Báo Công An Đà Nẵng

Đảo chính quân sự tại Thái Lan

Thứ sáu, 23/05/2014 10:07

(Cadn.com.vn) - Đây là lần thứ 19, chính trường Thái Lan chứng kiến đảo chính quân sự kể từ năm 1932, khi quốc gia Chùa Vàng trở thành chế độ quân chủ lập hiến.

Bóng ma đảo chính lại ám ảnh Thái Lan, chỉ 2 ngày sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố.

Quân đội lập chốt an ninh gần trại biểu tình của phe Áo đỏ. Ảnh: Reuters

Đảo chính lần thứ 19

Theo Reuters, trong thông điệp được phát đi trên toàn quốc, Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-O-Cha ngày 22-5 khẳng định: “Bộ chỉ huy bảo vệ trị an (POMC) nắm giữ quyền lực từ lúc 16 giờ 30 ngày 22-5 nhằm “lập lại trật tự và thúc đẩy cải cách”. Tư lệnh Prayuth chính là người sẽ lãnh đạo chính quyền quân sự điều hành quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi có một chính phủ dân sự mới.

Quân đội Thái Lan ngay sau đó cũng áp đặt lệnh giới nghiêm kể từ 22 giờ ngày 22-5 đến 5 giờ ngày 23-5. Tư lệnh quân đội nói rằng, bất chấp đảo chính, mọi việc, kể cả hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tất cả cán bộ công chức phải báo cáo các hoạt động làm việc, và bất cứ ai có vũ khí - chẳng hạn như cảnh sát - không được quyền di chuyển vũ khí mà không được lệnh. Tất cả các đài truyền hình và đài phát thanh của Thái Lan ngừng các chương trình phát sóng thường lệ và chỉ phát sóng chương trình của quân đội.

Quân đội cũng yêu cầu toàn bộ các nhóm biểu tình giải tán và phe Áo đỏ đã rút lui trong hòa bình sau khi các binh sĩ bắn chỉ thiên để giải tán hàng ngàn người ủng hộ chính phủ của đảng Peau Thai này. Theo phát ngôn viên Áo đỏ, Thanawut Wichaidit, quân đội bắt giữ ít nhất một lãnh đạo của phe này. Trước đó vài giờ, quân đội vẫn còn chủ trì hội nghị bàn tròn với các phe phái chính trị trong nước nhằm tìm kiếm tháo gỡ bế tắc. Đây là phiên hội nghị bàn tròn lần thứ hai sau khi các cuộc đàm phán hôm 21-5 kết thúc mà không đưa ra được nghị quyết nào. Bất ngờ là sau khi có tuyên bố đảo chính, các binh sĩ áp giải lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban ra khỏi cuộc họp. Hiện vẫn không rõ ông Suthep bị áp giải vì lý do gì.

Cần bầu cử

Tuyên bố đảo chính được đưa ra chỉ đúng 2 ngày sau tình trạng thiết quân luật là không bất ngờ. Bởi nhiều nhà phân tích chính trị vẫn cho rằng, thiết quân luật là “kiểu nửa đảo chính” và đảo chính thực sự chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Động thái này cũng là chuỗi mới nhất cho nỗ lực xoa dịu căng thẳng không thành công.

“Để tình hình nhanh chóng trở lại bình thường, xã hội được bình an... và tiến đến cải cách cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội, quân đội cần phải kiểm soát quyền lực”,  tướng Prayuth nói.

Phân cực chính trị leo thang trong thập kỷ qua ở Thái Lan, chủ yếu xoay quanh vai trò của ông Thaksin, người ra chính sách “dân túy”, vốn được cho đe dọa sức mạnh của tầng lớp người giàu và bảo hoàng Thái. Mâu thuẫn có nguồn gốc từ chính trị, dẫn đến cả hai phe ủng hộ và chống đối chính phủ liên tiếp xuống đường biểu tình gây đổ máu. Cuộc khủng hoảng phủ bóng lên cả nền chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia Chùa Vàng. Ít nhất 28 người đã chết, nền kinh tế trì trệ, niềm tin của người dân trong và ngoài nước giảm mạnh.

Trước tình hình này, nhiều người đã nói về đảo chính. Trên thực tế, không cần đến đảo chính, chỉ cần thiết quân luật, chính phủ dường như không còn bất kỳ quyền lực nào. Bản thân người dân Thái Lan đều quá quen thuộc với các cuộc đảo chính như thế này. Tuy nhiên, đảo chính không phải là liều thuốc có thể giúp quốc gia Chùa Vàng khỏi bệnh hoàn toàn. Mà điều quan trọng là nước này cần nhanh chóng tổ chức bầu cử để người dân có thể chọn cho mình một chính đảng lãnh đạo. Một cuộc bầu cử có thể được tổ chức trong vòng 5 tháng tới, sau khi các bước chuẩn bị đảm bảo bầu cử là tự do và công bằng, hoặc trong vòng 1-2 năm.

Chính phủ  cựu Thủ tướng Niwattumrong trước đó có bước nhượng bộ khi đề xuất tổ chức bầu cử vào ngày 3-8 tới, thay vì ngày 20-7 như dự kiến. Tuy nhiên, hiện nay, cả quân đội và Ủy ban bầu cử (EC) chưa có ý kiến gì về bầu cử như thế này.

Thái Lan thực sự vẫn đi những bước đi vô định.

Khả Anh