Nơi đây có nhiều giá trị văn hóa lâu đời, là nguồn sống của hàng trăm hộ dân ở lưu vực. Qua khảo sát dòng Trường Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nếu như Cổ Cò là dòng sông của đô thị với kiến trúc độc đáo, thì Trường Giang khi quy hoạch sẽ giữ cho được hiện trạng tự nhiên như vốn có của nó. Hai bên bờ sông Trường Giang đoạn qua huyện Duy Xuyên, Thăng Bình sẽ nghiên cứu trồng các loại cây dừa nước, cói, khu vực Tam Kỳ thì có cây dừa, huyện Núi Thành thì hợp với cây bần, cây đước... Phục hồi đa dạng sinh học dọc con sông này sẽ được tính toán một cách khoa học.

Đợt khảo sát sông Trường Giang lần này cũng là dịp để Quảng Nam đánh giá, khởi động lại dự án nạo vét dòng sông. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án nạo vét dòng Trường Giang dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành vào giai đoạn 2026 - 2027, chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, đi qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ và Núi Thành. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.000 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) tương đương 1.394,8 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng). Theo đó, cát nạo vét từ sông sẽ được sử dụng để tạo bãi cho dự án đầu tư xây dựng kè Cửa Đại - đoạn đang bị sạt lở những năm gần đây. Phạm vi nạo vét bao trọn hết toàn bộ sông (trừ 2km đầu Cửa Đại và 4km đầu Cửa Lở), với khối lượng vật chất nạo vét gần 4 triệu m3 cát. Sông Trường Giang sau khi nạo vét đạt chuẩn luồng đường thủy cấp IV, đáp ứng cho tàu 100 tấn lưu thông hai làn, chiều rộng luồng 30m, độ sâu luồng 2,3m... Dự kiến đến năm 2025, khi dự án nạo vét sông Trường Giang hoàn thành, sẽ góp phần tăng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa cũng như vận chuyển hành khách trên sông.

Đối với dòng sông Tam Kỳ, ngày 26-3, sau khi có chuyến khảo sát thực tế, ông Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc với TP Tam Kỳ về quy hoạch đầu tư khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ. Theo đó, dự án nghiên cứu có diện tích 275ha, trong đó dự án khu dân cư - tái định cư Nam An Phú quy mô 38ha. Hiện trạng khu đất quy hoạch có mật độ dân cư thưa thớt, cốt nền dự án thấp hơn cốt đường 1,5 - 2m, gần cảng cá An Phú, rất có tiềm năng phát triển cảnh quan sinh thái. Theo định hướng, khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ sẽ xây dựng trung tâm dịch vụ khách sạn cao cấp gắn với hệ sinh thái sông nước. Các phân khu chức năng sẽ đầu tư xây dựng phố thấp tầng kết hợp thương mại - dịch vụ mua sắm, phân khu biệt thự cao cấp, phân khu nhà ở xã hội và tái định cư tại chỗ. Riêng phân khu chức năng ở phía nam, đô thị kết nối sông nước, kết nối khu công viên thể thao cộng đồng và sân vận động Tam Kỳ...

Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Tam Kỳ cần khảo sát chọn vị trí phù hợp để đầu tư phát triển đô thị sinh thái bên dòng sông tĩnh, hạn chế tối đa việc thu hẹp dòng sông. Đồng thời tính toán tổ chức lại không gian các đảo xây dựng đô thị; đầu tư đồng bộ hệ thống cấp thoát nước để chống ngập úng cho vùng nội thị...

Lưu vực các dòng sông ở Quảng Nam với sự đa dạng các loài động thực vật nhưng chưa được nghiên cứu, đánh giá, phát triển bền vững.

Phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và văn hóa

Ở Quảng Nam, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng khoảng 10.350km2, là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất nước ta. Sông Thu Bồn chảy qua địa phận 9 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam trước khi đổ ra Cửa Đại. Do đó, qua khảo sát, ông Lê Trí Thanh cho rằng rất cần những giải pháp để quản lý tổng hợp lưu vực sông “từ đầu nguồn xuống biển”. “Làm sao đó phải bảo tồn giữ gìn được tài nguyên thiên nhiên, đăc biệt là các hệ sinh thái đa dạng động thực vật ở vùng cửa sông, các lưu vực sông.Qua khảo sát một số dòng sông, chúng tôi rất chú ý đến sông Thu Bồn, một sông lớn và có rất nhiều cồn bãi ở trên sông. Trong thời gian qua chúng ta cũng chưa có một tư duy để quản lý và phát triển các cồn bãi, vì vậy rất nhiều dự án được cấp và đầu tư manh mún, kể cả việc xây dựng kè cũng không tính đến các giải pháp một cách bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, việc khảo sát lần này là bao gồm cả các khu vực lưu vực sông, chú trọng đến các khu vực ven bờ, chú trọng đến các cồn bãi ven sông và các thảm động thực vật ở những vùng đặc trưng sông nước”- ông Thanh nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ này chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn giá trị những dòng sông ở vùng Đông của tỉnh, ông Lê Trí Thanh chia sẻ: Với một tầm nhìn mới phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó mà trong nhiệm kỳ này, tỉnh Quảng Nam sẽ quyết tâm tổ chức phát triển lại các dòng sông trên vùng Đông của tỉnh, rồi từ kinh nghiệm phát triển vùng Đông, chúng ta sẽ có định hướng để quản lý toàn bộ các lưu vực sông trên địa bàn. Đối với các sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Bàn Thạch,... thì đây là một hệ thống sông liên hoàn và nó có tính đa dạng sinh học rất cao cũng như các văn hóa sông nước rất đặc biệt. Do đó cần phải được đánh giá một cách toàn diện các lưu vực sông này.

Trên cơ sở đó tỉnh Quảng Nam sẽ vừa lập quy hoạch điều chỉnh phát triển vùng Đông, nhưng rất chú ý đến quy hoạch cảnh quan đô thị ở khu vực ven sông, khu vực lòng sông nhất là các cồn bãi. Và trên cơ sở được lập quy hoạch một cách toàn diện, đánh giá tất cả các mặt về kinh tế, tự nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội thì chúng ta sẽ có định hướng để tổ chức phát triển như thế nào cho hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa.

“Tùy theo từng dòng sông đã được xác định trong quy hoạch, sẽ xác lập khu vực nào cần phải bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực nào cho phép khai thác, và khai thác đến mức nào, loại hình gì và các chủ thể khai thác là ai; có thể là nhà nước, có thể là các cộng đồng dân cư và có thể là các doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề này cần phải được thảo luận nghiêm túc có khoa học với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực khác nhau và phải được những đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để giúp chúng ta trong công tác lập quy hoạch trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”- ông Thanh chia sẻ. 

LÊ HẢI