Báo Công An Đà Nẵng

Đánh thức tiềm năng du lịch Lý Sơn

Thứ bảy, 16/04/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Tại Hội thảo Quốc gia định hướng phát triển cho Lý Sơn được Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức tháng 10-2014, các nhà hoạch định, quản lý đã xác định: Lý sơn là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng, cần xây dựng kế hoạch phòng thủ trong mối quan hệ với hoạt động du lịch với tư cách là một hoạt động dân sự nhằm khẳng định chủ quyền và tạo điều kiện để người dân sống trên đảo có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, xây dựng và phát triển đảo, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc...

Tiềm năng và thực trạng du lịch Lý Sơn

Với tổng chiều dài bờ biển trải dài trên 25 km, bao quanh hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Lý Sơn được thiên nhiên tôn tạo đã hình thành nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên tuyệt đẹp như: Chùa Hang, Hang Câu, Cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiên, Thới Lới, Rặng San hô, đặc biệt là khu du lịch sinh thái Mù Cu có giá trị để phát triển thành khu du lịch tổng hợp.  Nét độc đáo khác của du lịch biển đảo Lý Sơn  là sự tích tụ nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như: Chùa Đục, Đình làng An Hải, An Vĩnh, Âm Linh Tự, Dinh Bà Thiên Y-A Na, Lăng Chánh, Lăng Tân An Vĩnh, nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải,  Dinh Tam Tòa, Lăng cá ông Nam Hải... và 24 nhà cổ có kiến trúc xưa còn nguyên vẹn. Trải qua hàng trăm năm, người dân Lý Sơn đã để lại những lễ hội truyền thống ghi đậm dấu ấn cư dân trên đảo như, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền truyền thống và lễ  khao lề thế lính Hoàng Sa-là di sản văn hóa vật thể Quốc gia.  Đến Lý Sơn, du khách sẽ được đắm mình trong “Vương quốc tỏi”, được công nhận nhãn hiệu quốc gia năm 2008, được thưởng thức nhiều hải sản quý giá từ biển...

Bà Võ Thị Thúy - cán bộ chuyên trách về du lịch, phòng VH-TT huyện đảo Lý Sơn  cho biết, với tiềm năng dồi dào như vậy, nhưng du lịch Lý Sơn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đến Lý Sơn có thể nhận thấy rõ, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn rất hạn chế. Lý Sơn đã có điện lưới quốc gia, nhưng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng công cộng kể cả dân sinh còn mang tính tạm bợ, chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ. Du khách đến Lý Sơn chủ yếu chỉ để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu vì chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn, không phát huy được các loại hình như, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn... Một thực trạng nữa đặt ra, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chậm, không tạo được sự chú ý, thu hút các nhà đầu tư đến với Lý Sơn. Đội ngũ phục vụ các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải khát cho du lịch chưa thật sự văn minh, lịch thiệp vì hầu như không có chuyên môn, nghiệp vụ. Ngân sách địa phương hằng năm cấp cho hoạt động phát triển du lịch còn khiêm tốn, không xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn  nhằm thu hút du khách lưu trú dài ngày. Mô hình phát triển du lịch trong cộng đồng nhân dân chưa được chú ý và phát huy rộng rãi. Công tác định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương chưa thật sự đồng bộ, thiếu chặt chẽ...

Tàu cao tốc-phương tiện duy nhất chuyên chở khách ra vào đảo Lý Sơn hoạt động vẫn chưa ổn định thường xuyên.

Đánh thức tiềm năng...

Thực tế trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng đáng kể. Nếu như năm 2007, chỉ có 2.071 tổng lượt du khách,  đến năm 2014 đã 36.000 lượt du khách, hơn 400 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt  hơn 40 tỷ đồng. Năm 2015, đã có hơn 45.000 tổng lượt du khách, 562 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 546 tỷ đồng. Lý Sơn đang là điểm đến rất được quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Theo dự đoán và ước tính, đến năm 2020, Lý Sơn sẽ có hơn 80.000 tổng lượt khách du lịch, hơn 1.000 lượt khách quốc tế, doanh thu sẽ đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Ngay trong năm 2016 này, nhân lực để phục vụ cho du lịch sẽ cần hơn 800 lao động. Dự  báo đến năm 2020 sẽ cần hơn 1.400 lao động.

Quay trở lại với câu chuyện thực trạng du lịch Lý Sơn, bà Thúy cho biết, để phát triển du lịch Lý Sơn, việc quy hoạch tổng thể du lịch biển đảo Lý Sơn với diện tích 250 ha,  kinh phí gần 1 tỷ đồng, đã có chủ trương từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa được Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi là đơn vị Chủ đầu tư lập quy hoạch cụ thể. Cho đến nay, các doanh nghiệp và nhân dân mới đầu tư được gần 30 cơ sở lưu trú với 395 phòng, 4 tàu cao tốc chở khách từ đất liền ra vào Lý Sơn, 22 chiếc xe du lịch loại 12 ghế...

Có thể nói, phát triển du lịch Lý Sơn cần đặt ra rất nhiều giải pháp. UBND H. Lý Sơn cũng đã đặt ra mục tiêu, phát triển du lịch Lý Sơn trở thành tâm điểm du lịch tỉnh Quảng Ngãi, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tổng sản phẩm của huyện đến năm 2020. Theo đó, sẽ đầu tư các cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản như, hành, tỏi... hải sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Kêu gọi đầu tư các điểm nghỉ ngơi, thư giãn phục vụ du khách kéo dài thời gian lưu trú... Xin kinh phí từ Trung ương phục chế bộ xương cá Ông ở Lăng Tân làm điểm nhấn cho du lịch. Quản lý các phương tiện đường thủy an toàn, hiện đại, ổn định, giá cả hợp lý... Tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, phương tiện vận chuyển. Khuyến khích các hộ gia đình người dân trên đảo có đủ tiêu chuẩn, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đảm bảo tốt ANTT trong môi trường du lịch...

UBND H. Lý Sơn cũng có những kiến nghị, đề xuất như, tạo điều kiện thuận lợi đưa du lịch biển đảo Lý Sơn vào tuyến du lịch Đà Nẵng - Hội An - Cù Lao Chàm - Lý Sơn; đề nghị Trung  ương, tỉnh hằng năm quan tâm bố trí nguồn ngân sách chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trong nguồn ngân sách dự án bảo tồn di tích quốc gia và dự án sản xuất tỏi đen Lý Sơn; tạo mọi điều kiện để du khách đến với Lý Sơn an toàn nhất, thuận lợi nhất. Rõ ràng, du lịch Lý Sơn đang rất cần sự quan tâm và tạo những cú hích hiện tại và thời gian tới.

Hồng Thanh