Báo Công An Đà Nẵng

Đánh thức tiềm năng ven biển

Thứ tư, 18/03/2020 20:00

Vùng ven biển Quảng Trị đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi nơi đây đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương ưu tiên như: du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển và năng lượng.

Đảo Cồn Cỏ luôn là điểm đến ưa thích của du khách.

Du lịch và cảng biển "hút" nhà đầu tư

Tỉnh Quảng Trị có 75 km đường bờ biển; trong đó, có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, biển Cửa Việt và Mỹ Thủy hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển quy mô lớn, có thể đón tàu có tải trọng lên đến 100.000 tấn.

Thời gian gần đây, du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch thu hút được nhiều khách nhất đến với Quảng Trị, nhất là tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đưa tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ vào điểm du lịch quốc gia. Các bãi biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Mũi Trèo... có sức hút với nhà đầu tư, bởi hầu như còn hoang sơ. Điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn AE đang xây dựng Khu đô thị sinh thái biển AE Resort - Cửa Tùng, có diện tích trên 36 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 - 2021 bao gồm các hạng mục khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí.

Trong khi đó, tại biển Cửa Việt cũng đã có nhiều khu nghỉ dưỡng được xây dựng như: Biển Vàng, Sê Pôn. Đối với tuyến tham quan ra đảo Cồn Cỏ, từ cuối tháng 8-2018, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đưa vào sử dụng tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch từ Cửa Việt ra đảo Cồn Cỏ; qua đó giúp rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, từ 2 giờ xuống còn 45 phút, nhằm phục vụ du khách đến với đảo để nghỉ dưỡng, lặn biển, câu cá.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư; trong đó, ưu tiên du lịch biển trong việc hình thành tam giác du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh đã hỗ trợ đóng mới các tàu để chở khách, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu đãi của địa phương về đất đai, mặt bằng; đồng thời, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối các chuyến du lịch với các tỉnh và các nước trong khu vực, cũng như quốc tế để đưa du lịch Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Lĩnh vực xây dựng cảng biển ở Quảng Trị, cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị mới chỉ có cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, H. Gio Linh với 3 bến cảng, có thể đón tàu có tải trọng 3.000 tấn. Vào cuối tháng 12-2019, tại xã Triệu An, H. Triệu Phong, đã tiến hành xây dựng Bến cảng CFG Nam Cửa Việt. Bến cảng này có quy mô trên 18 ha, nằm đối diện với cảng biển Cửa Việt hiện tại, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn.

Vào cuối tháng 2-2020, tại xã Hải An, H. Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy, cũng đã khởi công dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy. Dự án này có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.

Xây dựng trung tâm năng lượng vùng ven biển

Vùng ven biển Quảng Trị còn "hút" doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Trong số đó, điện mặt trời ở vùng ven biển Quảng Trị có tổng công suất lên đến 1.500 MW, do có mức bức xạ mặt trời cao. Tại các xã vùng ven biển Gio Thành, Gio Hải thuộc H. Gio Linh, những nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đã và đang được xây dựng. Theo đó, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đi vào vận hành. Ngoài ra, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và Gio Thành 2, đang triển khai xây dựng, có tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Đến giữa tháng 3-2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được trên 20 dự án điện mặt trời; có 1 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 6 dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt, còn lại là các dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Bộ Công Thương đưa địa phương vào vùng mức xạ mặt trời số 1 (vùng 1), nhằm tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời. Bởi hiện nay, tỉnh Quảng Trị được phân vùng và áp giá điện mặt trời đối là vùng 2, tức xếp địa phương này vào vùng có khí hậu miền Nam. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị có thời tiết tương đồng với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, việc xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, đã tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí, nhiệt điện tại Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị có công suất 1.320 MW, do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đầu tư, đang xây dựng tại Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, với tổng vốn trên 55.000 tỷ đồng, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2025. Đây là dự án có tổng mức vốn đầu tư lớn nhất thực hiện ở Quảng Trị từ trước đến nay.

Cũng tại Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, Công ty Gazprom của Nga đang triển khai đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW. Tập đoàn T&T Group đang nghiên cứu thực hiện dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã kiến nghị với Trung ương, đưa vào kế hoạch bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, để đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển, đoạn từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Qua đó, hoàn thành toàn tuyến đường dọc ven biển Quảng Trị, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay - Quốc lộ 15D, có chiều dài 92 km. Việc xây dựng quốc lộ này, sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông Tây - Quốc lộ 9 hiện nay, qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nhằm tăng cường giao thương, kết nối vùng ven biển Quảng Trị và các tỉnh Bắc Trung Bộ với khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

NGUYÊN LÝ