Đảo Bé lại khát
Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt hư hỏng cộng với thời tiết nắng hạn kéo dài đã khiến hơn 100 hộ dân với 500 nhân khẩu ở Đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chật vật vì thiếu nước sinh hoạt.
Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt (ảnh) ở đảo Bé gặp sự cố. |
Gần 3 tháng nay, một trong 2 tổ máy lọc nước tại nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt ở Đảo Bé gặp sự cố, bị hư hỏng nặng, không thể khắc phục. Do đó, việc cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho các hộ dân ở đảo Bé chỉ mang tính "cầm chừng", để có nước sử dụng các hộ dân phải "gồng mình" mua nước ngọt từ đảo Lớn chuyển qua với giá từ 260 -280 ngàn /m3 (cao gấp hơn 30 lần với giá bán của Nhà nước).
Anh Phạm Văn Trọng, ở khu dân cư số 2 xã An Bình cho biết, mỗi tháng gia đình anh sử dụng khoảng từ 7 đến 10 m3 nước sinh hoạt, nguồn nước ngọt này đều do nhà máy cung cấp. Thế nhưng gần 3 tháng nay khi nhà máy gặp sự cố mỗi tháng nhà máy chỉ cung cấp "nhỏ giọt" cho gia đình anh khoảng 2m3, số còn lại anh phải mua nước từ đảo Lớn chuyển qua với giá tiền triệu. "Mỗi tháng gia đình tôi phải mua thêm 5 đến 7 m3 nước, với giá từ 260 -280 ngàn/m3 thì phải tốn tiền triệu. Nếu tình trạng này kéo dài, người dân chúng tôi lấy đâu tiền để mua nước", anh Trọng bộc bạch.
Cũng như gia đình anh Trọng, những ngày qua, gia đình của chị Phạm Thị Thông, ở khu dân cư số 3, xã An Bình cũng chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Chị Thông kể, từ khi nhà máy gặp sự cố, mỗi ngày nước từ nhà máy cung cấp về cho 100 hộ dân khoảng 12-15m3, những nhà ở gần nhà máy còn có nước dùng, còn gia đình chị ở xa nên nước không tới, để có nước sinh hoạt mỗi tháng chị phải bỏ ra hơn 1,5 triệu đồng để mua nước từ đảo Lớn. "Các hộ ở cạnh nhà máy, mỗi ngày cũng chỉ lấy được vài chục lít nước để sử dụng ăn uống, còn tắm giặt cũng phải mua từ đảo Lớn, dân đảo Bé đã khổ nay càng khổ hơn vì mỗi tháng phải chi tiền triệu để mua nước sử dụng. Mong chính quyền sớm có giải pháp hợp lý và lâu dài để để kịp thời cung cấp nước ngọt cho chúng tôi", chị Thông bày tỏ.
Đảo Bé đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Thời điểm này mới bước vào đầu hè nhưng mỗi ngày có hàng trăm du khách tham quan đảo, đặc biệt là vào dịp cuối tuần lượng khách đổ về đây tăng cao. Do đó, việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ nhu cầu của du khách. Anh Lâm Tấn (trú Đồng Tháp) bực dọc: "Tắm biển xong lên tắm lại nước ngọt cũng khó vì khan nước, mỗi lượt tắm chúng tôi phải trả 20 ngàn đồng/ người nhưng chỉ được sử dụng vài lít nước ngọt để xối qua, nếu tình trạng khan hiếm nước ngọt này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến du lịch", anh Tấn nói.
Người dân đảo Bé chỉ sử dụng nước ngọt vào những sinh hoạt thiết yếu. |
Theo phản ánh của các hộ kinh doanh du lịch tại bãi tắm đảo Bé, sở dĩ việc hạn chế nước ngọt phục vụ nhu cầu tắm của du khách bởi ngoài phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chuyển qua với giá gần 300 ngàn đồng/m3, thì phí vận chuyển nước từ cảng đến bãi tắm cũng tốn từ 120 -150 ngàn đồng/m3, như vậy giá nước sẽ cao gần 40 lần theo giá Nhà nước bán cho dân.
Năm 2012, dự án nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD cho Cty DOOSANVINA tài trợ cho xã đảo An Bình, với công suất khoảng 100m3/ ngày đêm. Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự cố hư hỏng công suất nhà máy đã giảm đáng kể, dẫn đến việc cung cấp nước ngọt cho người dân địa phương chỉ mang tính "nhỏ giọt" khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân gặp khó khăn và chật vật.
Phó chủ tịch UBND H. Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Hiện nay một tổ máy của Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt gặp sự cố hư hỏng, địa phương đã liên hệ với nhà tài trợ thiết bị khảo sát, đánh giá mức hư hỏng để có biện pháp khắc phục, không để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và nhu cầu của du khách.
Đảo Bé thuộc xã vùng xa của huyện đảo Lý Sơn, với cấu tạo địa chất toàn các phiến đá trầm tích nên trên đảo không có các mạch nước ngầm. Do vậy, mỗi năm người dân xã đảo chỉ sản xuất được 2 vụ hành vào mùa mưa, thời gian còn lại trong năm đất đai bỏ hoang hóa. Từ khi du lịch phát triển phần lớn các hộ dân đều tham gia làm các dịch vụ phục vụ du lịch. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra cuộc sống của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn bởi nỗi lo thiếu nước ngọt trong khi mùa hè đang cận kề.
ANH THƯ