Báo Công An Đà Nẵng

Đào thải là tất yếu

Thứ tư, 01/10/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Tại lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 và đón tân sinh viên (SV) của Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) tổ chức sáng 29-9, bên cạnh niềm vui về những thành tích đã đạt được, PGS-TS Phan Văn Hòa- Hiệu trưởng nhà trường-cũng bày tỏ những trăn trở về tình trạng SV buộc phải thôi học.

Ông nói: “...Mỗi năm, chúng ta có khoảng 50 SV bị kỷ luật về học tập, hơn một nửa trong số này buộc phải thôi học. Lý do không chỉ vì họ học kém, chểnh mảng... mà một phần vì hệ thống công tác chủ nhiệm, tư vấn và tổ chức học tập của chúng ta còn khiếm khuyết, trách nhiệm một số thầy cô, cán bộ quản lý chưa sâu sát...

Một khóa học 4 năm, gần 200 SV không được tốt nghiệp, đau đớn biết chừng nào! Mỗi em một cuộc đời, trong đó niềm tin của cha mẹ vào các em vô cùng mãnh liệt...Chính vì những lẽ đó, từ năm học này, chúng ta phải tìm ra những phương thức tốt nhất có thể, giới hạn những điểm yếu nhất, phát huy cao độ những thành tựu và kinh nghiệm, làm cho năm học mới 2014-2015 xứng đáng là năm học đánh dấu bước phát triển toàn diện. Muốn làm được như vậy, tôi mong thầy cô và SV hãy dốc lòng vì một tương lai tốt đẹp...”.

Niềm vui của SV ĐH Ngoại ngữ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T

Vài năm gần đây, dường như ngày khai giảng chỉ là hình thức, hoặc nếu có chăng cũng chỉ là cảm xúc nôn nao, vui mừng của những tân HS-SV mới nhập học... Vì thế bài phát biểu của Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ cùng sự nhìn thẳng, nói thật những khiếm khuyết, tồn tại trong công tác quản lý, giáo dục khiến không ít người có tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT xúc động, suy nghĩ.

Câu chuyện này không phải là của riêng Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng mà là câu chuyện chung của các trường ĐH, CĐ, TCCN cả nước. Cùng với quá trình phát triển của xã hội, nhu cầu học tập của con người ngày càng cao. Nếu như từ thập niên 90 trở về trước, việc đỗ ĐH, CĐ là ước mơ của biết bao gia đình, HS năm cuối cấp THPT, thì giờ đây, việc vào ĐH, CĐ không còn là con đường chông gai, khó khăn nữa.

Bởi nếu không đỗ được nguyện vọng (NV) 1, NV 2, 3... vào các trường ĐH, CĐ công lập, thì các em vẫn còn có cơ hội vào học tại các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, miễn gia đình đảm bảo được tài chính. Thậm chí có trường ĐH, CĐ ngoài công lập còn tổ chức đến tận trường THPT để tuyển sinh ngay khi các em chưa thi ĐH, CĐ. Việc “nhà nhà”, “người người” đổ xô cho con vào ĐH, CĐ bằng mọi giá đã tạo nên thực trạng chất lượng đầu vào kém.

Và hệ quả tất yếu là chất lượng đầu ra cũng sẽ tương ứng. “Có bột mới gột nên hồ”, thầy cô giáo dù có giỏi đến đâu nhưng nếu học trò không cố gắng học tập, không sáng dạ... thì cũng khó mà đạt kết quả như mong ước.

Mặt khác, phương pháp học tập ở ĐH, CĐ khác hoàn toàn với học phổ thông, đòi hỏi tính tự giác, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của SV và giảng viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở. Nếu SV nào không có được ý thức tự học, ý thức tự tìm tòi, đam mê trong nghiên cứu khoa học, thì sự đào thải là điều tất yếu. Đó cũng là sự sòng phẳng, công bằng trong quá trình gạn đục khơi trong nhằm đào tạo ra những SV vừa hồng vừa chuyên...

Vì vậy, bên cạnh sự nhìn nhận thẳng thắn các mặt yếu kém từ phía nhà trường và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thì bản thân mỗi SV cũng phải tự nhìn lại quá trình học tập của mình để không ngừng trau dồi, tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao tri thức.

Ngoài ra, gia đình- xã hội cần có một cái nhìn khác hơn trong vấn đề học hành. Không nhất thiết phải  bằng mọi giá cho con vào học ĐH, CĐ nếu thực chất, trình độ kiến thức của con em họ không tới. Bởi, bên cạnh ĐH, CĐ vẫn còn có những trường đào tạo nghề và thực tế là xã hội đã và đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

P.Nết