Đạo diễn Nguyễn Bá Lân kể chuyện làm phim và... bán phở
(Cadn.com.vn) - Hãng phim Đà Nẵng (Danafilm) được thành lập năm 2009 với nhiều kỳ vọng về sự phát triển của điện ảnh thành phố biển. Nhiều người còn tin rằng, không xa nữa trên sóng truyền hình sẽ xuất hiện những bộ phim truyện làm từ Đà Nẵng. Nhưng, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, hãng phim nay chỉ còn là hữu danh vô thực, thậm chí Giám đốc của hãng-đạo diễn Nguyễn Bá Lân phải mở quán bán phở để duy trì hãng phim, như lời của ông "lấy phở nuôi phim".
Chỉ còn danh
Tất nhiên phải có cơ sở để đạo diễn Nguyễn Bá Lân từ bỏ công việc giảng dạy ở Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM về Đà Nẵng lập hãng phim. Và cũng phải mất 5 năm ấp ủ, năm 2009 hãng phim của ông mới chính thức ra mắt. Lý do được ông tiết lộ rất giản đơn, là vì "ngửi" thấy ở Đà Nẵng có nhiều triển vọng cho điện ảnh. Chẳng hạn như trường hợp của cô học trò Hiếu Hiền, chỉ với cái máy quay giản đơn nhưng đã làm ra một phim ngắn mà thế giới biết đến. Và ông nghĩ, vậy thì làm phim đâu chỉ là tiền?...
Đạo diễn Nguyễn Bá Lân, sinh năm 1958, quê gốc làng hoa Ngọc Hà (Nà Nội), tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh quốc gia Kiev (Liên Xô cũ) năm 1990 sau đó về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trước khi về Đà Nẵng lập hãng phim tư nhân đầu tiên của miền Trung, Nguyễn Bá Lân từng có 9 năm giảng dạy tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM và đã góp phần đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Vân Dung, Đức Khuê, Thanh Thúy...
Trở lại câu chuyện của Danafilm, kể từ khi thành lập tới nay hãng mới chỉ sản xuất 2 phim truyền hình phục vụ những dịp lễ kỷ niệm lớn của Đà Nẵng (2 phim do TP đặt hàng). Từ 2 năm nay Hãng không sản xuất phim nữa, như tâm sự của đạo diễn Bá Lân vì... không ai đặt hàng. Tuy không sản xuất phim nhưng Giám đốc hãng phim vẫn cố duy trì hãng với lý do để cho lớp trẻ yêu điện ảnh của TP "có chỗ trông vào".
Tại trụ sở của hãng (thuê ở chung cư Lê Đình Lý) chuyển thành nơi sinh hoạt điện ảnh cho các bạn trẻ. "Làm văn hóa phải lâu dài, bền bỉ, kiên nhẫn, biết đâu trong số học trò tới hãng sinh hoạt điện ảnh thường xuyên nay mai sẽ phát hiện nhiều tài năng cho điện ảnh", đạo diễn Lân tự tin.
Đạo diễn Lân bảo: "Trong tình cảnh này tớ phải đi bán phở để lấy tiền nuôi hãng. Anh em ở hãng cũng vậy, người ta cũng đi làm việc khác để mưu sinh, nhưng không bỏ hãng được. Tớ phải duy trì hãng để giữ lửa cho điện ảnh TP, để nuôi hy vọng vào lớp trẻ trong tương lai. Đà Nẵng là mảnh đất màu mỡ để làm phim, vậy mà mình chịu đầu hàng thì tiếc lắm". Và để lo kinh tế trước để nuôi mình và nuôi hãng, đạo diễn Lân quay sang mở quán phở mang tên "Phở Lân béo".
Đạo diễn Nguyễn Bá Lân giới thiệu về những không gian trong quán phở của mình. |
Bán phở cũng phải có nghệ thuật
Câu chuyện về phở với đạo diễn Bá Lân có lẽ cuốn hút hơn cả phim ảnh. Ông bảo: "Cậu chớ coi nhẹ 2 quán phở của tớ, mỗi ngày tớ bán gần 1.000 tô, mỗi tô hơn 40 ngàn đồng, ở Đà Nẵng có quán phở nào được thế không? Nói lấy phở nuôi phim là vậy đấy". Ấn tượng đầu tiên khi vào quán "phở Lân béo" ở 156 đường 30 Tháng 4 là câu slogan to vật vã: "Chúng tôi nấu như cho bố mẹ mình ăn".
Kế tiếp là những câu dạng như: Sống ở nơi đáng sống- ăn những món đáng ăn- chơi với người đáng chơi- có chết cũng đã đời. Ông chủ "Lân béo" kể vui, nhiều khách quốc tế xem trên mạng, khi du lịch tới Đà Nẵng họ tìm bằng được tới quán phở có chữ "Chúng tôi nấu như cho bố mẹ mình ăn" thì mới ăn.
Năm ngoái, Thủ tướng Bulgaria tới Đà Nẵng dự hội nghị đã cùng cả đoàn tùy tùng tới "phở Lân béo", ăn xong tấm tắc khen ngon... Chia sẻ bí quyết, ông chủ "Lân béo" nói, nấu phở, khâu quan trọng nhất là canh lửa khi ninh xương, nếu non lửa quá thì nước không ngọt mà già lửa quá thì canxi trong xương tan ra, có mùi gây. Cũng theo ông chủ Lân, các quán phở khác thường phải bỏ đĩa ngò, quế lên bàn cho khách ăn để át đi mùi gây của thịt bò. Con bò càng khỏe, càng ngon thì mùi gây càng nhiều.
Nhưng ông Lân có bí quyết xử lý hết mùi gây chỉ với muối và nước lã, vì thế không cần quế, ngò. "Nước phở là phần tinh túy nhất, thơm thảo nhất, nếm thìa nước phở sẽ cảm nhận được sâu xa hồn vía đất nước mà ông cha để lại trong món ăn này. Vì thế để nước phở trở nên tinh túy thì phải hoàn toàn tự nhiên, không nên dùng gia vị như mì chính để đánh lừa. Phở Lân béo không dùng mì chính mà dùng nước của con đỉa biển ngọt gấp 4 lần mì chính, giá mỗi ki-lô-gam từ 4,7 triệu- 5 triệu đồng"-ông chia sẻ bí quyết để có nước phở tinh túy.
Làm phim hay làm phở theo quan niệm của đạo diễn Nguyễn Bá Lân cũng là nghệ thuật cả. Cái cốt lõi vẫn là tình yêu, đam mê. Phim và phở, với đạo diễn Nguyễn Bá Lân tuy hai mà một, tuy một mà hai...
Hải Hậu