Đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt trầm trọng
Mới vào đầu hè nhưng hiện nay tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tình hình khô hạn đang diễn ra trên diện rộng. Huyện đảo này còn đối diện với nguy cơ nguồn nước ngầm bị xâm nhập mặn. Theo thống kê, H. Lý Sơn có hơn 2 nghìn giếng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhưng tất cả hiện đang cạn nước rất nhanh. Do đặc điểm không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hơn 22.000 người dân đảo Lý Sơn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngầm. Thế nhưng, việc khoan, đào giếng của người dân lâu nay chưa được quản lý chặt chẽ nên đang làm cạn kiệt dần nguồn nước này.
Nông dân Lý Sơn khốn đốn vì thiếu nước tưới tiêu cho vụ hành vừa xuống giống. |
Theo báo cáo thăm dò của Sở TN&MT, từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm ở đảo tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể: kết quả đo vào cuối 2017, mực nước tụt 5m so với năm 2012. Riêng năm 2018, mực nước tụt nhiều hơn 1m do nhu cầu dùng tăng cao mà nguồn nước mưa rất ít. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm quá mức gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Cụ thể, tại thôn Đông, xã An Vĩnh, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu khoảng 300 - 500m so với mép nước biển; ở thôn Tây, xã An Vĩnh vào sâu 100 - 200m; các thôn Đông, Tây, xã An Hải cũng bị xâm nhập mặn vào sâu 50-100m. Đảo Bé (xã An Bình) là một trong những nơi thiếu nước ngọt trầm trọng nhất của Lý Sơn. 5 năm trở lại đây, người dân phải sang đảo Lớn mua nước về dùng.
Có thời điểm giá lên tới 200 nghìn đồng/m3, bà con chỉ dành nấu ăn, còn tắm giặt phải chấp nhận dùng nước nhiễm mặn. Ngành du lịch của huyện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ một cơ sở lưu trú cho biết, lượng nước ngọt trên đảo lên xuống thất thường trong khi mùa nắng lại là mùa cao điểm khách du lịch nên các cơ sở lưu trú không thể đáp ứng nguồn nước khi khách đông. Vừa qua, Cty Dosnavina đã tài trợ cho người dân đảo Bé xã An Bình hệ thống lọc nước ngọt trị giá 1 triệu USD để cung cấp 200m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho hơn 100 hộ dân tại xã. Tuy nhiên gần đây, một trong hai tổ máy lọc bị hư hỏng, mỗi ngày chỉ lọc được 15 m3 nước. Ông Nguyễn Văn Lê-Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết vì thiết bị chuyên dụng của nhà máy lọc nước phải nhập ngoại nên mỗi khi hư hỏng, thời gian khắc phục sẽ kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Giải pháp của UBND xã là tổ chức vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước ngọt, chỉ sử dụng nước ngọt vào những hoạt động thiết yếu trong thời gian chờ khắc phục sự cố tại nhà máy lọc nước.
Ngoài nỗi lo thiếu nước sinh hoạt thì mùa khô còn là thời điểm nông dân Lý Sơn xuống giống hai vụ hành. Vụ đầu, từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 6, vụ thứ hai bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc vào tháng 8. Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mùa nắng nóng. Theo bà Bốn (nông dân xã An Hải) cho biết đối với xã An Hải, ngoài nước giếng, bà con còn có nước tưới từ hồ Thới Lới, nhưng đến thời điểm này, nước ở hồ chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 30% diện tích đất sản xuất do trời không có mưa. Để duy trì nguồn nước tưới cho cây hành sinh trưởng, hiện nay mỗi giếng nước phải tưới cho 5 - 10 hộ nên rất chật vật.
Chủ tịch UBND H. Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết, huyện đang nghiên cứu đề xuất cấp trên giải pháp cấp nước ngọt bền vững cho đảo cũng là bảo tồn mạch nước ngầm tự nhiên. Theo đó, một mặt bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước ngầm, mặt khác đề xuất thêm 2 giải pháp công nghệ, gồm: đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt và lắp đặt hệ thống đưa nước ngọt từ đất liền vượt biển ra đảo. Ông Việt cho biết, máy lọc nước biển thành nước ngọt, vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém. Còn đầu tư hệ thống đường ống cấp nước từ đất liền ra, tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng vận hành ít tốn kém hơn. Huyện vẫn đang cân nhắc các phương án để bảo đảm đời sống lâu dài cho bà con trên đảo.
Đồng Dao