Báo Công An Đà Nẵng

Đào tạo giáo viên: Cần có cách làm mới

Thứ năm, 23/04/2015 10:30

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê, cả nước hiện có 133 cơ sở giáo dục đào tạo ngành Sư phạm, với 376.000 sinh viên đang theo học, chiếm 15,5% quy mô sinh viên cả nước. Trong năm học 2014-2015, có khoảng 60.000 sinh viên nhập học vào các trường sư phạm. Điểm đáng lo nhất là điểm đầu vào của sinh viên sư phạm không được cải thiện, thậm chí có trường ngày càng thấp. Mặt khác, chương trình đào tạo cũng đã cũ kĩ về tri thức khoa học so với khu vực và thế giới.

Các môn học bổ trợ chưa được tăng cường, nhiều kĩ năng mềm chưa được trang bị cho sinh viên. Các môn học nghiệp vụ ít được chú trọng, thời gian dành cho thực tập môn học không có. Có nhiều trường Sư phạm ở các địa phương chưa được trang bị phòng học có ứng dụng công nghệ thông tin, thư viện số hóa, thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo... Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả học tập khá, giỏi cao nhưng năng lực thực tế còn yếu. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm cho cử nhân ngoài Sư phạm chỉ trong vài tháng, với một số môn học, không có phần thực tập sư phạm.

Do vậy, trước tiên chúng ta phải "đại phẫu" các trường đào tạo sư phạm. Từ ngay bây giờ, các cơ sở đào tạo giáo viên cần "lột xác" về phương cách đào tạo, tuyển sinh. Các trường sư phạm không thể đứng ngoài cuộc trước những thay đổi, yêu cầu mới của ngành giáo dục.

Đội ngũ giảng viên trường sư phạm cần được đào tạo, cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học hiện đại, luôn trải nghiệm và hòa cùng dòng chảy, hơi thở của nhà trường phổ thông; các giáo trình lạc hậu được thay thế, biên soạn bằng giáo trình tiên tiến, bám vào chương trình dạy học mới ở phổ thông; đầu tư tốt cho các trường sư phạm trọng điểm, hạn chế hoặc cắt bỏ các trường, các lớp không đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn. Nơi đào tạo giáo viên bài bản, đúng chuẩn, tất nhiên sản phẩm đầu ra mới tốt lên được.

Khối ngành sư phạm đang mất cân đối trong đào tạo và sử dụng. Ảnh minh họa.

Hơn nữa, tuyển sinh vào các trường sư phạm nên có bước sơ tuyển chặt chẽ, kỹ lưỡng ở địa phương, giống như ngành công an, quân đội, với quy chuẩn cụ thể về giọng nói, năng khiếu sư phạm, kết quả văn hóa, đạo đức 3 năm phổ thông... Làm được vậy, các trường sư phạm sẽ lựa chọn được những thí sinh đảm bảo về tiêu chuẩn ban đầu. Trong quá trình đào tạo, tăng cường thêm thời lượng, các môn học, chuyên đề về tâm lý, kỹ năng, phương pháp sư phạm; giáo dục đạo đức, xử lý học sinh cá biệt..., kể cả đạo đức, trách nhiệm nhà giáo.

Có thể, từ năm thứ nhất, thứ hai, cho giáo sinh về thực tập, rèn luyện, làm quen với môi trường phổ thông. Đào tạo xong, ra trường, Nhà nước đảm bảo cho họ về chỗ làm việc, tránh kiểu "đem con bỏ chợ" như hiện nay. Tổ chức thi tuyển dụng, hướng đến áp dụng quy chuẩn như các nước Châu Âu, gồm bài luận, phỏng vấn, một số tiết thực dạy trên lớp cùng với đó là một chế độ, chính sách đãi ngộ, lương bổng giống như ngành đặc thù công an, quân đội..., tức khắc vị thế, giá trị nghề giáo và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người sẽ tốt hẳn lên.

Đối với tình trạng học sinh phổ thông ngày càng giảm, giáo viên thất nghiệp và tốt nghiệp ra trường ngày càng nhiều, Nhà nước, ngành cần có nhiều biện pháp, chính sách linh hoạt, phù hợp để giải quyết vấn đề về con người nhức nhối này. Giảm số tiết giáo viên đảm nhiệm trên tuần, từ 22-19-17 tiết xuống còn 15-13-11, bớt tiết giáo viên đi, vừa dạy có chất lượng vừa bớt dư thừa giáo viên. Giảm số học sinh trên lớp ở bậc THCS, THPT, từ 45 em xuống còn 35 em, bớt học sinh đi để quản lý giáo dục tốt hơn. 

Đồng thời, tinh giản bớt số giáo viên già, gần đến tuổi về hưu, mệt mỏi, không còn tinh thần, động lực làm việc, tuyển chọn số giáo viên trẻ, có năng lực, đang chờ việc. Các nhà trường, Phòng và Sở GD-ĐT cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc chuẩn đánh giá nghề nghiệp giáo viên (Bộ Giáo dục đã ban hành) trong thực tế, để từ đó làm cơ sở sàng lọc bớt số giáo viên không đạt yêu cầu ra khỏi biên chế vừa để giảm bớt gánh nặng về ngân sách vừa tăng cường ý thức, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo đối với công việc. Cần chấm dứt ngay kiểu đánh giá hình thức lâu nay, cuối năm ai cũng như nhau, đều tốt, khá cả khiến một số giáo viên có dấu hiệu chủ quan, thiếu trách nhiệm, chểnh mảng nhiệm vụ, ì ạch, cản trở sự phát triển của giáo dục.

Đỗ Tấn Ngọc