Đào cát nghĩa địa Động Chai - người sống kêu cứu (2)
* Bài cuối: Người dân di dời mộ đi đâu?
(Cadn.com.vn) - Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngừng khai thác cát để chuyển mộ phần nghĩa địa Động Chai sang nghĩa trang mới, nhưng nghĩa trang mới chưa thấy đâu mà hàng trăm ngôi mộ vẫn đang từng ngày trước nguy cơ sụt lún. Và một lần nữa người sống lại phải tiếp tục đấu tranh để giành "quyền lợi" cho người chết.
Chưa có kế hoạch về việc di dời mồ để giải quyết đền bù cho người dân nhưng Cty Phú Long vẫn “núp bóng” dưới danh nghĩa triển khai dự án được tỉnh phê duyệt để khai thác cát trái phép. Thậm chí, sau khi có quyết định của tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngừng khai thác cát, Cty này vẫn lén lút lấy cát vào ban đêm. Hàng chục hộ dân đã bỏ công việc để ngày đêm túc trực ngăn không cho xe vào lấy cát trong nghĩa địa. Hiện nay, cát ở Động Chai đã bị lấy đi một nửa, tuy nhiên số mộ phần được chuyển đi mới chỉ hơn 90 mộ. Những hộ dân còn lại nhất quyết không chịu dời đi nếu như nghĩa trang mới chưa hoàn thành.
Anh Phương (46 tuổi) bức xúc: “Trước khi có một dự án nào đó thì chính quyền địa phương phải đi xem xét khảo sát trước. Rõ ràng đây là một khu nghĩa địa đã 200 năm tuổi rồi. Vậy tại sao không lập kế hoạch di dời mà đã vào múc cát? Chỉ đến khi hậu quả đã rồi mới miễn cưỡng di dời là sao?”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Tôi tìm hiểu được biết dự án này lấy cát trắng cho nhà máy Kính nổi Chu Lai và tạo mặt bằng cho KCN Cơ khí đa dụng và ô-tô Chu Lai. Một dự án lớn như vậy mà không hề thông báo cho người dân biết cũng không thấy cắm biển thông báo chi. Dự án này là gì, mang lại lợi ích cho ai? Bây giờ đùng đùng bảo chúng tôi dời mộ đi chỗ khác ngay. Thêm nữa, việc cải táng phải coi kỹ đất đai, thời gian địa điểm đâu thể nói dời là đi ngay được”.
Vội vã khai thác cát, cho đắp taluy thiếu khoa học nên tình trạng sạt lở càng nặng nề. |
Thực tế trên đã đưa đến một câu hỏi rằng tại sao việc khai thác cát khi đang còn mồ mả tiến hành từ năm 2012 nhưng đến cuối năm ngoái mới cho xây dựng nghĩa trang mới? Liệu đây có phải là cách đối phó quá khập khiễng so với tiến độ thi công? Nay nghĩa trang mới chỉ vừa san ủi mặt bằng và chưa hoàn thiện đã ép người dân nhận tiền bồi thường dời đi ngay là không thấu tình đạt lý.
Được biết, tháng 6-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng nghĩa trang nhân dân tại xã Tam Anh Nam với diện tích 26,3ha với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Theo cam kết của UBND tỉnh, đây sẽ là nghĩa trang đạt chuẩn có tường rào, nhà tang lễ, đài dâng hương cho người dân trong vùng. Thế nhưng đến ngày 5-11, khi P.V có mặt tại hiện trường thì nghĩa trang 70 tỷ đồng này chỉ mới là một... khu đất trống. Gần đó, ngoài tấm biển đề tên dự án, không thấy bóng dáng của nhân công nào. Ông Nguyễn Đức Bình ý kiến: “Tôi không hiểu nổi tại sao nghĩa trang 70 tỷ đồng lại trống huơ trống hoác như thế này. Có câu uống nước nhớ nguồn, đã lấy cát thì cũng phải để chúng tôi di dời mộ phần ông bà đến một nơi đàng hoàng chứ, như vậy có phải coi thường người dân quá không?”.
Tấm biển đề tên dự án xây dựng nghĩa trang nằm xập xệ. |
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: “Dự án khai thác cát trắng trên địa bàn xã Tam Anh Nam được UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian 2 năm 2 tháng (6-2012 – 8-2014). Tuy nhiên đến tháng 4-2013 có ý kiến của người dân về việc khai thác cát gây ảnh hưởng đến mồ mả nên đã ngưng việc khai thác. Chủ trương của tỉnh là khi nào có nghĩa trang mới khang trang hơn mới tiếp tục cho khai thác. Hiện nay vẫn chưa có quyết định cho phép việc khai thác cát trở lại. Việc cải táng sẽ được tiến hành thuận theo ý dân”.
Nghĩa trang mới chỉ mới được san ủi mặt bằng nên người dân không chịu di dời mộ. |
Chưa biết việc xây dựng nghĩa trang mới để tiến hành di dời mồ mả cho người dân đến đâu, nhưng hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ. Vì vội vã lấy cát sau đó cho đắp taluy ngăn nước đã khiến cho tình trạng sạt lở ở nghĩa trang Động Chai nặng nề hơn. Trong những ngày đầu mùa mưa, nước không có chỗ thoát đã ứ lại khiến lở cả hai bên bờ nghĩa địa chảy cả vào những đám ruộng của người dân gần đó. Hơn 500 ngôi mộ được an táng từ 200 năm đứng trước nguy cơ sạt lở nặng nề. Thiết nghĩ, việc xây dựng KCN nhằm phát triển KT - XH là cần thiết, nhưng việc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương với cách làm không khoa học đã khiến cho đời sống tinh thần của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Mùa mưa bão vẫn còn tiếp tục, liệu rằng hàng trăm ngôi mộ ở Động Chai sẽ thế nào? Đó là câu hỏi đang chờ các cấp chính quyền trả lời.
Điều tra: Nhóm phóng viên